Hà Nội: Hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng từ rác thải

Xã hội - Ngày đăng : 17:07, 06/07/2018

(TN&MT) - Thành phố Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường cho người dân sống quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn. Quy định này đã mở phạm vi và đối tượng được hỗ trợ so với các quy định trước đây.

Đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi rác

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày đêm, tại TP. Hà Nội phát sinh hơn 6.200 tấn chất thải sinh hoạt, trong đó ở khu vực nội thành và thị xã Sơn Tây phát sinh 3.200 tấn, khu vực ngoại thành khoảng 3.000 tấn.

Trong đó, số lượng rác thải trên hiện được tập trung xử lý tại bãi rác lớn nhất Hà Nội - khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị (URENCO) quản lý, vận hành (từ năm 1999). Với công suất lớn tới 4.000 tấn/ngày, khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn này nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn, có tổng diện tích khoảng 83,5ha, trong đó có 53,49ha được sử dụng vào việc chôn lấp rác thải.

rac
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Bên cạnh bãi rác Nam Sơn, hiện Hà Nội đang tồn tại nhiều bãi rác với quy mô nhỏ hơn, nằm rải rác ở nhiều địa phương. Theo các cơ quan chức năng, đến nay, tỷ lệ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt vào các khu xử lý tập trung chỉ đạt khoảng 70%. Chính vì vậy, vẫn còn một lượng lớn rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý dẫn tới một lượng lớn rác bị tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều khu dân cư.

Trên thực tế, đời sống của người dân quanh khu vực các bãi rác đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước. Để bảo vệ môi trường sống và quyền lợi của mình, gần đây, nhiều người dân sống xung quanh khu vực tập kết, xử lý rác trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bức xúc chặn không cho xe vận chuyển rác vào khu xử lý.

Xem xét đến quyền lợi và sự cân bằng lợi ích của những người dân quanh vùng các bãi rác, TP. Hà Nội đã đưa ra những chính sách hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường đối với người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn thành phố. Và đây là chính sách đặc thù riêng của thành phố Hà Nội.

Mở rộng đối tượng được hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường

Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường đối với người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn thành phố vừa được thông qua có một số điều chỉnh quan trọng về phạm vi ảnh hưởng, và đối tượng được hưởng hỗ trợ. Theo đó, người dân sinh sống, làm việc trong vùng ảnh hưởng môi trường của các khu xử lý chất thải rắn đều được hỗ trợ. Trong khi đó, 2 quy định trước vào năm 2014 và 2016 chỉ giới hạn phạm vi hỗ trợ là những người dân sống xung quanh khu vực bãi rác Nam Sơn.

Theo quy định mới, phạm vi được hưởng mức hỗ trợ ảnh hưởng môi trường của các đối tượng sẽ từ 0 - 500m đối với khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp quy mô nhỏ và vừa); từ 0 - 1.000 m đối với khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp quy mô lớn và rất lớn, tính từ hàng rào khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn TP.        

lam giau tu nhat ve chai va bai hoc ve ong chu va nguoi lam thue
Cân bằng lợi ích cho người dân quanh khu vực các bãi rá. Ảnh: Internet.

Đối tượng được hưởng hỗ trợ có nhà ở nằm trong phạm vi ảnh hưởng, hiện đang sinh sống ở khu vực thuộc phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường tính từ hàng rào khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trong phạm vi nêu trên.   

Đối tượng có nhà nằm ngoài vùng ảnh hưởng môi trường nhưng có đất canh tác nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường, vẫn thường xuyên lao động, sản xuất nông, lâm nghiệp, đã được chính quyền địa phương xác nhận.

Đối tượng không đăng ký hộ khẩu thường trú, là cán bộ, công chức, viên chức hoặc học sinh, sinh viên, người lao động có họp đồng lao động ký với đơn vị, cơ quan hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng lao động nằm trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường tính từ hàng rào khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp, nằm trong danh sách đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội tại đơn vị, cơ quan sử dụng lao động nêu trên; hiện đang làm việc liên tục trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13 tại các đơn vị, cơ quan này; đồng thời chưa được hưởng chế độ bồi dưỡng do đơn vị sử dụng lao động chi trả theo quy định tại Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 thì được hưởng hỗ trợ.  

Mức hỗ trợ đối với các trường hợp làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng 100% mức hỗ trợ theo vùng tương ứng; làm việc dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng 50% mức hỗ trợ theo vùng ảnh hưởng môi trường tương ứng. 

Đối với các trường họp làm thêm giờ hoặc làm ca, mức hỗ trợ được tính tương ứng với số giờ làm thêm (đối với trường hợp làm thêm giờ) hoặc số giờ trong 1 ca (đối với trường họp làm theo ca) theo nguyên tắc trên.