Hòa Bình: Gian nan Đà Bắc

Xã hội - Ngày đăng : 22:13, 06/08/2018

(TN&MT) - Chưa kịp vực dậy sau đợt mưa bão lịch sử năm ngoái thì mùa mưa năm 2018 mới đây, mưa lũ tiếp tục diễn ra trên diện rộng, gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất và đời sống. Người dân, đồng bào các dân tộc huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đang gồng mình chống chọi với diễn biến thời tiết cực đoan, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lớn, trượt sạt đất đá. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc huyện Đà Bắc nói riêng và vùng lũ Hòa Bình nói chung đang trong hoàn cảnh gian nan chống chọi với thiên tai mưa lũ.
a
Ngôi nhà của chị Hà Thị Nhùng, xóm Diều Nọi, xã Tân Minh bị đất đá đánh vỡ tường lấp gần hết, phải di dời khẩn cấp
 

Đợt mưa lũ những ngày qua đã tiếp tục tàn phá hạ tầng, sản xuất, đe dọa nghiệm trọng tính mạng của người dân “đẩy” sự nỗ lực cố gắng nhân dân huyện Đà Bắc về xuất phát điểm ban đầu cách đây hơn một chục năm. Mưa lớn đã gây sạt lở, lũ ống, lũ quét ở hầu hết các xã thị trấn với hàng nghìn điểm sạt lở lớn nhỏ. Các tuyến đường vào các xã vùng cao bị tắc hoàn toàn, nặng nề nhất là các xã Đồng Chum, Mường Tuổng, Suối Nánh… Nhiều xã bị cô lập, giao thông cách trở, tiếp cận rất khó khăn do đứt đường, sạt lở lớn như: Đồng Chum, Suối Nánh, Đồng Nghê, Mường Tuống, Tiềng Phong, Trung Thành, Yên Hòa, Đoàn Kết…

Tuyến đường 433 từ Hòa Bình đi Đồng Nghê bị sạt lở nhiều đoạn hiện thông tuyến đến xã Tân Minh. Hạ tầng giao thông, thủy lợi bị phá hủy nghiêm trọng. Cầu từ xóm Pà Chè sang UBND xã Đồng Chum bị lũ cuốn; 02 cột điện cao thế tuyến Mường Chiềng - Đồng Chum làm xã Đồng Chum bị mất điện toàn bộ và 01 cột điện cao thế tại xã Giáp Đắt… Hàng trăm ha lúa mới cấy và hoa màu bị vùi lấp đất đá. Mưa lớn cũng tiếp tục gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên địa bàn, nhiều hộ dân bị đất đá làm sập nhà phải di dời khẩn cấp.

b
Hạ tầng, đường giao thông các xóm xã vùng cao bị mưa lũ tàn phá
 
 

Đợt mưa lũ vừa xảy ra, huyện Đà Bắc đã có 1 người bị chết do sạt lở đất tại xã Tiền Phong là ông Xa Văn Khoán, sinh năm 1965. Cùng với đó là hơn một chục con, trâu bò bị đất đá, lũ quét vùi lấp, đẩy xa hàng chục mét, nơi mà chẳng ai có thể nghĩ là có đất đá, lũ quét trượt xuống. Nhiều hộ dân bị đất đá trượt sạt đổ nhà phải di dời khẩn cấp. Mưa lũ vừa ngớt, nhiều hộ dân xóm Diều Nọi, Tân Minh vẫn còn ám ảnh chạy trượt sạt đất đá.

Chị Hà Thị Nhung, một trong 4 hộ dân mất nhà vẫn còn bàng hoàng, biết sống sao bây giờ. Vợ chồng tích cóp gần cả đời được hơn 130 triệu xây được ngôi nhà nương náu. Mưa lớn ròng rã nhiều ngày, nằm trong nhà mới mà chẳng ngủ được. Bỗng đâu đất đồi ầm ầm trượt xuống thúc vỡ tường gần vị trí nằm của 2 vợ chồng, choàng tỉnh chạy ra sân. Chị Nhung xót xa mới ở được nhà mới chưa đầy 1 tháng đã phải đi ở nhờ nhà người thân vì nếu ở thì sợ bị vùi lấp khi mưa gió lớn.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Minh Lò Văn Đội cho biết: Mưa lũ vừa qua, xã Tân Minh bị thiệt hại nặng nề, nhiều tuyến đường bị đứt, nhiều xóm bị cô lập, nhiều khu vườn ruộng của người dân bị đất đá san phẳng. Riêng xóm Diều Nội có 4  nhà bị sập hoàn toàn, một số hộ nằm trong vùng trượt sạt phải di dời. Xã tổ chức ứng trực cảnh báo, tổ chức hỗ trợ di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Bùi Thị Hiệu cho biết: Là huyện vùng cao, địa hình đồi núi dốc lớn, không có mặt bằng, thiên tai, lũ ống, lũ quét, trượt sạt, lở núi luôn thường trực. Sau mưa lớn những ngày qua, trên địa bàn đã có nhiều khu vực có nguy cơ trượt sạt, đá lở, đá lăn, nhiều khu vực tiềm ấn nguy cơ lũ ống lũ quét, thường trực đe dọa tính mạng của người dân. Huyện đã cử 5 đoàn công tác trực tiếp đến các vùng khó khăn để chỉ đạo huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở, khu vực ngầm bị ngập nước cấm các phương tiện giao thông và người di chuyển qua lại; thường xuyên cử người xuống các xã để hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, tổ chức sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở, tổ chức thăm hỏi động viên hỗ trợ những gia đình bị ảnh hưởng mưa lũ. Huyện cũng chỉ đạo đối với các xã ven hồ sông Đà có học sinh trẻ đi lại bằng thuyền và các hộ dân đánh bắt cá trên hồ phải thường xuyên kiểm tra và quản lý chặt chẽ thuyền, bè và các phương tiện, thiết bị phao cứu sinh để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

c
Nhà thầu xúc dọn đất sạt lở, bảo đảm giao thông tuyến đường 433 từ Hòa Bình lên thị trấn Đà Bắc.

Thời tiết còn diễn biến cực đoan mưa lớn, trượt sạt, lũ ống, lũ quét tiếp tục xảy ra đang tiếp tục đè nặng lên sản xuất và đời sống người dân. Ở huyện vùng cao đất sản xuất đã vốn rất khó khăn, đất ở cũng rất khó tìm, người dân bám đồi để dựng xây nhà cửa, ấy vậy mà chỉ cần một trận mưa lớn là có thể cuốn phăng tất cả. Nhiều người nói nước mắt người dân hòa cùng nước mưa, nước mắt đã cạn, nỗi đau mất người thân, tài sản chưa kịp nguôi ngoai thì đang bị ám ảnh nỗ lo trời đất mây mù vần vũ, mưa gió bất ngờ. Núi đồi đã “ no nước” vẫn hằn lên thành vệt trượt sạt dọc ngang, vừa hót dọn đất đá thông đường thì lại bị trượt sạt ắch tắc, đứt đường, ngập tràn, suối vẫn đỏ ngầu gầm gào muốn nuốt chứng mọi thứ tích cóp sau nhiều năm. Người Đà Bắc đang rất cần những hỗ trợ thiết thực để vượt lên cuộc sống trong thiên tai, nhọc nhằn để ổn định cuộc sống đang chồng chất khó khăn và thường trực đe dọa tính mạng.