Để nông thôn bền vững
Xã hội - Ngày đăng : 09:39, 30/11/2018
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: “Nhiều hạn chế cần được tập trung khắc phục; việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp nhìn chung còn yếu, công nghệ lạc hậu, tỉ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp chưa cao, dẫn đến 90% hàng nông sản Việt Nam là xuất nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, tỉ lệ thải loại rất cao; còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức, không đúng quy định trong nông nghiệp, đặc biệt là việc kiểm soát dự lượng kháng sinh, chất cấm”.
Nhìn lại những gì chúng ta đã làm cho nông thôn Việt Nam thời gian qua, chưa nói đến kết quả của các chiến dịch rầm rộ, có thể nhận thấy, môi trường nông thôn đang chịu quá nhiều sức ép ngay từ chính hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nông thôn, đồng thời còn chịu tác động từ hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu vực đô thị lân cận.
Chỉ cần ra ngoại thành một số đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng… một chút thôi, sẽ thấy vẫn hiện hữu những làng quê với lối sống thôn dã rõ nét. Tại các vùng nông thôn, do điều kiện kinh tế thấp, ngoài sử dụng nước ngầm, nhiều hộ gia đình vẫn sử dụng nước sông suối, ao hồ, kênh rạch để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, rất dễ gây bệnh.
Không chỉ có vậy, ô nhiễm không khí phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, chăn nuôi và làng nghề không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư sinh sống ở các khu vực lân cận, làm gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh tại khu vực nông thôn.
Khi ô nhiễm môi trường nông thôn trở thành vấn đề nhức nhối thì những xung đột phát sinh giữa nhóm gây ô nhiễm và cộng đồng bị ô nhiễm tại các khu vực làng nghề, các cơ sở sản xuất công nghiệp, những xung đột liên quan đến công tác quy hoạch bãi rác tập trung lại càng trở lên phổ biến và trở thành những điển hình về xung đột môi trường tại khu vực nông thôn.
Nhìn ngược về các vùng đô thị, phần lớn người dân đô thị hiện nay đều cho rằng mở vòi nước trong nhà là có nước dùng, cho nên có thể bất ngờ, nếu bạn biết mình may mắn thuộc số 2/3 cư dân đô thị được dùng nước máy cá thể. Còn lại dân số đô thị Việt Nam đang dùng nước từ các vòi công cộng, phải mua nước từ xe téc, lấy nước giếng khoan, giếng đào và từ ao, hồ… Nghĩa là dù cuộc đô thị hóa đang xảy ra rất mạnh, nhưng phương cách sinh hoạt (chất lượng sống) vẫn một nửa là nông thôn cũ. Còn tệ hơn nông thôn cũ vì tầng nước mặt hiện nay (khai thác từ giếng khoan, giếng đào, ao hồ…) đã bị ô nhiễm nặng do rác thải, phân bón, thuốc trừ sâu… Hệ thống thoát nước thải đô thị cũng rất yếu kém.
Trong mấy năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế thường được nhắc đến với nhiều mỹ từ nhất. Song, lạm phát ngày càng tăng cao, các khoản đầu tư công vô cùng lớn nhưng hiệu quả kém, cái gì cũng thâm hụt… Không ít công trình hạ tầng đô thị sau khi hoàn thành, con số quyết toán đã gấp đôi. Con số chênh lệch này được quy vào tăng trưởng, đó là tăng trưởng bẩn, vì nó đi cùng với tham nhũng, với những khoản chi tiêu không xác đáng. Thế nên, người ta đang lo ngại rằng, thế hệ sắp tới sẽ phải chịu gánh nợ nần, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên mà thế hệ hôm nay đang gây ra. Chúng ta không thể tăng trưởng bằng vay nợ và khai thác tài nguyên.
Một thành phố giàu có, đầy ắp hàng hóa, đầy đủ tiện nghi nhưng con người sống trong nó luôn cảm thấy bất an, tính mạng bị đe dọa, rủi ro cao, cuộc sống bấp bênh thì đó không thể gọi là thành phố phát triển bền vững dưới bất kỳ khía cạnh nào.
Những vùng nông thôn trù phú sẽ “chết” dần nếu chúng ta vẫn cứ “chuyển đổi” thành đất công nghiệp một cách vô tội vạ; những lũy tre làng theo đó cũng sẽ dần biến mất thay vào đó bằng những dãy nhà nhà ống dọc ngang “chắn mất đường về”… Chất lượng cuộc sống không chỉ là sự giàu sang, xa hoa hiển hiện, nó còn phải là một cuộc sống có không gian, đậm bản sắc văn hóa nữa.