Ngập lụt ngoại thành Hà Nội: Tìm giải pháp cho vùng rốn lũ
Xã hội - Ngày đăng : 14:56, 01/08/2018
Kỳ 1: Bộn bề giữa dòng nước lũ
Khi chúng tôi đang viết những dòng này, người dân vùng “rốn lũ” ngoại thành Hà Nội chưa kịp mừng vì “thủy tặc” đang rút dần, ô nhiễm, rác thải được chính quyền quan tâm thu gom, xử lý, thì một đợt lũ mới lại xối xả tràn về. Đời sống bà con nơi đây vốn đã nhọc nhằn lại thêm muôn phần khó khăn.
Lũ chồng lũ
Dừng xe ở ngã 3 Rói, vùng giáp ranh giữa xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ - vùng “rốn lũ” của Thủ đô, trước mắt chúng tôi là hàng chục chiếc thuyền lớn, nhỏ hối hả ngược xuôi. Lực lượng dân quân, quân đội, công an đang hối hả cùng bà con khiêng, vác đồ đạc, gia súc, gia cầm đi sơ tán. Giao thông đường bộ gần như tê liệt. Những ngôi nhà mái ngói, mái tôn, nhẹ thì ngập đến thềm, nặng thì lút mái. Chó, gà được nhốt, buộc tạm trên nóc nhà, treo lủng lẳng giữa cành cao, cứ thấy người là kêu to như thể muốn đòi ăn.
Chở chúng tôi vào làng, anh Hải (xóm Đông, xã Nam Phương Tiến) kể: “Từ hôm ngập đến giờ, cuộc sống của người dân hoàn toàn đảo lộn, khổ sở, thiếu thốn đủ thứ. Bao nhiêu hoa màu, cây ăn quả từ mới trồng, đến sắp thu hoạch đều mất trắng. Gia súc, gia cầm chết dần, chết mòn. Có nhà vừa xây xong phải “khánh thành” trong nước lũ. Thậm chí, cưới vợ, đón dâu trong lũ và cả một đám tang thê lương. Trận lụt trước chưa qua, trận lũ tới lại ập tới. Chưa đầy 2 ngày, nước đã dâng thêm 50cm. Đau xót lắm!”.
Xóm Bèo, thôn Nam Hài là nơi bị “thủy tặc” tấn công ác liệt khiến nhiều ngôi nhà nước dâng lút mái. Gặp lại tôi, ông Nguyễn Văn Quân cười tít mắt bảo: “Ngay sau bài viết của nhà báo, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo xã Nam Phương Tiến huy động tất cả các lực lượng tập trung thu gom, chở rác đi xử lý nên giờ sạch sẽ hơn nhiều, hơn chục hộ dân không còn phải sống cùng bãi rác khổng lồ nữa”.
Còn nhớ, hôm 26/7, bà Bảy (thôn Nam Hài) dẫn chúng tôi ra đây giữa trưa nắng gắt. Sóng dờn lên giữa mênh mông biển nước, không biết bên dưới đâu là nhà, đâu là đồng ruộng? Nước đọng sang ngày thứ 6 đã ngả màu xanh đục, bốc mùi tanh tưởi. Mỗi khi ngang qua xác động vật chết, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên khiến chúng tôi cảm thấy buồn nôn. Đặc biệt, có đoạn đường dài chừng 30m bị bao phủ toàn bộ bề mặt là rác thải từ bãi rác khổng lồ của xã trôi dạt về không còn một kẽ hở. Chiếc thuyền nhựa vốn đã nhẹ càng trở nên yếu ớt, èo uột.
Người phụ nữ 58 tuổi dặn tôi ngồi im, không được nhúc nhích, hai bàn chân chụm vào nhau, đầu gối ghì sát vào mép thuyền. Rồi oằn mình chống tay chèo lên những tảng rác lớn, tạo lực đẩy cho chiếc thuyền tiến lên. Một cái hụt tay, cây chèo mắc vào túi rác, tuột ra, người lái đò cùng con thuyền nghiêng sang phải, nước tràn vào. “Oái! Chết rồi!”, bà Bảy thất thanh. Nhờ kinh nghiệm và bản lĩnh, nhanh như cắt, người lái đò lâu năm nhặt lấy cây chèo, ngồi thăng bằng lại, nhẹ nhàng múc hết nước ra khỏi thuyền rồi tiếp tục hành trình vượt “biển rác”.
Thiếu nước sạch trầm trọng
Qua đoạn này, chúng tôi gặp ông Quân đang ngồi trên trụ cổng, tay cầm cây gỗ nhỏ nhọc nhằn đẩy xác con lợn chết trương ra xa. Thấy người lạ, 3 chú chó đang lủng lẳng trên mái nhà sủa inh ỏi, khiến đám ruồi bám đen kịt quanh cũi sắt bay loạn xạ. Chiếc chổi cùn, cái dế rách, nồi niêu, giấy tờ trôi nổi khắp căn phòng; rong rêu đã bắt đầu ký sinh trên giường và các vật dụng bằng gỗ; đồ đạc chất đống, ngổng ngang... căn nhà 3 gian không khác gì bãi rác.
Theo chân ông Quân sang nhà anh Huấn xin nước uống, dù ngập nhẹ hơn, nhưng rác cũng đã tràn lên tận giường. May, anh kê được mấy tấm gỗ lên bộ bàn ghế nên vẫn có chỗ để ngồi, ngả lưng và cất ít đồ đạc. Anh Huấn vừa nấu xong gói mì tôm thì hết ga. Giữa trưa nắng oi bức, không điện, không quạt, anh nhường phần mì tôm nấu trên chảo cho ông Quân, còn mình ăn mì tôm sống với nước lọc và chút lạc luộc được người thân tiếp tế. Bữa trưa qua loa, dù rất đói, nhưng nhìn ụ rác trước sân, ông Quân buông đũa, bỏ dở gắp mì trong chảo.
Anh Huấn thở dài: “Ngày nào cháu cũng dọn rác, nhưng biết đổ đi đâu, đẩy ra xa thì nó trôi ngược lại hoặc dạt sang nhà hàng xóm”. Hai người đàn ông không nói thêm câu nào và ngả lưng nghỉ ngơi trên chiếc phản tự chế, thỉnh thoảng lại khua tay đuổi ruồi, muỗi.
Không có nước sạch để nấu ăn và tắm gội, hàng ngày, anh Huấn và gần 20 hộ thôn Bèo phải lội nước hoặc bơi thuyền rất xa mới xin hoặc mua được nước. Những hình ảnh đó đã khiến chúng bị chấn động mạnh và lập tức có video, phóng sự ảnh với tựa đề: “Ngập lụt kéo dài, người dân xóm Bèo kêu trời vì rác gây ô nhiễm nặng”, được các cấp chính quyền và dư luận quan tâm.
Nợ nần vì “thủy tặc”
Niềm vui nước rút, rác thải được thu gom “chưa tày gang”, thì trận lũ mới lại ập đến. Ông Quân thở dài: “Lũ rừng ngang lại tiếp tục dâng bất ngờ quá, tôi không kịp chuyển thứ gì, ti vi, tủ lạnh, bình gas, thóc lúa đều chìm trong bụng nước rồi. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, giờ hoa màu mất trắng, cuộc sống vốn đã vất vả, nay lại thêm muôn phần khó khăn”.
Cùng với đó, thiệt hại về chăn nuôi cũng tiếp tục tăng lên theo chiều cao con nước. Nhiều gia đình có nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Chị Nguyễn Thị Phượng (thôn Nam Hài) cho hay: Trận lũ tháng 10 năm ngoái khiến gia đình gần như trắng tay. Năm nay, vợ chồng chị vay mượn gần 300 triệu đồng để đầu tư làm trang trại, mua giống chăn nuôi. Mới 10 tháng, lũ lại tràn về, gia súc, gia cầm chết dần, chết mòn vì không có thức ăn, nước uống. Chị đành đem bán non một số, nhưng giá rẻ không đủ trả tiền thức ăn chăn nuôi vẫn đang nợ đại lý. “Cứ thế này, nợ nần chẳng biết đến đời nào mới trả hết!”, người nông dân than trời.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, hầu hết giếng đào ở xã Nam Phương Tiến đã bị ngập, giếng khoan không thể lấy nước vì bị cắt điện toàn phần, không chạy được máy bơm. Tối đến, nhiều ngôi nhà tối đen như mực vì không còn nến để thắp. Việc nấu ăn trở nên vô cùng khó khăn. |
Quả thực, cuộc sống của người dân vùng “rốn lũ” ngày càng bi đát. Dù đã được diễn tập và chuẩn bị tinh thần, nhưng bà con không thể cưỡng lại nạn ô nhiễm môi trường. Vừa khám chân cho một bệnh nhân, Trưởng khoa Vệ sinh ATTP (Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ) Trần Văn Kỳ vừa cho biết: “Đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 700 hộ dân, mỗi hộ một túi thuốc, nhiều người đã dùng hết và tiếp tục xin thêm, trong khi nguồn thuốc đang cạn dần. Chúng tôi đang đề nghị cấp thêm”. Cũng theo ông Kỳ, số người mắc các chứng bệnh da liễu, tiêu chảy, đau mắt đỏ đang có xu hướng tăng nhanh, bởi phải ít nhất một tháng nữa nước mới rút; khi đó, cơ quan chức năng mới có thể tiêu độc, khử trùng triệt để.
Gặp Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng đang mướt mồ hôi cùng bà con hộ đê Tả Bùi, khuôn mặt ông hằn rõ sự mỏi mệt sau 10 ngày chiến đấu với “giặc lũ”. Giọng ông nghẹn lại khi nói về những thiệt hại nặng nề địa phương phải hứng chịu. Thông tin mới nhất đến chiều tối 31/7, trên địa bàn huyện có 2.700 hộ nước ngập vào nhà từ 0,5 - 2m; hơn 5.600 hộ dân bị ngập phải đi sơ tán. Toàn huyện bị thiệt hại hơn 1.800ha lúa và hoa màu; 187,6ha cây ăn quả; gần 600ha nuôi trồng thủy sản; trên 55.000 gia súc, gia cầm, thủy cầm chết, thất lạc; hơn 11.900m kênh mương bị hư hỏng; hơn 11.000m đê, hồ, đập bị sạt lở; 34 cầu, cống, đập bị hư hỏng; 3 người chết do đuối nước.
Chiều tối, mưa ngày càng nặng hạt, nỗi lo của bà con lại nối dài. Nhưng, họ vẫn lạc quan, bởi hơi ấm tình người luôn hiện hữu, đêm ngày lan tỏa, xóa nhòa những mất mát, buốt lạnh trong lòng người dân vùng “rốn lũ”.
(Còn nữa)