Thanh Hóa- Nghệ An: Ra công điện khẩn, chủ động ứng phó với cơn bão số 3.
Xã hội - Ngày đăng : 14:12, 18/07/2018
Tại Thanh Hóa, Theo công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, đơn vị, ban ngành triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt đối với các công trình đang thi công, các sự cố đã xảy ra trong năm 2017; rà soát, triển khai phương án sơ tán người tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở đất, nguy cơ y ra lũ quét đến nơi an toàn; sẵn sàng thực hiện sơ tán di dời dân cư tại các khu vực ven biển khi có lệnh.Huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu, công trình xây dựng, kho tàng, bến bãi, chặt tỉa cành cây.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu. Tăng cường các biện pháp tiêu úng, chủ động các phương án tiêu thoát nước, nhất là các khu dân cư, khu đô thị để hạn chế tình trạng ngập lụt do ảnh hưởng của mưa bão...
Công điện cũng yêu cầu các địa phương cấm các phương tiện tàu thuyền ra khơi, nhanh chóng tìm nơi tránh trú bão an toàn, gia cố lồng bè nuôi thủy, hải sản… Đồng thời hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai ứng phó bão.
Tại Nghệ An, Sáng 17/7, sau khi đi vào phía Bắc Biển Đông, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 3 năm 2018 (tên quốc tế: Son-Tinh); trước tình hình đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo chính quyền và người dân các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh tiến hành khẩn trương các biện pháp ứng phó với cơn bão này.
Theo đó, để đảm bảo an toàn cho ngư dân và các tàu thuyền, Chủ tịch UBND – Trưởng ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương ven biển các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TX Cửa Lò, TX Hoàng Mai, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, Chi cục Thủy sản sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Theo báo cáo nhanh của Ban chi huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 3.868 phương tiện/18.189 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Đến thời điểm hiện nay, đã có 3.799 phương tiện neo đậu tại bến, cửa lạch an toàn với 17.432 lao động, số còn lại đang vào neo đậu tại các âu tàu, thuyền của địa phương khác. Ngoài ra, hiện có 31 phương tiện/267 lao động ngoại tỉnh đang neo đậu an toàn tại các cảng cá, cửa lạch của tỉnh Nghệ An.
Công tác chằng chéo nhà cửa, ki ốt kinh doanh tại thị xã du lịch biển Cửa Lò cũng đang được tiến hành rất khẩn trương.
Theo ghi nhận cóa PV tại Cửa Lò và Cửa Hội, đến trưa 18/7 đã cơ bản hoàn thành; các tàu thuyền đánh bắt cá xa bờ đã vào trú an toàn tại Cảng Cửa Lò và Cảng Cá Cửa Hội; các tàu thuyền nhỏ, thuyền thúng đã được ngư dân cho vào khu vực Lạch Lò (phường Nghi Thủy) và các lạch nằm sâu trong khu vực khuất gió.
Hiện, tỉnh Nghệ An có trên 625 hồ đập lớn nhỏ; tính đến ngày 18/7/2018, có hơn 533 hồ địa phương quản lý, đến nay có 121 hồ đầy nước, các hồ còn lại đạt 40 đến 70% dung tích; riêng 95 hồ đập do doanh nghiệp thủy lợi quản lý, dung tích đến ngày 18/7/2018 đã có 20 hồ đầy nước; 20 hồ có dung tích >70 % WTK; 27 hồ có dung tích từ 50-70% WTK; 28 hồ có dung tích <50% WTK. Đối với 1 trong 2 hồ lớn là sông Sào dự trù sẽ xả 01 cửa từ 16 giờ ngày 18/7, tổng lưu lượng xả từ 100,0 đến 200,0 m3/s; - Hồ chứa thủy điện Bản Vẽ mực nước mới chỉ đạt 165,71m, thấp so với mực nước dâng bình thường (MNDBT 200,0m) là 34,29m. Đối với Thủy điện Khe Bố đã tiến hành xả lũ từ 1h sáng 18/7 với lưu lượng từ 800 đến 1.700m3/s.
Về tình hình giao thông, hiện tại cầu Tràn Km39+400 (xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu), tràn Km59+950 (xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn), tràn Km61+800 (xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn), tràn Hiếu Km92+850 (xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn), tràn Dinh Km97+850 (xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn) ngập, đã đóng đường, cử người trực gác 24/24h, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại. Đường tỉnh 534B, tại Km32+150 (tràn Khe San, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn) đang ngập đường 0,5m. Đã đóng đường, cử người trực gác 24/24h ở hai đầu tràn, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, tính đến 11h trưa 18/7, toàn tỉnh có 1 nhà bị sập, 4 nhà bị sạt lở; gần 9.000ha lúa, gần 3.400ha ngô và rau màu các loại bị ngập và 431ha diện tích thủy sản bị ngập.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối nay ngày 18/07 cơn bão số 3 sẽ đổ bộ vào vùng biển Nghệ An – Hà Tĩnh. Từ chiều nay, vùng ven biển từ Thái Bình đến Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6. Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc, Việt Bắc gồm cả Hoà Bình, Sơn La có lượng mưa khoảng 100-200 mm. Thanh Hoá, Nghệ An có lượng mưa đỉnh điểm khoảng 200-300 mm, nhiều nơi trên 400 mm.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.