Những tấm lòng... đi về vùng lũ
Xã hội - Ngày đăng : 09:53, 30/07/2018
Một đời công đức
Theo xe của đoàn từ thiện Chùa Linh Sơn – Thanh Nhàn (Hà Nội) trên hành trình mang 510 suất quà đến với bà con vùng rốn lũ xã Căn Co, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu trong những ngày đầu tháng 7. Chúng tôi được Sư thầy Thích Nữ Như Hiền, Trụ trì chùa Linh Sơn, kể về cuộc đời mình và những chuyến từ thiện từ Nam ra Bắc. Năm nay sư thầy đã 72 tuổi, nhưng chúng tôi cảm nhận được sự quyết liệt mạnh mẽ, bao dung, độ lượng và một tấm lòng nhân hậu toát lên từ thần thái.
Những năm 90 của thế kỷ XX, khi còn ở trong miền Nam, sư thầy Như Hiền đã bắt đầu những chuyến thiện nguyện đầu tiên của cuộc đời mình về miền Tây Nam Bộ. Và những chuyến hàng cứ dày thêm theo năm tháng như tuổi tác của Người; bóng áo nâu sòng và dáng người khổ hạnh dường như có mặt ở mọi miền tổ quốc, nơi còn có nhiều mảnh đời bất hạnh, kém phần may mắn.
Thầy Như Hiền kể: Năm 2006, sau khi đọc bài báo về một em bé mắc bệnh ung thư lưỡi đang chữa trị tại Bệnh viện K, Hà Nội, sư thầy Như Hiền cùng với một sư thầy trong chùa Thanh Nhàn vào bệnh viện thăm hỏi. Khi biết bệnh tình của cháu bé không thể qua khỏi, tôi bỏ tiền thuê xe hỗ trợ gia đình đưa cháu về quê, cho cháu ra đi được thanh thản... Những bệnh nhân ở các phòng bên thấy vậy cũng sang xin. Có bao nhiêu tiền trong người tôi cho họ hết, lúc thuê xe về thì trong người không còn nghìn nào.
Sư thầy Thích Nữ Như Hiền, tâm sự: Xã hội vẫn còn quá nhiều người nghèo khó lại mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Tôi hiểu rõ nỗi vất vả của các gia đình vì chính anh trai của tôi cũng mắc bệnh ung thư. Gia đình cũng không đến nỗi nào mà đã thấy quá khổ rồi. Còn đối với người nghèo không biết nỗi khổ đó sẽ nhân lên bao nhiêu lần? Với họ, lo tiền thuốc đã khó, cái ăn trong những ngày dài đằng đẵng trong bệnh viện cũng chỉ có bữa cho qua.
Xuất phát từ tình thương yêu, sự sẻ chia ấy, sư thầy Như Hiền: mỗi ngày nhà chùa dành hơn 1.000 xuất cơm, xuất cháo từ thiện cho các bệnh nhân tại Bệnh viện K, Hà Nội. Ban đầu, nhà chùa chỉ nấu được 50 suất cơm, 50 suất cháo, sau đó, nhiều phật tử cùng chung tay đóng góp nên suất ăn ngày càng được nhân lên. Và đến nay, mỗi ngày nhà chùa nấu 400 suất cơm và 700 suất cháo tại Bệnh viện K.
Trầm ngâm trong giây lát, khuôn mặt thầy hiện lên nét suy tư, sâu lắng: tuy chưa thể giúp đỡ được hết các bệnh nhân trong bệnh viện, nhưng một phần nhỏ đó phần nào mong giúp gia đình các em vượt qua gian khó.
Chúng tôi có thể hiểu, để nấu được những suất ăn từ thiện không đơn giản chỉ là sức lực, thời gian mà còn là tâm huyết của những người coi niềm vui của người khác là niềm vui của chính mình.
Ngừng giây lát, sư thầy Thích Nữ Như Hiền kể về "chữ duyên" khi đến với trẻ em nghèo của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Khi ấy, cũng bắt đầu từ một bài báo nói về cảnh thiếu đói ở xã Pa Tần thuộc huyện này. Ngay sau đó, sư thầy kêu gọi phật tử quyên góp quần áo, gạo, mì tôm, chăn, màn… cho đồng bào nghèo của các huyện của tỉnh Điện Biên. Trong đó, ưu tiên hơn cả là Mường Nhé; một huyện nghèo nhất của cả nước.
Lên Pa Tần, xót xa trước điều kiện học tập gian khó của trẻ em ở đây. Sư thầy Như Hiền vận động, quyên góp được 200 triệu đồng để xây nhà bán trú rộng 85 m2 cho HS xã Pa Tần. Trong khi đó, Trường THCS xã Pa Tần có đến 160 HS bán trú. Vậy là sư thầy lại lặn phải về Hà Nội tiếp tục kêu gọi quyên góp, thậm chí đi vay để có thêm 200 triệu đồng, xây thêm 1 ngôi nhà bán trú nữa cho HS ở nơi đây.
Rồi kể từ đó, những chuyến từ thiện lên với bà con các bản vùng sâu, xùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bắt đầu thường xuyên hơn, đặc biệt là bà con vùng Tây Bắc. Không chỉ là những phần quà, những vật phẩm, sư thầy còn kêu gọi các y, bác sĩ ở các bệnh viện lớn lên khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
Sư thầy kể: Hôm rồi nghe báo, đài nói cả ngày về lũ lụt ở Lai Châu. Tôi nằm mà không sao chợp mắt được khi nhìn thấy cảnh nhà trôi, người mất của đồng bào vùng cao. Thấy bà con vùng lũ gian khổ, nhà cửa tan hoang, chúng tôi bắt đầu kêu gọi các phật tử phát tâm bằng việc dán thông báo tại của chùa. Người biết báo cho người không biết. Sau 10 ngày, chúng tôi đã vận động được trên 500 suất quà, trị giá gần 300 triệu đồng để đến với bà con vùng lũ xã Căn Co, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Chúng tôi không xin ai, không đơn vị nào tài trợ, tất cả phần quà đó đều là của các phật tử mang đến bằng cả tấm lòng hướng thiện, thảo thơm. Họ đến với đồng bào là cả tình thương yêu, chia sẻ, không mưu cầu tư lợi bản thân.
Chúng tôi ngồi lặng lẽ bên nhau trong tiếng máy xè xè của chiếc xuồng chở hơn 500 xuất quà vào xã Căn Co, xã khó khăn nhất của huyện Sìn Hồ (Lai Châu) để ủng hộ bà con vừa xảy ra trận lũ kinh hoàng cướp đi nhiều sinh mạng và nhiều gia đình nhà cửa bị cuốn trôi, tài sản mất trắng.
Chúng tôi hiểu, sau tiếng thở dài của sư thầy là nỗi trăn trở để bà con bớt khó, bớt khổ. Một phật tử của nhà chùa ngồi cạnh kể: Từ tháng 3 đến nay, Sư thầy Như Hiền vẫn chưa khỏi ốm. Có những chuyến đi, Sư thầy phải uống thuốc giảm đau đến 6 lần mà vẫn đi. Những hoạt động thiện nguyện bền bỉ ấy của Sư thầy Thích Nữ Như Hiền và các phật tử chùa Linh Sơn sẽ là một trong những bài học giá trị nhất về tính nhân văn và nhân lên những nghĩa cử cao đẹp, cho cuộc đời này…Chúng tôi chợt thấy mình quá đỗi nhỏ bé khi đứng trước con người này.
Người Thái, Hà Nội... hướng về cội nguồn
Những tấm lòng hảo tâm, thiện nguyện vì người nghèo đâu đó còn rất nhiều. Dù điểm chung của họ là thiện nguyện xuất phát từ tình yêu thương, sẻ chia và làm việc thiện theo tâm của người thiện nguyện. Nhưng ở mỗi người chúng tôi lại tìm thấy một lý do riêng, một cách làm rất riêng. Điển hình như cộng đồng người Thái ở Hà Nội hướng đến cội nguồn.
Trong đợt từ thiện đến với bà con huyện Mường Tè, chúng tôi có dịp gặp gỡ chị Cầm Trang Thơ; chị là một người con gái Thái sinh ra và lớn lên tại xứ Mường Trời, sau khi tốt nghiệp khoa Anh, trường ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Quốc Gia Hà Nội chị theo chồng về Hà Nội sinh sống và làm việc; dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn, chị đến với đồng bào dân tộc nơi đây bởi lý do: Mình cũng là người dân tộc, nên mình hiểu rõ nỗi khổ của bà con nơi đây.
Chị Thơ là một trong những thành viên tích cực và thành lập ra nhóm người Thái ở Hà Nội. Lúc đầu, đây cũng chỉ là nhóm để giao lưu văn hóa. Sau đó, mùa hè năm 2017 thấy bà con dân tộc Thái ở huyện mường La, tỉnh Sơn La bị ảnh hưởng bởi thiên tai rất nặng nề nên nhiều thành viên trong nhóm đã bàn bạc và quyết tâm phải làm việc gì đó giúp đỡ bà con nơi đây. Nói là làm, chị Thơ đã cùng nhóm đứng ra kêu gọi mọi người chung tay ủng hộ đồng bào lũ lụt, không chỉ kêu gọi trong nước mà nhóm chị còn kêu gọi cộng đồng người Thái đen bên Thái Lan cùng chung tay giúp đỡ, sau 3 tuần phát động thì nhóm đã kết hợp một đoàn người Thái đen bên Thái Lan đến với bà con ở xã Nặm Păm và một số xã ở Mường La, Sơn La ủng hộ bằng tiền mặt 200 triệu đồng cho hơn 200 hộ gia đình, mỗi hộ 1 triệu đồng. Những chuyến từ thiện bắt đầu từ đó và nhiều hơn, liên tục hơn theo thời gian và chủ yếu ở cung đường Tây Bắc.
Trước khi tham gia cùng nhóm Kon Tay Dzu Ha Noi (Người Thái ở Hà Nội) thì chị Thơ cũng từng tham gia đi từ thiện cùng nhiều cá nhân và nhiều nhóm khác trong đó có nhóm thiện nguyện Hoa Ban được thành lập vào tháng 8 năm 2015 do chị Thơ cùng những người con đã từng sinh ra ở Tuần giáo, Điện Biên đứng ra kêu gọi ủng hộ bà con dân tộc Mông ở xã Pú Nhung, và xã Pú Xi,huyện Tuần giáo, tỉnh Điện Biên bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ. Sau đó nhóm còn xin được kinh phí hơn 200 triệu đồng và đối ứng của địa phương để xây dựng lớp học cho các cháu Trường Mầm non Mường Đăng, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên.
Tâm sự về lý do chọn Tây Bắc là nơi tập trung cho đoàn từ thiện, chị kể: Người khổ thì rất nhiều, nhưng đi nhiều nơi, mình thấy Tây Bắc vẫn là nơi bà con khó khăn nhất. Ngày xưa mình học ở đồi bản Kệt, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên (Lai Châu cũ), nhà tranh vách đất, đang học thỉnh thoảng lại vài con lợn chạy vào lớp. Lúc đó, mình là con cán bộ thì may mắn có dép mà đi, có áo ấm mặc, chứ các bạn thì chỉ đi chân trần.
Ngừng giây lát chị nói trong niềm xúc động: Lạnh, đói, ký ức của mình còn nhớ những hình ảnh các bạn đốt than trong ống bơ để sưởi ấm những ngày đông giá rét. Giờ đi vào các bản xa, vẫn còn một số ít lớp học ở các bản xa, nhìn lũ trẻ và cô giáo mà nước mắt mình cứ rưng rưng...
Từ đầu năm 2018 đến giờ bọn mình đã có 5 chuyến hàng ngược ngàn với Tây Bắc. Giá trị của mỗi chuyến hàng tuy không lớn nhưng đó là tất cả những gì mình và cộng đồng người Thái ở Hà Nội đã nỗ lực. Bọn mình không có thời gian nhiều vì còn phải đi làm, nên các chuyến thiện nguyện chỉ tranh thủ vào thứ 7, chủ nhật... Cứ tưởng sau chuyến từ thiện xuyên từ Mường Tè (Lai Châu) đến Mường Nhé (Điện Biên) đợt tháng 4 vừa rồi thì các chuyến từ thiện trong năm 2018 sẽ kết thúc. Nhưng sau khi nghe tin tỉnh Lai Châu bị thiệt hại nặng nề do lũ, mình lại phát động được hơn 50 suất quà cho bà con vùng lũ là chiếc chậu để chứa nước, nồi niêu xoong chảo, mì tôm, gạo, thuốc và một số thực phẩm khác.
Kết thúc cuộc trò chuyện với chị Thơ, theo sự chỉ dẫn của đồng chí cán bộ Hội Chữ thập đỏ của huyện Mường Tè. Chúng tôi cùng đoàn từ thiện của chị Thơ đã trao 50 xuất quà cho bà con người dân tộc La Hủ tại bản Đầu Nậm Xả, xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Những ngày này bầu trời Tây Bắc đang vần vũ trong mưa rơi, gió lốc. Nhưng cung đường Tây Bắc vần oằn mình chở những chuyến hàng xuôi.