Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng - tiềm năng, cơ hội đầu tư

Xã hội - Ngày đăng : 09:58, 25/11/2018

(TN&MT) – Là một trong 13 Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) mới được UNESCO công nhận, CVĐCTC Non nước Cao Bằng có nhiều tiềm năng, cơ hội để đầu tư và hợp tác phát triển dịch vụ du lịch, tạo bước đột phá để “công nghiệp không khói” Cao Bằng phát triển bền vững.
Ảnh 1 Thác Bản giốc
Được ví như “nàng công chúa đang ngủ quên”, thác Bản Giốc đang dần bừng tỉnh với những tiềm năng, lợi thế sẵn có của mình.

Trong số 9 huyện thuộc phạm vi CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng, Trùng Khánh được coi là “vùng lõi” của Công viên. Nơi đây được đất trời ban tặng cho cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, cùng với bản sắc văn hóa độc đáo, sản vật nổi tiếng. Đặc biệt nhất là danh thắng quốc gia Thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy) từ lâu đã là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp hoang sơ, huyền diệu. Bên cạnh đó cũng phải kể đến 2 địa điểm khác là động Ngườm Ngao và Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc. Bí thư Huyện ủy Trùng Khánh Phạm Văn Cao cho biết: Từ những lợi thế sẵn có như vậy, trong thời gian qua, huyện Trùng Khánh đã thu hút được một số doanh nghiệp, những nhà đầu tư lớn đến để tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất đầu tư vào khu du lịch Thác Bản Giốc nói riêng và khu vực biên giới thuộc địa phận huyện Trùng Khánh như: Công ty Cổ phần Milton; Tập đoàn Sun Group, Vin Group… Hy vọng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Cao Bằng sẽ có ký kết chính thức để đầu tư vào huyện.

Ảnh 2 Vùng quê
Vùng quê yên bình trong Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng.

CVĐCTC Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.000km2, với trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo trong đó có nhiều điểm di sản địa chất được các nhà địa chất, nhà nghiên cứu, nhiều tạp chí khoa học uy tín phát hiện đánh giá, xếp hạng có giá trị tầm cỡ quốc tế, nổi trội với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ - sông - hang ngầm liên thông..., phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst (karst là hoạt động phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới. Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản... tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.

Ảnh 3 Đỉnh Phja Oắc
Đỉnh Phja Oắc - Phja Đén - điểm đến du lịch hấp dẫn.

Cao Bằng cũng là địa danh có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Ngoài Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao còn có Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén, hồ Thang Hen. Công viên này cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt là: Khu di tích Pác Bó (huyện Hà Quảng); Di tích Rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình); Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Biên giới 1950 (huyện Thạch An). Nơi đây được coi là một trong những khu vực ở Việt Nam được người tiền sử chiếm cư từ rất sớm, cố đô của một số triều đại phong kiến và đặc biệt là chiếc nôi của cách mạng Việt Nam. Với những tiềm năng, lợi thế đó, để phát huy các giá trị di sản địa phương, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng 3 tuyến du lịch địa chất trong vùng CVĐCTC Non nước Cao Bằng, đó là: Tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng  núi của những đổi thay” (huyện Nguyên Bình); Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (gồm huyện Hòa An và Hà Quảng); Tuyến du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” (gồm 4 huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang). Trong 3 tuyến này có nhiều hạng mục, sản phẩm du lịch tiềm năng và có nhu cầu kêu gọi đầu tư như: Tuyến du lịch cụm phía Tây, tập trung khai thác loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám phá bản sắc của đồng bào dân tộc Dao Tiền; Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén (Nguyên Bình); Tuyến du lịch cụm phía Bắc, bảo tồn tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa, địa chất: Hỗ trợ người dân khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi; Triển khai mô hình sản xuất bánh Khẩu Sli đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; Tuyến du lịch cụm phía Đông có Dự án khai thác phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao nhằm tạo cảnh quan trên sông Quây Sơn, tạo không gian phục vụ hoạt động cắm trại, phố di bộ, mua sắm, xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ kết hợp lưu trú, nhà hàng, quầy lưu niệm, khu công viên; Dự án khai thác điểm du lịch tâm linh Giộc Đâư (thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh); Dự án khai thác khu vực Mắt Thần núi (Trà Lĩnh);  Khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen (Trà Lĩnh). Ngoài các điểm du lịch nổi tiếng này, Cao Bằng còn nhiểu điểm du lịch khác có tiềm năng để khai thác và phát triển như: Động Ngườm Pục (xã Lê Lợi, huyện Thạch An), động Tiên huyện Hà Quảng, hang Dơi xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang. Phát triển du lịch cộng đồng trong vùng CVĐCTC tại các địa điểm tiềm năng như: Xóm Hoài Khao, Nà Chắn (huyện Nguyên Bình); xã Phong Nặm (huyện Trùng Khánh); xóm Lũng Cát, Lạn dưới (huyện Quảng Uyên); xóm Lũng Pác Khoang, thôn Chu Lăng (huyện Thạch An) và nhiều điểm khác.

Theo Sở VHTT&DL tỉnh Cao Bằng, để đảm bảo việc xây dựng và phát triển CVĐC đáp ứng các tiêu chí, định hướng của UNESCO về một CVĐC toàn cầu trong công tác bảo vệ, quản lý và khai thác các điểm di sản trong vùng CVĐC gắn với phát triển du lịch bền vững trong thời kỳ hội nhập, tỉnh sẽtập trung phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ thuộc các tuyến du lịch trong CVĐC; phát triển hệ thống đối tác; tập trung đào tạo đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm di sản; đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ cơ sở vật chất, các công trình xây dựng thuộc 03 tuyến du lịch trong vùng CVĐCTC, tăng cường công tác bảo vệ di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan môi trường và các hoạt động phát triển du lịch bền vững.