Đà Nẵng: Khai mạc triển lãm “Hồi sinh những vùng đất chết”

Xã hội - Ngày đăng : 21:23, 07/11/2018

(TN&MT)- Đây là nội dung của Triển lãm chuyên đề do Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Bảo tàng Binh chủng Hóa học và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc vào chiều ngày 7/11 tại Đà Nẵng.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 200 hình ảnh, hiện vật liên quan đến chiến tranh hóa học ở Việt Nam và công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường. Triển lãm được chia thành ba chủ đề chính, gồm: Khắc phục môi trường bị nhiễm chất độc hóa học sau chiến tranh; Hoạt động rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và Hồi sinh những vùng đất chết.
 

Cắt băng khai mạc triển lãm
Cắt băng khai mạc triển lãm

Những hình ảnh, hiện vật, tư liệu được trưng bày tại triển lãm thêm một lần nữa khắc họa những câu chuyện buồn của chiến tranh với hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại trên quê hương, đất nước Việt Nam. Đây là dịp tuyên truyền tới cộng đồng chung tay góp sức khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, còn thể hiện tình hữu nghị, hòa bình giữa Việt Nam, bạn bè quốc tế và những nước đã từng tham chiến tại Việt Nam
 

Đại biểu tham quan triển lãm
Đại biểu tham quan triển lãm

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thiếu tướng Hoàng Xuân Dũng, Chính ủy Binh chủng hóa học cho biết, hơn 40 năm sau chiến tranh, bên cạnh những nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước về kinh tế, văn hóa, xã hội, hai Chính phủ Việt Nam-Hoa Kỳ đã nỗ lực để hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại. Trong đó có nhiệm vụ thu gom, xử lý chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh; khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường mà bộ đội Hóa học thực hiện đã mang lại nhiều kết quả rất đáng khích lệ, góp phần làm sạch môi trường, bảo vệ sức khỏe, ổn định cuộc sống của nhân dân trên địa bàn các tỉnh miền trung, Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ.
 

Triển lãm nhằm giới thiệu rõ hơn về hậu quả của bom mìn và chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đã gây ra.
Triển lãm nhằm giới thiệu rõ hơn về hậu quả của bom mìn và chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đã gây ra.

Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Hóa học, cuộc chiến tranh hóa học mà quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh Việt Nam, giai đoạn từ 1961-1971, còn gọi là chiến dịch “Bàn tay sạch”, là một cuộc chiến tranh hóa học tàn khốc trong lịch sử chiến tranh. Trong 10 năm đó, gần 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 61% là chất độc da cam/dioxin đã được rải xuống miền trung Việt Nam.

Những chất độc hóa học ấy đã gây ra thảm họa nặng nề về môi trường sinh thái và sức khỏe của con người với nỗi đau dai dẳng cho những người đã đi qua chiến tranh và con cháu của họ. Hơn 3,6 triệu ha rừng và đồng bằng bị huỷ diệt; 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
 

Triển lãm thu hút sự quan tâm đông đảo các lực lượng, người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng
Triển lãm thu hút sự quan tâm đông đảo các lực lượng, người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng

“Hồi sinh những vùng đất chết” với mong muốn kêu cộng đồng xã hội, bạn bè quốc tế chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, bảo vệ môi trường sinh thái, hồi sinh những vùng đất chết, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xã hội. Đây là câu chuyện kể lại bằng hình ảnh về hành trình làm sống lại, làm hồi sinh lại những vùng đất nơi từng bị chiến tranh, bom đạn hủy diệt.”- Thiếu tướng Hoàng Xuân Dũng, Chính ủy Binh chủng Hóa học nhấn mạnh.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 22-12-2018.