Phụ nữ và trẻ em được ưu tiên hỗ trợ về lương thực và dinh dưỡng

Xã hội - Ngày đăng : 12:36, 05/12/2018

(TN&MT) - Trong hợp phần 2 - Phát triển sinh kế bền vững của Dự án giảm nghèo Tây Nguyên, phụ nữ và trẻ em là đối tượng được ưu tiên trong hỗ trợ về lương thực, thực phẩm và dinh dưỡng.
image002
Thảo luận trong một LEG ở Kon Tum

Một trong nhiều gói sinh kế mà Hợp phần 2 - Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên xây dựng là gói sinh kế an ninh lương thực và dinh dưỡng. Gói này được thiết kế cho đối tượng chính là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chưa đảm bảo được đủ lương thực.

Về lương thực, các tổ, nhóm cải thiện sinh kế (LEG) do người dân tự nguyện thành lập, tham gia có thể đề xuất trồng các loại cây lương thực (như lúa, ngô...), các loại hoa màu có giá trị dinh dưỡng cao (đậu, đỗ, vừng lạc, khoai lang nghệ...); Chăn nuôi gia cầm và gia súc nhỏ (như lợn, gà...); Mô hình vườn hộ (như trồng rau, kết hợp với gia cầm/gia súc nhỏ, và một số loại cây ăn quả); Công nghệ chế biến sau thu hoạch ở qui mô nhóm nhỏ hoặc hộ gia đình.

Để đảm bảo cải thiện tình trạng an ninh lương thực bền vững, Dự án khuyến khích các LEG thực hiện kết hợp nhiều hơn một hoạt động trong gói sinh kế an ninh lương thực. Với các nhóm lựa chọn hoạt động chăn nuôi gia cầm và gia súc nhỏ thì cần có kế hoạch kết hợp với tối thiểu một hoạt động trồng trọt khác trong gói sinh kế an ninh lương thực ở trên.

Về dinh dưỡng, Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên hợp tác với Dự án về chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em (trong Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế) để thực hiện một số hoạt động như: theo dõi tăng trưởng kết hợp truyền thông giáo dục dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và trẻ em tại thôn, kết hợp thăm hộ gia đình có con suy dinh dưỡng; tổ chức sinh hoạt định kỳ nhóm hỗ trợ dinh dưỡng tại thôn(bao gồm cả hướng dẫn thực hành dinh dưỡng); sinh hoạt chuyên đề với sự hỗ trợ của Trạm Y tế xã; hỗ trợ cơ sở hạ tầng theo định hướng nước sạch và vệ sinh môi trường

Đối với đề xuất được duyệt, Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên hỗ trợ đầy đủ các hạng mục tối đa là 2 năm để thực hiện được kết hợp ít nhất hai trong số các hoạt động trong gói sinh kế an ninh lương thực. Kể từ năm thứ 3 trở đi, Dự án sẽ chỉ hỗ trợ cho các LEG có thực hiện đóng góp vào khoản tiết kiệm quay vòng (RF), mức hỗ trợ không vượt quá mức tiết kiệm của nhóm và phù hợp với Đề xuất tiểu dự án được duyệt của năm thứ 3. Nếu sau 2 năm, LEG không tiết kiệm được thì Dự án sẽ chỉ cân nhắc hỗ trợ kỹ thuật. Kể từ năm thứ 4, Dự án chỉ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy tính bền vững của các hoạt động, tạo ra sự tự chủ cho người dân trong các hoạt động sinh kế của mình.

Phụ nữ là đối tượng ưu tiên tham gia các LEG an ninh lương thực và dinh dưỡng. Do đó, khi triển khai hỗ trợ các LEG này, Dự án sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tại cơ sở để tuyên truyền, vận động, và giám sát hoạt động của các LEG. Về mặt chuyên môn dinh dưỡng, dự án cũng sẽ phối hợp với Trạm y tế xã và đội ngũ công tác viên dinh dưỡng tại thôn bản để hỗ trợ các LEG này thực hiện các hoạt động được LEG đề nghị.

“Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2018”