Quảng Trị: Kỳ lạ thôn chỉ có 1 hộ dân sống nhưng đủ bộ máy hành chính
Xã hội - Ngày đăng : 14:11, 08/08/2018
Chỉ 1 hộ dân sinh sống!
Là 1 trong 3 thôn kinh tế mới của xã Triệu Ái, thôn Tràng Sỏi được thành lập năm 1992. Ngày ấy có khoảng 40 hộ dân nghèo di cư đến, với mục đích từng bước hình thành các điểm dân cư mới, thực hiện trồng rừng phủ trống đồi trọc...
Đến thôn vào một ngày mùa hè đầy nắng, PV nhận thấy xung quanh thôn toàn cây cối, đường sá xuống cấp và bụi bặm khắp nơi. Cả thôn đều yên ắng vì nhà nào cũng đóng cửa, duy chỉ có căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Các (73 tuổi) và bà Trần Thị Lợi là có dấu hiệu có người.
May mắn, chúng tôi được gặp ông Các và được ông kể nhiều điều nơi đây. Theo lời ông Các, những người khi lên đây đều nghèo được nhà nước hỗ trợ gạo, cấp đất rừng. Dù được quan tâm nhưng do cách trở giao thông, thiếu nước, không điện, không trường, không chợ... nên đến năm 2000 chỉ còn lại 15 hộ. Và từ năm 2012 đến nay, chỉ còn 8 hộ song thực ở chỉ duy nhất còn hộ ông. 7 hộ kia đi chỗ khác ở nhưng vẫn còn rừng nên họ thi thoảng lên về hoặc lúc nào thôn có việc quan trọng thì lên tham gia.
“Năm 1992, cả nhà tôi quyết định đi lập nghiệp với mong muốn đổi đời nhờ rừng nên lên đây sinh sống. Cả hai vợ chồng có 5 người con nhưng chỉ có một đứa con trai là ở lại đây. Vì vậy thôn thực tế chỉ có 3 người. Nhiều lúc cũng buồn lắm, mong có bà con lối xóm, đêm hôm trò chuyện mà không biết làm gì được...”- bà Lợi, vợ ông Các tâm sự.
Dù chỉ có 3 người nhưng thôn Tràng Sỏi vẫn đầy đủ bộ máy hành chính. Ông Nguyễn Các định cư ở đây 26 năm thì có 18 năm làm trưởng thôn, kiêm trưởng ban Công tác Mặt trận, kiêm Chi hội trưởng Người cao tuổi. Hiện mỗi tháng ông nhận 1,5 triệu tiền lương.
Hai người về sống ở thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, gần QL1A để con cái tiện học hành nhưng vẫn giữ chức đó là ông Hoàng Minh Phong (công an viên), mỗi tháng được 1,1 triệu đồng và bà Võ Thị Ba (Chi hội trưởng Phụ nữ kiêm Chi hội trưởng nông dân) hưởng 450 nghìn đồng/tháng.
“Các hộ trong thôn đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, tham gia không thiếu hoạt động gì. Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc, thôn cũng tổ chức có đầy đủ 8 hộ tham gia, mời xã lên dự hẳn hoi. Nhiều năm liền đạt thôn văn hóa tiêu biểu, tham gia tốt cuộc vận động ngày vì người nghèo. Thôn tôi không đánh nhau, không bài bạc, không li dị...”- ông Các tự hào nói.
Vào năm 2015, ông Các có bằng khen trưởng Ban công tác Mặt tận giỏi cấp tỉnh. Ông cũng nhận được nhiều bằng khen trong việc quản lý, bảo vệ rừng; đến nay ông đã được nhận tổng cộng 17 bằng khen, giấy khen các loại.
Hiện tại, gia đình ông Các sở hữu 35ha rừng. Gần đây, ông Các cũng tiên phong trồng 10ha dứa do một dự án của tỉnh Quảng Ninh tài trợ. Hai vợ chồng ông mua dụng cụ về lấy năng lượng mặt trời để sử dụng vì ở đây vẫn thiếu điện. “Tôi nghe có việc sát nhập thôn tôi với thôn khác nhưng phải chờ cấp trên. Dự định của tôi ở Tràng Sòi rất nhiều và tôi vẫn cứ thực hiện, mặc kệ ai nói gì, dù sau này có không hưởng lương thì tôi vẫn sẽ ở đây...”- ông Các vui vẻ.
Sáp nhập thôn trong thời gian tới
Theo thống kê của Sở Nội vụ Quảng Trị vào năm 2013, tỉnh này có khá nhiều thôn rất ít hộ dân. Đơn cử như xã Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng) có 6 thôn thì đến 3 thôn ít dân gồm: thôn Thượng An chỉ 6 hộ/32 khẩu, thôn Lương Chánh 7 hộ/22 nhân khẩu và thôn Thuận Đức 11 hộ/47 khẩu. Xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong) có thôn Đồng Giám chỉ 7 hộ/30 khẩu. Thôn Phổ Lại Phường (xã Cam An, huyện Cam Lộ) chỉ 10 hộ/25 khẩu...
Tại sao thôn chỉ có một hộ như trên mà vẫn tồn tại xưa nay, băn khoăn này được ông Đặng Sỹ Dũng- Chủ tịch UBND xã Triệu Ái giải đáp.
Trao đổi với PV, ông Dũng cho biết vấn đề trên là có từ lịch sử. Xã Triệu Ái có diện tích tự nhiên gần 11.000 ha thì Tràng Sòi đã chiếm đến 4.000 ha, chủ yếu là đất rừng.
“Chúng tôi đã đề xuất với huyện tinh giảm cán bộ nơi đây, có lẽ chỉ còn chức trưởng thôn. Việc điều chỉnh tinh gọn bộ máy hành chính đã có trong Nghị quyết Trung ương VI, phải sát nhập Tràng Sòi với thôn khác nhưng chưa biết khi nào vì chờ các cấp thẩm quyền xem xét.
Cũng theo ông Dũng, địa phương đang đầu tư xây dựng công trình đường điện để thu hút dân đến sinh sống. Đường lên thôn này trước là đường đi săn thú của vua chúa, trời mưa hầu như không thể đi xe máy được, mong sớm có dự án giao thông ở nơi đây...