Thừa Thiên Huế: Ruộng “khát” nước bên công trình thủy lợi tiền tỷ
Xã hội - Ngày đăng : 14:43, 06/11/2018
Đó là hệ thống kênh tưới nước Chính Tây thuộc dự án hồ thủy lợi Thủy Yên - Thủy Cam (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Công trình tiền tỷ “vô dụng”
Theo tìm hiểu của PV, vào năm 2010 thì dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam được khởi công xây dựng tại xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc), do Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư. Dự án từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với số tiền đầu tư trên 654 tỷ đồng.
Năm 2017, kênh tưới nước Chính Tây là một phần của dự án hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam do Công ty Cổ phần 1/5 nhận thầu thi công với tổng số vốn 11,9 tỷ đồng. Theo dự kiến, nếu kênh Chính Tây được xây dựng đồng bộ sẽ cung cấp nước tưới cho hơn 40ha/vụ cho diện tích sản xuất nông nghiệp cho người dân xã Lộc Thủy. Thế nhưng, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng một năm qua đã không phát huy hiệu quả tối đa, gây bức xúc cho người dân.
Người dân cho hay, hiện tại đồng ruộng của họ đang rơi vào tình cảnh bỏ hoang vì hệ thống kênh dẫn Chính Tây thấp hơn mặt ruộng, vì thế không có nước tưới tiêu để cung cấp cho ruộng. Việc khảo sát đặt vị trí trạm bơm cho đến chất lượng thi công các hạng mục của công trình này đều không bảo đảm. Trong khi đó, nguồn nước dẫn từ hồ chứa có dung tích hàng chục triệu m3 đưa về nhánh kênh này thì bây giờ thay vào đó chủ yếu để tưới cho hoa cỏ dại và vùi lắp dưới bùn cát.
Quan sát tại hiện trường, PV nhận thấy đoạn cuối nhánh kênh đang bị ngập chìm hoàn toàn trong bùn cát, cây cỏ... Tại một số đoạn, đáy kênh bị xì bục tại rất nhiều vị trí, khiến bùn cát ngày đêm sủi ngược lên trên gây tắc dòng chảy, ảnh hưởng chất lượng vận hành.
“Con kênh chỉ vận hành được một vụ thì bỏ hoang khiến bà con ở đây vô cùng bức xúc. Cơm áo gạo tiền ở vùng này toàn nhờ vào ruộng đồng cả, giờ chả làm được gì, kinh tế rất khó khăn. Tôi nghĩ công trình này không đảm bảo chất lượng nên mới thế…”, một người dân chia sẻ.
Cũng theo người dân, trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, đại hội đảng... thì họ đã phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn không ai đứng ra khắc phục.
UBND xã Lộc Thủy thông tin việc bà con phản ánh kênh Chính Tây vô tác dụng như trên là có nhưng điều này lại vượt quá thẩm quyền của địa phương nên cũng chẳng làm gì được. Địa phương mong cấp trên có những giải pháp đúng đắn để khắc phục và sửa chữa những bất cập của con kênh, qua đó cung cấp nước tưới cho người dân phát triển kinh tế.
Chờ nguồn vốn
Liên quan đến vấn đề trên, ông Đỗ Văn Đính - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Quản lý và Khai thác Công trình Thủy lợi Thừa Thiên Huế cho hay, đơn vị chỉ tiếp nhận công trình nên không rõ quá trình thiết kế, thi công...
“Ngay vụ đầu xuân 2018 - 2019 tới, tạm thời chúng tôi sẽ nạo vét khơi thông dòng chảy đề cung cấp nước cho bà con.Về giải pháp lâu dài, chúng tôi sẽ có báo cáo cho lãnh đạo UBND tỉnh và địa phương có những đầu tư nối tiếp để khai thác có hiệu quả các tuyến kênh...”- ông Đính trình bày.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Trương Văn Giang - Giám đốc Ban quản lý Dự án hồ chứa nước Thủy Cam - Thủy Yên cho rằng, toàn con kênh dài 7km, đoạn phía trên vẫn tưới nước cho đồng ruộng bình thường; chỉ có đoạn cuối tầm 500m là chưa phát huy hiệu quả. Đây là đoạn cuối nhánh kênh dẫn, sở dĩ thấp hơn mặt ruộng như hiện nay để bảo đảm dẫn nước tưới cho những vùng ruộng xa hơn, rộng hơn về sau này. Do nguồn vốn hạn hẹp nên khi hoàn thành và đưa vào sử dụng kênh Chính Tây không phát huy hiệu quả...
“Việc xây dựng con kênh lại thấp hơn ruộng vì nguyên tắc mực nước đi là đều nhưng ruộng thì địa hình lại có nơi cao, nơi thấp. Ở vùng này, đoạn cuối kênh, địa hình sườn đồi ruộng lại cao vì vậy mới có chuyện nước không vào được. Nếu muốn phát huy hiệu quả phải đầu tư thêm kênh thì sẽ hoàn thiện hệ thống tưới đưa nước xuống chân ruộng.Trung ương chỉ hỗ trợ kênh chính, còn kênh rẽ thì địa phương phải đầu tư nhưng vì nguồn vốn hạn hẹp nên khi hoàn thành và đưa vào sử dụng mới có những vấn đề trên. Theo anh em chúng tôi tính toán, nếu muốn phát huy tối đa hiệu quả để tưới hết nội đồng thì phải đầu tư thêm 3 tuyến kênh nhánh tầm 4 tỷ đồng…”- ông Giang thông tin.