Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống lũ các hồ chứa miền Trung và Tây Nguyên

Xã hội - Ngày đăng : 09:37, 30/11/2018

(TN&MT) - Ngày nay, trước những tác động của biến đổi khí hậu thì thiên tai đang có xu hướng cực đoan hơn về tần suất, cường độ và không theo quy luật. Để nâng cao nhận thức cũng như hiệu quả trong công tác phòng chống lũ lụt của các hồ chứa trên khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị “Nâng cao hiệu quả chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên” trong ngày 29/11.

Hội nghị diễn ra tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), với sự tham gia của Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT); Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp; đại diện đơn vị thuộc các Bộ Công thương, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh thành, đại diện các chủ hồ chứa ở miền Trung - Tây Nguyên.

Quang cảnh hội nghị “Nâng cao hiệu quả chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên”
Quang cảnh hội nghị “Nâng cao hiệu quả chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên”

Tăng cường vận hành liên hồ chứa

Hiện, khu vực miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có tổng số 2.393 hồ chứa thủy lợi các loại, trong đó có 330 hồ chứa lớn, 2.063 hồ chứa vừa và nhỏ. Các địa phương có nhiều hồ chứa là Thanh Hóa với 610 hồ, Nghệ An 602 hồ, Quảng Ngãi 118 hồ, Bình Định 157 hồ.

Với địa hình phần lớn là các đồi núi dốc, các sông ở miền Trung thường ngắn, dốc, mỗi khi có mưa lớn thường tạo thành dòng chảy tập trung nhanh, cường suất lớn. Vì thế, các hồ chứa nước đóng vai trò hết sức quan trọng tham gia điều tiết làm chậm lũ, hạn chế ngập lụt đảm bảo an toàn cho vùng hạ du hồ chứa nước.

Đánh giá về quá trình vận hành liên hồ chứa trong các năm 2016, 2017 và những tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục thiên tai, thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết, hồ chứa chủ yếu vừa và nhỏ, không có dung tích phòng lũ, địa hình dốc, thời gian truyền lũ nhanh, dẫn đến hạn chế về chất lượng và thời hạn cảnh báo, dự báo.  

Nhiều hồ chứa ở Thừa Thiên Huế nói riêng và nhiều tỉnh, thành miền Trung nói chung đang khô hạn nguồn nước
Nhiều hồ chứa ở Thừa Thiên Huế nói riêng và nhiều tỉnh, thành miền Trung nói chung đang khô hạn nguồn nước

“Hiện lưới trạm đo mưa ở hầu hết các khu vực sông còn khá thưa, đặc biệt là vùng thượng lưu (760km2/trạm), nên chưa đáp ứng yêu cầu tính toán dự báo lũ. Công tác dự báo lũ về hồ chứa chưa chính xác và kịp thời do chưa dự báo chính xác được lượng mưa và thiếu trạm quan trắc khí tượng thủy văn, số liệu dự báo chưa thống nhất, còn sai lệch nhiều. Tình trạng này dẫn đến việc tham mưu ban hành lệnh vận hành điều tiết giảm lũ cho hạ du còn bị động, rất khó khăn cho công tác quyết định vận hành”- ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho hay, hiện phương thức kết nối, truyền dữ liệu tự động từ các hồ chứa về các cơ quan dự báo, điều hành còn hạn chế, chưa đồng bộ. Khi các hồ chứa đồng thời vận hành điều tiết để đưa các mực nước hồ về mực nước đón lũ dẫn đến mực nước ở hạ du sông lên rất nhanh. Trong mùa cạn, các thủy điện gần như chỉ phát điện trong giờ cao điểm và ngừng hoạt động trong các giờ thấp điểm nên chế độ dòng chảy trên sông biến động lớn trong ngày…

Hội nghị đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được về công tác vận hành liên hồ chứa; nguyên nhân, các tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa.Từ đây, các địa phương đề xuất các giải pháp điều hành hệ thống liên hồ chứa nhằm nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng nguồn nước, giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao khả năng dự báo, tính toán dòng chảy và xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó vùng hạ du sát với thực tế.

Công tác vận hành liên hồ chứa và công tác dự báo rất quan trọng trong việc phòng chống lũ…
Công tác vận hành liên hồ chứa và công tác dự báo rất quan trọng trong việc phòng chống lũ…

Công tác dự báo rất quan trọng

Theo ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công thương, trước sự biến đổi khôn lường của thời tiết, việc vận hành hệ thống lưu vực sông làm sao cho tối ưu là vấn đề quan trọng. Trong đó, cần tính toán chính xác lượng nước về hồ từ đó có quyết định, điều hành xả lũ an toàn nhưng vẫn đảm bảo lượng nước tại hồ phục vụ cho phát điện. Vì thế, công tác dự báo cực kỳ quan trọng giúp hài hòa giữa vấn đề môi trường, xã hội và phát triển kinh tế…

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên chiếm 50% các nhà máy thủy điện trên cả nước, trong đó có nhiều hồ lớn. Với đặc thù ở khu vực này là lưu vực các dòng sông có độ dốc cao, lòng sông hẹp chính vì vậy công tác điều hành mùa lũ để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, cho công trình là vấn đề hết sức thách thức.

Tuy nhiên, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo cả Bộ Công thương, phối hợp với Bộ TN&MT trong vấn đề điều chỉnh quá trình vận hành liên hồ phù hợp với điều kiện thực tế của địa hình cũng như sự phối hợp tốt giữa chủ hồ với UBND các tỉnh có hồ trên địa bàn nên đã đạt được những kết quả đáng mừng.

Ông Trần Văn Lượng- Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp trình bày tại hội nghị
Ông Trần Văn Lượng- Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp trình bày tại hội nghị

“Mục tiêu cuối cùng là phải hài hòa giữa vấn đề môi trường, xã hội và phát triển kinh tế. Thời gian tới chúng tôi sẽ đề nghị với Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn trong việc quan trắc các hồ thủy điện, đồng thời hướng dẫn xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du-  đây là một trong những kịch bản quyết định đến phương án phòng chống thiên tai và ứng phó với thời tiết bất thường”- ông Lượng chia sẻ.

Tại hội nghị này, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin hiện tỉnh này có 56 hồ thủy lợi và 6 hồ thủy điện đã vận hành, với dung tích khoảng 2 tỷ m3, công suất lắp máy là 330,3 MW. Địa phương đang triển khai dự án “Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tài trợ để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và cảnh báo cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

“Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam không huy động các nhà máy thủy điện tham gia thị trường điện mà ưu tiên nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp và dòng chảy môi trường. Việc triển khai xây dựng các kịch bản vỡ đập và bản đồ ngập lũ hạ du cho toàn bộ lưu vực sông Hương do sự cố vỡ đập rất phức tạp, kinh phí lớn, đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương chỉ đạo các chủ đập phối hợp với địa phương để bố trí kinh phí và chọn tư vấn đủ năng lực thực hiện…”- ông Phương đề xuất.

Cũng tại hội nghị, nhiều giải pháp, bài học kinh nghiệm vận hành, trị thủy tại Nhật Bản; công tác phối hợp trong vận hành hồ chứa thủy điện của một số địa phương; công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về kiến thức; kỹ năng về công tác ứng phó bão, lũ cũng được các đại biểu chia sẻ góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên.