Hệ thống thoát nước đô thị: Quá tải, thiếu đồng bộ
Xã hội - Ngày đăng : 09:23, 21/11/2018
Nhiều điểm nóng về ngập úng
Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Hà Nội diễn ra nhanh chóng, với việc hình thành nhiều khu đô thị mới, khu công nghiệp tập trung, kéo theo sự gia tăng dân số. Tuy nhiên, đầu tư các công trình hạ tầng thoát nước chưa theo kịp tốc độ phát triển, cộng với diễn biến thời tiết phức tạp đặt ra nhiều thách thức cho công tác thoát nước.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, TP vẫn còn 18 điểm ngập úng trên các tuyến giao thông quan trọng và 170 điểm ngập úng nhỏ tại các ngõ, xóm. Công suất thiết kế của hệ thống thoát nước Hà Nội với lượng mưa khoảng 100mm, trong khi đó Thủ đô đã nhiều lần chứng kiến những trận mưa lớn, với lượng nước mưa lên đến 150 – 200mm.
Bên cạnh đó, do hệ thống hạ tầng thoát nước sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, nước mưa và nước thải sinh hoạt vẫn sử dụng chung một đường cống dẫn đến quá tải khi có mưa lớn xảy ra. Tỷ lệ đường ống cống thoát nước cũng thấp hơn nhiều so với trung bình của thế giới, 0,46m/người so với 2m/người. Trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đô thị hóa, đã làm cho một số hồ điều tiết, vùng đệm thay đổi về hệ số mặt phủ, thu hẹp diện tích thấm nước, tạo ra tình trạng ngập úng cục bộ.
Theo PGS.TS Mai Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hiện nay, hệ thống hạ tầng thoát nước của Thủ đô đang là một thể hỗn hợp, bao gồm cống, kênh mương, hồ nội đô, sông thoát nước ngoại thành, các trạm bơm tiêu cục bộ và đầu mối đảm nhận việc tiêu thoát nước mưa đô thị cũng như vùng nông nghiệp với hệ số tiêu khác nhau. Nhưng nhìn chung, hệ thống này đang rơi vào tình trạng quá tải, dẫn đến việc hình thành nhiều điểm nóng về ngập úng khi xảy ra mưa lớn.
Cùng quan điểm, Phó Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Hoàng Mai Hương cho biết, do việc thực hiện quy hoạch thoát nước chưa được triển khai đồng bộ dẫn đến tình trạng phối hợp, kết nối không đồng bộ, gây nên ngập úng. Sự không đồng bộ thể hiện trên cùng một khu vực thoát nước có nhiều đơn vị thực hiện duy tu, bảo trì. Cùng với đó, việc chính quyền chưa có quy định về vi phạm hành lang bảo vệ hệ thống thoát nước gây khó khăn cho công tác quản lý.
Ứng dụng phần mềm quản lý
Hệ thống thoát nước của Thủ đô được phân làm 3 vùng tiêu thoát chính, gồm: Vùng tả sông Đáy, hữu sông Đáy và Bắc Hà Nội. Vùng tả Đáy thoát nước bằng việc bơm cưỡng bức ra sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy với diện tích khoảng 47.300ha, gồm các lưu vực thoát nước đô thị sông Tô Lịch, Đông Mỹ, tả Nhuệ, hữu Nhuệ và Phú Xuyên. Vùng hữu Đáy thoát nước bằng tiêu tự chảy kết hợp với bơm tiêu đô thị và thủy lợi ra sông Tích, sông Đáy, sông Bùi trên diện tích khoảng trên 31.300ha, thuộc lưu vực Sơn Tây, Xuân Mai, Hòa Lạc, Quốc Oai, Phúc Thọ, Chúc Sơn. Vùng Bắc Hà Nội kết hợp một phần tiêu thoát nước tự chảy với bơm tiêu đô thị và thủy lợi ra sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ trên diện tích khoảng 46.700ha, thuộc lưu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn.
Tại trung tâm Hà Nội thuộc vùng tiêu tả Đáy có diện tích khoảng 220.000ha, thuộc các lưu vực sông Tô Lịch, tả Nhuệ, quận Long Biên, Hà Đông. Như vậy, có thể thấy hệ thống tiêu thoát nước của Hà Nội tương đối dày và được trải rộng. Trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án nhằm khắc phục tình trạng ngập úng, như dự án thoát nước giai đoạn 2 lưu vực sông Tô Lịch đảm bảo tiêu thoát nước mưa 310m3/giờ đối với sông và 70mm/giờ đối với cống, cải tạo 11 hồ điều hòa...
Để khắc phục và giải quyết triệt để tình trạng ngập úng như hiện nay, PGS.TS Mai Thị Liên Hương cho rằng, Hà Nội cần phải nghiên cứu, ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý tổng thể các vấn đề liên quan đến hạ tầng thoát nước như: Quản lý tài sản, quản lý vận hành, bảo trì – sửa chữa, thu thập và cập nhật các dữ liệu, khai thác quản lý dữ liệu trên web. “Cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đang lập quy hoạch đầu tư và thi công xây dựng. Muốn làm được việc này, TP phải thu hút các nguồn lực đầu tư từ tư nhân và huy động các nguồn vốn từ ODA, PPP... Ngoài ra, người dân cũng phải tự ý thức được việc bảo vệ hệ thống thoát nước như không vứt rác, không xây dựng lấn chiếm kênh, rạch thoát nước” - PGS.TS Mai Thị Liên Hương nói.
Việc ứng dụng những thành quả của công nghệ vào quản lý và vận hành hệ thống thoát nước là cần thiết, là sự chuẩn bị bước đầu cho quá trình hội nhập với tình hình phát triển chung trên thế giới trong công tác quản lý ngành. Quan trọng hơn, cần phải nắm bắt được những cơ hội to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. PGS. TS Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng |