Hà Nội sẽ có khoảng 1.800 ha nội đô dành làm bãi đỗ xe

Xã hội - Ngày đăng : 16:56, 05/12/2018

Hà Nội sẽ có khoảng 1.800 ha diện tích dành để làm bãi đỗ xe. Đây là vấn đề được người dân quan tâm khi Hà Nội luôn ùn tắc, thiếu điểm dừng đỗ.

Sáng nay (5/12), Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Trong đó đáng chú ý có tới 2 nội dung liên quan đến giao thông của thành phố. Đó là thông qua đề án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thông qua nghị quyết về đặt tên, điều chỉnh độ dài các tuyến đường trên địa bàn thành phố. Theo đó, Hà Nội sẽ có khoảng 1.800 ha diện tích dành để làm bãi đỗ xe.

do xe da sua teai
Hà Nội sẽ có khoảng 1.800 ha nội đô dành làm bãi đỗ xe. Ảnh minh họa: KT

Theo Đề án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2050, khu vực đô thị trung tâm thành phố Hà Nội sẽ có 8 bến xe tải; 1.480 bãi đỗ xe công cộng; trên  130 bãi đỗ xe buýt và gần 90 bãi đỗ xe tải. Tổng diện tích trên 1.780 ha. Thành phố Hà Nội cũng quy hoạch 13 vị trí bãi đỗ xe trung chuyển Park and Ride dọc theo các trục đưòng vành đai, trục hướng tâm tại vị trí gần các đầu mối giao thông và 4 bến xe tải ở các đô thị vệ tinh. Tuy nhiên với diện tích này đáp mới đáp ứng khoảng trên 60% nhu cầu dừng đỗ của phương tiện giao thông ở đô thị Hà Nội. Phần còn lại được phân bổ vào công trình xây dựng theo hướng tăng tầng hầm, tăng diện tích đỗ xe.

Đối với các bến xe hiện có trong nội đô, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Lê Vinh cho biết, các bến xe liên tỉnh hiện nằm sâu trong đô thị trung tâm tạm thời được giữ lại tiếp tục khai thác, gồm có 4 bến xe Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm.

“Trong giai đoạn trung hạn sẽ xây dựng bến xe khách Yên Sở ở quận Hoàng Mai. Dài hạn quy hoạch 7 bến xe liên tỉnh mới phục vụ đô thị trung tâm với quy mô từ 5 đến 15 ha. Tại các khu đô thị vệ tinh thì quy hoạch các bến xe khách theo định hướng của quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, có quy mô từ 5 đến 10 ha”- ông Lê Vinh nói.

Đồng tình với việc cần quy hoạch trung tâm tiếp vận cho các phương tiện giao thông vận tải, tuy nhiên nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố cho rằng quy hoạch 7 trung tâm tiếp vận với diện tích trên 60 ha như trong đề án mới chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt của thành phố.

“Theo diện tích này, tính ra bình quân mỗi trung tâm tiếp vận khoảng 10 ha, với mức độ tăng trưởng kinh tế của thủ đô Hà Nội và yêu cầu trong thời gian tới, diện tích này có lẽ cần nghiên cứu và mở rộng. Tôi đề nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo cho nghiên cứu về các trung tâm tiếp vận để có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển lâu dài của thành phố”- ông Nguyễn Thanh Bình, đại biểu huyện Sóc Sơn đề nghị.

Cũng trong sáng nay (5/12), Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua việc đặt tên và điều chỉnh độ dài 47 tuyến đường trên địa bàn thành phố. Với nhiều tuyến phố được đặt tên như Khúc Thừa Dụ, Tú Mỡ, Nguyễn Quốc Trị ở quận Cầu Giấy, phố Trung Phụng (Đống Đa), Nguyễn Thanh Bình (Hà Đông), Trịnh Đình Cửu (Hoàng Mai)…

Đáng chú ý trong số đó có tuyến phố được đặt tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Đây là tuyến phố dài 900 mét rộng 50 mét trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Ông Trịnh Văn Bô là nhà tư sản có công với cách mạng, trong Tuần lễ Vàng năm 1945, ông ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng.