Tràng An - “Nhìn” từ mái chèo

Xã hội - Ngày đăng : 10:54, 31/07/2018

(TN&MT) - Người đàn bà chèo đò giữa lòng di sản tôi gặp, có nụ cười hiền hòa y như dòng Sào Khê trong xanh uốn lượn quanh Tràng An. Với tôi, bà như cuốn tự điển sống - mà ở đó mọi thắc mắc về vùng đất Cố đô lịch sử đều được lý giải một cách rõ ràng, rành mạch. Bà kể về Tràng An với một niềm tự hào và say mê vô bờ bến. Dường như với bà, công việc chèo đò không chỉ là kiếp mưu sinh mà đó còn là cả một sứ mệnh thiêng liêng đưa Tràng An đến với thế giới.

Hoài niệm cũ

Tràng An mùa này, nước dòng Sào Khê dâng cao và trong vắt. Lẫn trong mây trời và những trầm tích đá vôi soi bóng, người ta có thể nhìn thấy từng viên đá cuội, lũ cá nhỏ lẫn trong đám rong tảo xanh mơn mởn dưới đáy sông.

Anh 1
Bà Sửu người chèo đò chuyên “chở” những ký ức, những điều kỳ thú của Tràng An đi khắp tâm trí của du khách trong nước và bạn bè quốc tế

Lên đò, người đàn bà vùng cố đô đưa chúng tôi khẽ lướt bồng bềnh trên dòng Sào Khê xuyên qua các rặng núi đá vôi hùng vĩ. Tôi có cảm giác, mọi thứ ở bà đều nhẹ nhàng, thanh thoát. Đôi tay gầy quạt đều mái chèo đưa con đò cứ thế rời bến vào thung nhẹ nhàng. Người đàn bà ấy có tên Trần Thị Sửu, xã Trường Thịnh, huyện Hoa Lư (Ninh Bình).

Qua vài mẩu chuyện làm quen, bà như bắt được “nhịp”, những câu chuyện kỳ thú của một vùng Cố đô Hoa Lư và danh thắng Tràng An cứ thế hiện lên trong mắt tôi theo từng nhịp tay chèo.

Anh 2
Tràng An nhiều năm nay trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với Cố đô Hoa Lư

Kia là phủ đền Trình hay còn gọi là phủ Đột. Xưa, nếu ai muốn vào tìm nghĩa quân của vua Đinh đều phải trình diện ở đây. Sau, giặc kéo về, nơi đây binh lửa liên miên, những trận đánh long trời lở đất, sóng dòng Sào Khê nhuộm đỏ máu thù nên tiền nhân còn gọi là Phủ Đột (xung đột). Còn đây là cổng Tam quan dẫn vào hang Tối dài 320m, qua hang tối đến hang Sáng dài 100m, rồi đến hang Nấu Rượu, đến Trần, hang Ba Giọt, hang Seo, hang Sơn Dương, hang Khống, hang Trần rồi hang Quy Hậu… mỗi địa danh đều gắn với một sự tích nào đó từ thủa ông cha lập dựng mở đất.

Bà kể: Ngày ấy, khi bà mới khoảng lên 6, cả vùng Trường Ninh, Trường Yên và tổng Hoa Lưu còn nghèo lắm! Thiếu đất canh tác, bà theo cha mẹ và dân làng đốt đuốc chèo thuyền xuyên qua các hang, vào thung sâu khai khẩn, tìm đất trồng lúa. Nhờ có phù sa bồi tụ từ nghìn đời, cây lúa gieo xuống cứ thế lớn rồi cho bông nặng trĩu, giúp cả vùng đi qua bao mùa giáp hạt. Rồi những đêm trường trời căm căm rét, bà lại cùng dân làng đốt đuốc, hò nhau ngăn hang tát cá. Những con cá rô - một thời từng là sản vật tiến vua, to bằng cả bàn tay người lớn, vàng nâu béo ngậy xua đi cái đói cồn cào và rét cắt da vào mùa tháng Chạp.

Sâu trong lòng di sản có hang Ba Giọt. Giữa trần hang tối có ba nhũ đá buông thõng xuống lưng chừng hang. Từ mõm đá này có thứ nước tinh khiết trong vắt, được chắt lọc qua triệu lớp đá vôi, nhỏ xuống lòng sông. Tương truyền rằng, hễ ai chèo đò qua, được nước vô tình rớt trúng đầu sẽ được hưởng hết kiếp người hạnh phúc viên mãn, đong đầy. “Xưa, mỗi bận chèo đò qua, lần nào tôi cũng chùng chình, chờ nước rơi vào mình và lần nào cũng nhận được một giọt… có lẽ vì thế nên cuộc đời đã trả cho tôi những bằng an, hạnh phúc giản dị!”

Anh 3
Quần thể danh thắng Tràng An luôn có những hoạt động nghệ thuật đặc sắc và đậm chất dân gian

Vừa chèo đò bà Sửu vừa vui mừng khoe: Tràng An mùa nào cũng đẹp, cái đẹp không lẫn với bất cứ nơi nào trên đất nước này! Các mùa thu, đông, nước dòng sông trong vắt, soi bóng các rặng núi sang thu. Trong mưa thu, Cố đô Hoa Lư càng trở nên cổ kính, thâm nghiêm và trầm mặc. Nhưng Tràng An đẹp nhất là vào mùa xuân. Tiết tháng Giêng, đến tháng ba, từng chùm hoa gạo như những đốm lửa nhỏ rơi vào và thắp sáng trên mặt sông, trông xa chúng như những chiếc đèn hoa đăng nhỏ. “Thế nên các cụ mới chọn tháng Ba là mùa để khai hội Tràng An!” - bà nói như để khẳng định chân lý của mình. Vâng! Trong mắt tôi, Tràng An quê bà mùa nào cũng đẹp. Nét đẹp ấy đã khiến không chỉ riêng tôi mà cả hàng trăm vạn du khách khác, cứ phải nhớ rồi tìm về đất trời này đúng dịp tháng Ba, như có ước hẹn tự bao giờ.

Tự hào người con Tràng An

Khi những cơn mưa xuân cuối cùng lay phay trong chút rét nàng Bân. Từ trên cao trông xuống, bến đò Tràng An đẹp như một thiếu nữa thiếu nữ dịu dàng, đài các. Từng lớp đò nhỏ nằm chen chúc nhau như những chiếc lá tre mong manh, in hình xuống dòng nước trong suốt. Vào những ngày mưa, du khách cũng không quá đông, vài chiếc đầy khách chao mình rời bến vào thung.

Trong câu chuyện dài miên man của mình, bà Sửu còn hồ hởi cho tôi biết thêm: Hiện tại, Quần thể danh thắng Tràng An đang mang lại công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân địa phương sống quanh khu vực di sản. Người dân sống quanh khu vực di sản từ cuộc sống khó khăn do đặc điểm vùng chiêm trũng, hàng năm chỉ trồng một vụ mùa không đủ ăn, nay đã có cuộc sống khấm khá hơn hơn nhờ nghề chèo đò, làm dịch vụ du lịch. Mỗi ngày, bà thường nhận từ 2 - 3 chuyến đò chở khách vào thăm thú di sản. Tính sơ sơ mỗi tháng công việc chèo đò cũng những nhân viên chèo khác mức lương cố định từ 3 - 6 triệu đồng/tháng. “Tràng An trở thành khu du lịch nổi tiếng thế giới, người dân chúng tôi đã được hưởng lợi rất nhiều, do đó mọi người đều có ý thức trong việc chung tay giữ gìn các giá trị của di sản cho các thế hệ mai sau!” - bà nói, giọng nghiêm trang và đầy trách nhiệm.

 “Bà và những người chèo đò khác có nói được ngoại ngữ không?” - tôi hỏi cắt ngang câu chuyện. Bà cho biết: Ngoài việc bổ túc kiến thức về hướng dẫn viên du lịch, cứ mỗi khi rỗi tay chèo, Ban quản lý bến thuyền lại mời giáo viên Anh văn về bồi dưỡng cho nhân viên nên hầu hết mọi người đều có thể giao tiếp cơ bản với khách nước ngoài. “Phải học để biết, rồi còn để nói với người ta, còn giới thiệu vẻ đẹp của vùng danh thắng, vùng Cố đô Hoa Lư lừng lẫy, oai hùng với bạn bè du khác quốc tế chứ”.

Tôi rời bến thuyền khi trời chiều đã dần tắt nắng. Dúi vào tay bà vài đồng bạc, chút gọi là để cảm ơn tấm thịnh tình của người “hướng dẫn viên” ân cần. Mặc cho tôi đã nói đến mỏi miệng, bà vẫn dứt khoát không nhận! “Ngoài đồng lương từ những chuyến đò, công việc đã cho tôi được gặp gỡ, giao lưu với du khách, được nói với họ về những nét đẹp của quê hương, đất nước mình đã là một đặc ân, là thứ thù lao vô giá mà cuộc đời đã trả cho những người như tôi. Đó là trách nhiệm của mỗi người con Tràng An chúng tôi!”