Lâm Đồng rà soát tình hình đất sản xuất của 246 hộ dân thiếu đất
Xã hội - Ngày đăng : 10:24, 31/08/2018
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo huyện Bảo Lâm khẩn trương rà soát, nắm chắc tình hình sản xuất của 246 hộ dân thiếu đất sản xuất, để có biện pháp bố trí đất hoặc hỗ trợ, giảm bớt khó khăn.
Báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm cho biết, hiện, trên địa bàn có 246 hộ thiếu đất và có nhu cầu bố trí đất sản xuất với diện tích trên 93 ha. Cụ thể, xã Lộc Bắc có 21 hộ, xã Lộc Lâm có 91 hộ, xã BLá 41 hộ, xã Lộc Phú 56 hộ, thị trấn Lộc Thắng 37 hộ. Riêng xã Lộc Bảo có 176 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại thôn 2, thôn 3, không thuộc đối tượng thiếu đất sản xuất nhưng do diện tích đất đang canh tác rất xấu, các hộ đã trồng chè, cà phê, điều từ nhiều năm qua, năng suất, sản lượng và thu nhập rất thấp nên đời sống rất nhiều khó khăn.
Để kịp thời giải quyết đất sản xuất, hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất và nhu cầu bố trí đất sản xuất nhằm ổn định sản xuất, giảm nghèo bền vững, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các địa phương bố trí diện tích đất trống đã thu hồi, giao cho các hộ dân đang thiếu đất sản xuất. Cụ thể xã Lộc Bắc bố trí 10ha đất trống thuộc diện tích gần 97 ha đất đã thu hồi cho 21 hộ. Xã Lộc Bảo sử dụng 24,3ha đất đã chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp cho 176 hộ đang canh tác trên đất xấu. Xã BLá thống nhất thu hồi khoảng 6,5 diện tích đất đã khai thác trắng từ rừng trồng để bố trí cho 41 hộ…
Đối với các địa phương chưa có quỹ đất để bố trí như: Lộc Phú, Lộc Lâm, thị trấn Lộc Thắng, tỉnh Lâm Đồng, giao cho các phòng, ban chức năng khẩn trương rà soát, tổng hợp và lựa chọn diện tích đất phù hợp để bố trí cho các hộ dân. Đó là các loại đất trống, đất không có rừng, đất đã thu hồi từ các dự án của doanh nghiệp, đất thuộc kế hoạch khai thác trắng rừng trồng theo kế hoạch… Trường hợp không có quỹ đất để bố trí thì thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của tỉnh về Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.
Tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để các hành vi phá rừng, hủy hoại rừng; chỉ đạo quản lý chặt chẽ diện tích đất, rừng thu hồi từ các dự án đầu tư; tổ chức giải tỏa ngay các khu vực rừng đã bị ken chết cây, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để tổ chức trồng lại rừng…