Sơn La: Không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm
Xã hội - Ngày đăng : 21:48, 23/07/2018
Trưa ngày 23/7, Tổ công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức thông tin về xử lý kết quả điểm thi bất thường tại Sơn La. Theo đó, tổ công tác đã phát hiện 6 sai phạm quy chế thi tại Hội đồng thi Sở Giáo dục đào tạo Sơn La. Kết quả chấm thẩm định với 110 bài thi môn ngữ văn nghi vấn có dấu hiệu điểm cao bất thường theo quy định, cho thấy có 12 bài thi có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1 điểm trở lên; trong đó có 1 bài có điểm thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.
Với các bài thi trắc nghiệm, bước đầu cho thấy có dấu hiệu vi phạm Quy chế thi, nhất là ở khâu chấm thi, cụ thể là có dấu hiệu sửa bài thi môn trắc nghiệm của một số thí sinh. Như vậy, những sai phạm tại Hội đồng thi Sở GDĐT Sơn La đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Bộ Giáo dục Đào tạo kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm, theo quy định. Có 5 ông/bà có liên quan đến các sai phạm quy chế thi.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Cảm xúc của tôi, tôi rất buồn. Từ Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, các bộ, ngành vào cuộc, các cấp ủy, chính quyền đồng hành cùng ngành giáo dục 63 tỉnh, thành. Những hình ảnh sinh viên tình nguyện, những chiến sỹ công an bộ đội huy động phương tiện đưa các em đến thi, hình ảnh những ông bố bà mẹ chờ con ngoài cổng trường đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi làm tốt kỳ thi này. Chúng ta phải khẳng định đây là dấu hiệu rất bất thường, không mang tính chất đại diện, rất xấu xí, ảnh hưởng tới công sức, tới kỳ thi. Chúng ta kiên quyết xử lý, không dung túng cho sai phạm. Nhưng quan trọng là xác định được sai phạm từ đâu, làm sao xuất hiện sai phạm để xử lý mang lại công bằng; rút ra những bài học kinh nghiệm, để tổ chức tốt hơn các kỳ thi, không chỉ riêng kỳ thi THPT quốc gia.
Về vấn đề có nên lắp camera trong phòng chấm thi hay không, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu, tiếp thu một cách nghiêm túc; sẽ cân nhắc, đưa vào quy định cứng trong những kỳ thi tiếp theo.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định: Quan điểm của tỉnh Sơn La là cầu thị và minh bạch, tôn trọng kết quả của tổ công tác. Chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ, đáp ứng mọi điều kiện, nhu cầu của tổ công tác thực hiện nhiệm vụ.
Tỉnh Sơn La sẽ chỉ đạo Sở Giáo dục đào tạo, các ban ngành có liên quan giải quyết triệt để theo kết luận của tổ công tác, với tinh thần không bao che. Lỗi đến đâu xử lý đến đó. Mắc khuyết điểm đến đâu, xử lý đến đó. Trong thời gian tới, trước hết, chúng tôi sẽ khắc phục kịp thời, kiên quyết những thiếu sót mà kết luận của đoàn công tác đã chỉ ra. Đẩy mạnh quản lý, xử lý nghiêm những sai phạm mà tổ chức, cá nhân đã mắc phải. Chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát làm rõ trách nhiệm từng cấp, từng người, qua đó, có giải pháp xử lý đồng bộ. Coi đây là một kinh nghiệm cho những năm tới, để thực hiện các kỳ thi tốt hơn.
"Không ai vui khi sự việc xảy ra, chúng ta đều suy nghĩ, trăn trở, buồn vì đâu đó các cán bộ của mình làm việc không chính xác. Về trách nhiệm, trước hết, chúng tôi cầu thị và minh bạch, trách nhiệm đến đâu xử lý đến đó. Trách nhiệm của ai sai phải sửa, từ UBND trở xuống, từ cá nhân tôi, và phải khắc phục như thế nào. Quan điểm xử lý là không có vùng cấm và không bao che" – ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.
Liên quan đến việc dư luận đặt nghi vấn những thí sinh ở Sơn La đạt điểm cao, là con em quan chức, lãnh đạo, ông Mai Văn Trinh khẳng định: Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi xác minh làm rõ sai phạm, không đặt mục tiêu xác minh những trường hợp nghi vấn là đối tượng nào mà ứng xử như nhau giữa tất cả các thí sinh. Cơ sở để xử lý là Quy chế thi. Thời gian của Tổ công tác ở Sơn La đã sang ngày thứ 5, dài hơn ở Hà Giang. Như vậy, có thể nói tính chất công việc ở Sơn La không đơn giản, như tôi đã nói là vi phạm nghiêm trọng. Cũng chính vì thế, hiện nay vẫn chưa kết thúc được việc xác minh làm rõ, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra. Khi có kết quả xác minh làm rõ, cứ bám theo quy chế thi để xử lý. Khi xử lý các trường hợp này, tuyệt nhiên và chắc chắn, Bộ GDĐT không bị lăn tăn hay phân tâm xem các thí sinh là đối tượng nào.
Chưa xác định số bài trắc nghiệm bị sửa
Liên quan đến số lượng bài thi trắc nghiệm bị chỉnh sửa, ông Mai Văn Trinh thông tin: Hiện chưa xác định được số lượng bài trắc nghiệm bị sửa là bao nhiêu và sửa như thế nào. Bởi phiếu trả lời trắc nghiệm của các thí sinh là rất lớn, không đủ nhân lực để kiểm đếm tất cả. Tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ làm trước hết đối với trường hợp có dấu hiệu nghi vấn bất thường và bằng các biện pháp kỹ thuật đã phát hiện được dấu hiệu tẩy xóa. Trong thời gian tới, Bộ Công an cùng các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ.
“Về việc có xem xét lại kỳ thi này không, kỳ thi THPT Quốc gia, những sai phạm đã xảy ra, chúng ta đã xử lý. Chắc chắn đó là bài học để chúng ta tổ chức kỳ thi này, không chỉ kỳ thi THPT quốc gia mà cả những kỳ thi khác, phải làm sao hoàn thiện hơn. Trong những kỳ thi tới, Bộ sẽ có những điều chỉnh cụ thể trong quy chế nhằm giảm thiểu, loại bỏ những sai phạm có thể xảy ra. Chúng ta phải đánh giá sự việc trên quan điểm công bằng, khoa học, sự sai phạm của Hà Giang, Sơn La không thể đại diện cho 63 tỉnh, thành. Không thể vì những sai phạm ấy mà chùn bước trên con đường đổi mới. Trách nhiệm của Cục Quản lý chất lượng là nhìn thấy những nguyên nhân của sai phạm, nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì, để tham mưu cho Bộ, trực tiếp điều chỉnh trong các kỳ thi tiếp theo”, ông Mai Văn Trinh khẳng định.