Phú Yên: Làng thúng bên bờ biển xã Xuân Hải vào mùa cá trích
Xã hội - Ngày đăng : 23:18, 31/10/2018
Làng hay còn gọi bến thúng Xuân Hải là địa danh nhiều người biết đến bởi nét đẹp hoang sơ, dung dị, mang đặc trưng nét đẹp quê hương vùng biển. Làng thúng nằm lọt thỏm giữa núi đồi, mặt hướng nhìn ra biển. Đứng từ núi Hòn Than nhìn xuống làng thúng đẹp như bức tranh thủy mặc, non nước hữu tình với hàng trăm chiếc thúng cắm cờ đỏ bay phất phới trong gió nằm nghiêng nghiêng bên bờ biển thơ mộng. Trong làng, những ngôi nhà nhỏ của ngư dân nằm san sát nhau được bao bọc bởi đồi núi và biển.
Đây là nơi sinh sống của hàng trăm hộ dân thôn 2, xã Xuân Hải mưu sinh bằng nghề giã, lưới mành, đánh bắt gần bờ để cung cấp cho việc nuôi tôm hùm, cá lồng ở Quy Nhơn (Bình Định) và thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Trong đó loài cá trích là nguồn thu dồi dào mà người dân nơi đây được hưởng lợi từ biển cả.
Hằng ngày cứ đến 3 giờ sáng, người dân vươn khơi bủa lưới, 7-8 giờ mới thu lưới về và bắt đầu công đoạn giũ cá khỏi lưới. Mỗi chuyến biển, ngư dân thu hoạch từ vài tạ đến cả tấn. Cá trích tuy nhỏ, giá bán tại bến chỉ hơn 10.000 đồng/kg nhưng với số lượng thu về lớn giúp cho ngư dân có nguồn thu nhập cao, cuộc sống gia đình được cải thiện.
Phương tiện đánh bắt của ngư dân là bằng thúng. Mỗi gia đình ngư dân đều sắm 1-2 chiếc thúng vì thúng nhẹ nhàng, dễ di chuyển, dễ đánh bắt hơn dùng tàu, thuyền và nhất là không cần bạn đi biển, chỉ cần người trong gia đình cùng đi đánh bắt. Đầu tư cả lưới và thúng khoảng 40-50 triệu đồng. Thúng nhỏ nhất rộng 2-3m, thúng lớn rộng 8m, có thể chở đến cả tấn cá ngoài biển vào bờ.
Hàng năm vào dịp gần rằm tháng 6 Âm lịch, người dân Xuân Hải lại tổ chức Lễ hội Cầu Ngư, cầu Ông Nam Hải để mong mùa màn bội thu, sóng êm gió lặn. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống của ngư dân miền biển Xuân Hải nói riêng và sông Cầu nói chung từ bao đời nay đã thu hút hàng nghìn du khách đến du lịch và tham quan tại đây.
Chùm ảnh Làng thúng xã Xuân Hải vào mùa cá trích: