Một số mô hình cải thiện sinh kế có hiệu quả
Xã hội - Ngày đăng : 07:06, 06/12/2018
Nhóm nuôi gà tại Quảng Ngãi
Thôn Vẩy Ốc, xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) là thôn khó khăn của xã. Việc sản xuất nông nghiệp của bà con có nhiều hạn chế do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, ít áp dụng kỹ thuật, vì thế chất lượng trình sản phẩm chưa cao.
Để cải thiện việc chăn nuôi gà, 10 hộ trong đó có 8 hộ nghèo và cận nghèo đã cùng nhau thành lập một nhóm cải thiện sinh kế và đề xuất việc chăn nuôi gà lên Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên vào năm 2017.
Dự án đề xuất với tổng chi phí thực hiện gần 86 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ gần 70 triệu đồng cho nhóm tập huấn kỹ thuật, mua gà con, tấm lợp, lưới nhựa, dụng cụ cho gà ăn và một ít thức ăn bổ sung. Người hưởng lợi đóng góp khoảng 16 triệu đồng về cây, công làm chuồng và chăm sóc.
Nhóm có quy chế hoạt động, sinh hoạt nhóm chia sẻ kinh nghiệm lẩn nhau và bà con tự nguyện đóng góp quỹ tương trợ trong nhóm để gắn kết tình làng nghĩa xóm cũng như cùng nhau hợp tác.
Đến nay, dự án đang hoạt động hiệu quả. Đàn gà của các hộ sinh trưởng tốt, qua được các dịch bệnh do bà con được tập huấn làm chuồng và chăm sóc gà đúng kỹ thuật, được nhắc nhở theo dõi gà thường xuyên, phát hiện sớm gà bệnh, và gà con nhất thiết phải được tiêm phòng.
Đắk Nông: Hướng dẫn người dân bổ sung dinh dưỡng
Xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong, Đắk Nông là một xã nghèo, khó khăn của huyện. Hiện tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi còn khá cao, trong đó, tỷ lệ trẻ hạn chế về chiều cao, cân nặng chiếm 45%, trẻ bị suy dinh dưỡng chiếm 25%... Những bữa ăn thường ngày của bà con, đặc biệt là trẻ nhỏ trên địa bàn thường thừa tinh bột nhưng lại thiếu các nhóm dưỡng chất như: đạm, vitamin, chất béo…
Do đó, để nâng cao nhận thức của người dân về cải thiện dinh dưỡng, dự án Giảm nghèo Tây Nguyên tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Hội phụ nữ xã, Trạm y tế tổ chức các buổi hướng dẫn thực hành về dinh dưỡng tại một số nhóm, bước đầu đã giúp thay đổi nhận thức và thói quen dinh dưỡng của người dân trong ở xã.
Nhiều chị em đang độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ được tập huấn về kiến thức dinh dưỡng. Họ đã biết phải cân đối các nhóm dinh dưỡng trong bữa ăn, chứ không chỉ tập trung “ăn nhiều cơm là đủ”. Họ biết cần thay đổi món thường xuyên với thịt bò, thịt heo, gà, rau xanh trong nồi cháo của con. Đồng thời, phải vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi chế biến. Phụ nữ mới sinh không nên kiêng cữ quá mức.
Thực tế cho thấy việc cải thiện, bổ sung dinh dưỡng của các gia đình trong nhóm đã có chuyển biến nhất định. Trong mỗi bữa ăn, các gia đình đã có sự cân đối về dưỡng chất như: Tinh bột, đạm, vitamin, chất béo…
Đắk Nông: Trồng dâu nuôi tằm tăng gần gấp rưỡi thu nhập
Tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, Đắk Nông, Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên đã hỗ trợ 15 hộ dân, trong đó 80% là hộ nghèo và cận nghèo, xây dựng một nhóm cải thiện sinh kế. Dự án hỗ trợ gần 300 triệu đồng và người dân tự đóng góp gần 440 triệu đồng.
Dự án hỗ trợ cho nhómvề kỹ thuật trồng dâu và nuôi tằm lấy kén; hỗ trợ phân bón, vật liệu làm nhà nuôi tằm, dụng cụ nuôi. Đặc biệt, Ban quản lý dự án của huyện liên kết với công ty TNHH DV XNK Dâu Tằm Tơ Đắk Nông cam kết liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Các thành viên nhóm LEG tự nguyện đóng góp: công lao động, vật tư…
Sau một năm Dự án hỗ trợ, bước đầu việc trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả rõ rệt. Theo tính toán, doanh thu của các hộ trong dự án tăng gần gấp rưỡi so với việc nuôi tằm trước đây (chưa được hỗ trợ).
Điều đáng nói là qua việc tham gia dự án, người dân đã có thay đổi về cách nghĩ, cách làm, biết tổ chức quản lý sản xuất và bán sản phẩm làm ra đến nơi tiêu thụ nhờ vào việc liên kết đối tác, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm , tăng hiệu quả kinh tế…
“Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2018”