Đông vật hoang dã - mua ảo… bán thật
Xã hội - Ngày đăng : 07:13, 15/08/2018
Tội phạm về động vật hoang dã trên Internet đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Nếu như trước đây, các hành vi buôn bán động vật hoang dã diễn ra lén lút, cả người mua lẫn kẻ bán đều phải ẩn mình, khó khăn khi gặp nhau để thương lượng hay giao hàng, giờ việc buôn bán xảy ra công khai, rầm rộ trên mạng. Thông thường, ảnh mặt hàng sẽ được đăng tải lên các mạng xã hội, còn việc giao dịch thì diễn ra bí mật hơn trên các tài khoản cá nhân. Với cơ chế làm việc như vậy, những kẻ buôn bán động vật hoang dã trái phép ngang nhiên lộng hành, chúng sẵn lòng cung cấp chi tiết cách thức liên lạc và thậm chí, còn mở rộng dịch vụ đem hàng đến tận nơi cho khách mua. Chúng dễ dàng đổi tên hay đóng cửa các nhóm quảng bá thông tin sản phẩm, sử dụng tên ảo, số điện thoại và địa chỉ hộp thư điện tử thay đổi thường xuyên, gây nhiễu loạn thông tin, đặt nhiều thách thức cho các cơ quan thi hành luật pháp.
Theo kết quả điều tra của Quỹ Quốc tế bảo vệ động vật (IFAW) công bố mới đây, các chuyên gia IFAW, một tổ chức phi Chính phủ trụ sở tại Mỹ, đã dành 6 tuần lùng sục trên Internet ở 4 quốc gia gồm: Nga, Pháp, Đức và Anh để tìm các trang quảng cáo rao bán động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, xem chúng còn sống hay chết, nguyên vẹn hay không.
Kết quả thu được khá ấn tượng, hơn 11.770 sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã hoặc các cá thể động vật hoang dã được rao bán trên 5.381 mẫu quảng cáo của 106 trang web và mạng xã hội. Trong đó, hơn 4/5 sản phẩm có nguồn gốc từ những con vật còn sống bao gồm rùa sông và rùa biển (45%), chim (24%) và động vật có vú (5%). Ngoài ra, trên thị trường chợ đen còn xuất hiện các loại động vật lớp bò sát quý hiếm như rắn, thằn lằn, cá sấu châu Mỹ. Trong khi đó, thị trường buôn bán động vật có vú khá “đa dạng”, từ sừng tê giác, lông báo, chân voi... đến một đàn thú gồm các loài quý hiếm bị bẫy ở những nơi hoang dã hoặc được nuôi nhốt.
Theo IFAW, mặc dù, Công ước về buôn bán động vật nguy cấp quốc tế (CITES) cho phép mua bán một số loài nguy cấp cụ thể, nhưng có đến 80 - 90% giao dịch nói trên là phi pháp. Rikkert Reijnen, Giám đốc về tội phạm liên quan động vật hoang dã tại IFAW nhận định: “Internet đã làm biến đổi kinh tế toàn cầu, và cùng với đó hoạt động kinh doanh động vật hoang dã phi pháp cũng biến đổi”. Được biết, hầu hết, những người bán liên quan đến các tổ chức tội phạm và biết rõ đây là hành động phạm pháp, nhưng người mua có thể thiếu hiểu biết về vấn đề này.
Ngay tại khu Đông Nam Á, báo cáo mới đây của Nhóm giám sát buôn bán động vật hoang dã thuộc TRAFFIC và Nhóm chuyên gia bảo tồn rái cá thuộc IUCN cảnh báo nhiều loài rái cá ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các cá thể rái cá con đang bị săn lùng và buôn bán công khai trên mạng nhằm phục vụ nhu cầu nuôi thú cưng, cung cấp lông thú và làm thuốc đông y. Đông Nam Á là nơi trú ngụ của 4 loài rái cá, gồm: Rái cá Á - Âu (Lutra lutra), Rái cá lông mũi (Lutra sumatrana), Rái cá vuốt bé (Aonyx cinereus) và Rái cá lông mượt (Lutrogale perspicillata).
Nghiên cứu của TRAFFIC và IUCN hướng đến việc tìm hiểu chi tiết hơn vấn đề thương mại rái cá ở Đông Nam Á và nghiên cứu này được củng cố bởi các phân tích trước đây của TRAFFIC về vấn đề tịch thu rái cá từ năm 1980 đến năm 2015, xuất bản năm 2016.
Dựa trên báo cáo phân tích tịch thu cũ, nghiên cứu tiến hành khảo sát thêm tại 8 quốc gia Đông Nam Á gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, trong đó, Nhóm nghiên cứu tập trung vào ba mảng hoạt động: Cập nhật báo cáo phân tích tịch thu từ tháng 8/2015 đến tháng 12/2017; khảo sát thị trường buôn bán thực tế ở Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar và khảo sát tình trạng buôn bán trực tuyến ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam. Nhìn chung, mục đích buôn bán thú cưng nổi lên như một mối đe dọa cấp bách nhất đối với sự tồn tại của loài rái cá, đặc biệt là ở Indonesia và Thái Lan.
Từ năm 2015 - 2017, có tổng cộng 13 vụ liên quan đến việc tịch thu 59 cá thể rái cá ở 4 quốc gia là Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, trong đó, ít nhất 32 cá thể bị thu giữ trên đường vận chuyển từ Thái Lan sang Nhật Bản. Hầu hết các vụ tịch thu xảy ra ở Thái Lan, tiếp đến là Indonesia rồi Việt Nam và Malaysia.
Không chỉ soát lại các hồ sơ tịch thu rái cá, nhóm nghiên cứu còn dành ra mỗi tuần một giờ để theo dõi việc giao dịch trực tuyến ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam. Kết quả cho thấy, có ít nhất 560 quảng cáo chào bán từ 734 đến 1.189 cá thể rái cá. Trong đó, hơn 700 cá thể được chào hàng ở Indonesia (449 quảng cáo), 204 cá thể chào bán tại Thái Lan (80 quảng cáo), Việt Nam 21 quảng cáo và chào bán 27 cá thể; Malaysia 10 quảng cáo, chào bán 19 cá thể. Philippines là nước duy nhất không xuất hiện bất kì quảng cáo chào bán rái cá nào trong quá trình điều tra.
Báo cáo kêu gọi Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á áp dụng các quy định pháp luật cứng rắn hơn để bảo vệ 4 loài rái cá, đồng thời, xử phạt nghiêm tội phạm buôn bán động vật hoang dã qua hình thức trực tuyến và tích cực hợp tác với các tổ chức bảo tồn nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng và giảm nhu cầu nuôi rái cá như thú cưng.