Quản lý giết mổ gia cầm tại các chợ ở Hải Phòng còn lỏng lẻo
Xã hội - Ngày đăng : 10:31, 21/08/2018
Theo khảo sát của phóng viên, tại hàng chục chợ ở các quận, huyện như: Lương Văn Can, chợ Ga (quận Ngô Quyền); chợ Bến Phà, chợ Đầm Triều (quận Kiến An); chợ Xuân và chợ Đôi (huyện Tiên Lãng), chợ Rế (huyện An Dương), chợ Hàng, chợ Lam Sơn (quận Lê Chân); chợ Quán Toan (quận Hồng Bàng)…, việc giết mổ gia cầm vẫn diễn ra hết sức lộn xộn.
Tại chợ Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, có gần 10 điểm bán gia cầm sống, tình trạng giết mổ ở đây rất mất vệ sinh, việc giết mổ được thực hiện tại chỗ với công nghệ xử lý lông gà, vịt rất nhanh. Người bán chỉ cần nhúng gà vào thau nước sôi rồi vớt ra cho vào lồng quay, chưa tới 1 phút con gà đã trụi lông.
Rồi được mổ ngay dưới nền, những thứ phế thải (lông, phân…) được gom để ngay tại nơi giết mổ, nước thải thì vô tư đổ ngay ra lề đường, chảy lênh láng, bốc mùi tanh tưởi, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xung quanh. Theo bà N.T.M, người giết mổ gia cầm tại khu vực chợ Đổ (Hồng Bàng), trung bình một ngày bà bán và giết mổ thuê cho khách từ 30-50 con gà, vịt. Vào dịp ngày lễ, tết hay ngay như trong tháng 7 âm lịch này số lượng còn tăng lên gấp 2-3 lần.
Về việc bán và giết mổ gia cầm ngay tại chợ, các tiểu thương cho rằng do xuất phát từ nhu cầu của người mua. Họ chỉ phục vụ khách hàng, còn chất lượng cũng như vấn đề đảm bảo vệ sinh, an toàn, môi trường ra sao là chuyện khác. Điều này cũng có nghĩa, chuyện giết mổ gia cầm sống tại chỗ ở các chợ đang diễn ra theo kiểu “sống chết mặc bay”.
Từ thực tế trên có thể thấy, việc ngăn ngừa khi có dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là điều khó kiểm soát. Nhất là thời gian cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, Hải Phòng liên tiếp phát hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm AH5N6, lây lan tại 2 cơ sở chăn nuôi ở xã An Hưng và An Hồng, huyện An Dương, làm hơn 10.000 con gia cầm nhiễm bệnh, chết hàng loạt như: đàn gia cầm hơn 5.500 con gồm: gà, vịt, ngan của ông Nguyễn Đức Trường ở thôn Đông Hải, xã An Hưng xuất hiện triệu chứng tiêu chảy và chết mặc dù đã được tiêm phòng dịch.
Tỷ lệ gia cầm chết diễn ra nhanh. Mới đây, tại xã An Hồng, hộ gia đình ông Hoàng Văn Mấm cũng đã phát hiện đàn vịt 4.650 con bắt đầu bị tiêu chảy và chết. Chi cục Chăn nuôi, Thú y Hải Phòng đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy 6/6 mẫu dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N6, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gia cầm nhiễm bệnh tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi này.
Qua đây có thể thấy, dịch cúm gia cầm AH5N6 trên địa bàn TP Hải Phòng hiện đang diễn biến phức tạp, có thể bùng phát vào bất cứ thời điểm nào. Trong khi việc quản lý hoạt động giết mổ gia cầm tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố và vùng phụ cận trong thời gian qua còn hết sức lỏng lẻo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các ổ dịch. Mặt khác, việc giết mổ gia cầm tự phát còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Phạm Văn Công, Chi cục Trưởng chi cục chăn nuôi, Thú y Hải Phòng cho biết: Việc quản lý, kiểm soát giết mổ gia cầm tại các chợ do thẩm quyền của địa phương và các ban quản lý chợ thực hiện.
Tuy nhiên, Chi cục đã có các văn bản hướng dẫn về việc quản lý, vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, tại các chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch các huyện, quận tiến hành phun khử trùng tiêu độc tại các chợ. Đặc biệt khi có dịch cúm gia cầm xuất hiện trên địa bàn...
Trước thực trạng trên, để bảo vệ sức khỏe người dân, môi trường và phòng chống dịch bệnh gia cầm, các cơ quan chức năng thành phố cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương, Ban quản lý các chợ, có ngay các giải pháp chấn chỉnh kịp thời, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền cho người buôn bán giết mổ gia cầm cam kết thực hiện nghiêm những quy định, nội quy để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường. Đồng thời cũng cần xử lý nghiêm theo quy định những hộ không chấp hành...