Mập mờ TPCN thành thuốc chữa bệnh, công ty Elepharma có lừa dối khách hàng?

Xã hội - Ngày đăng : 16:22, 29/06/2018

(TN&MT) – Mặc dù chỉ được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công nhận là thực phẩm chức năng nhưng Công ty cổ phần Elepharma vẫn quảng cáo sản phẩm Scurma Fizzy...
(TN&MT) – Mặc dù chỉ được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công nhận là thực phẩm chức năng nhưng Công ty cổ phần Elepharma vẫn quảng cáo sản phẩm Scurma Fizzy như là thuốc chữa bệnh, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
 
Choáng với “ma trận” quảng cáo
 
Hiện nay, trên các trang mạng xã hội, người tiêu dùng thường xuyên bắt gặp những hình ảnh quảng cáo liên quan tới viên sủi Scurma Fizzy (một sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Elepharma có địa chỉ tại số 38, ngõ 57, Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội). Nội dung quảng cáo sản phẩm này cho hay, viên sủi Scurma Fizzy là một đột phá mới trong điều trị bệnh dạ dày, trào ngược.
 
Sản phẩm Scurma Fizzy được quảng cáo là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội và các cơ sở uy tín. Sản phẩm ra đời đánh dấu bước đột phá trong công nghệ bào chế hiện đại, được khẳng định là sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam được bào chế thành công dưới dạng viên sủi.
viên sủi Scurma Fizzy 2
Sản phẩm được quảng cáo rầm rộ trên mạng và cả truyền hình
Hiện nay, thông qua việc lập hàng loạt page facebook liên quan đến thực phẩm viên sủi Scurma Fizzy, công ty Elepharma đã cho đăng tải những video quảng cáo, những bài viết phỏng vấn chuyên gia nói về công dụng của các sản phẩm nêu trên. Thông qua đó, công ty này đã khéo léo định hướng người tiêu dùng đây là sản phẩm chữa bệnh chứ không phải là một sản phẩm thực phẩm chức năng. Không chỉ vậy, một số website còn khẳng định, sản phẩm này có thể điều trị hiệu quả bệnh dạ dày, trào ngược trong 2 tuần. Ngoài ra, tất cả những trang quảng cáo sản phẩm đều có chung một địa chỉ (ở số 1, Khu tái định cư TT 6, P.Mỹ Đình 2, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội). Điều này cho thấy, công ty Elepharma đã đầu tư rất bài bản cho khâu quảng bá sản phẩm.

Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm nói trên được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm ngày 27/06/2017 do ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng ký. Như vậy có thể thấy rằng, viên sủi Scurma Fizzy chỉ là một loại thực phẩm chức năng chứ không phải là thuốc chữa bệnh như lời quảng cáo của công ty này.
 
 
Mập mờ thông tin gây hiểu nhầm
 
Hiện nay, việc quảng cáo sản phẩm viên sủi Scurma Fizzy đang mập mờ khiến người tiêu dung xem đây là thuốc chữa bệnh. Bên cạnh việc khẳng định sản phẩm này có thể điều trị hiệu quả bệnh dạ dày, trào ngược trong vòng 2 tuần thì công ty Elepharma còn quảng cáo rất tỉ mỉ công dụng của từng thành phần có trong viên sủi ra sao.
 
Theo đó, do được bào chế thành dạng sủi nên sản phẩm này tăng khả năng tấn công vào vùng viêm tại dạ dày và tốc độ hấp thu vào máu nhanh nhất (chỉ chậm hơn tiêm); giảm nhanh các triệu chứng: trào ngược dạ dày, đau rát thượng vị, rối loạn tiêu hoá.· Hạt nano thế hệ mới nhất 30-50nm –> tăng khả năng hấp thu, tăng sinh khả dụng của curcumin. Ngoài ra thành phần Nano curcumin hướng đích tới các vùng viêm, tế bào ung thư, tiền ung thư làm tăng hiệu quả, giảm liều lượng, rút ngắn thời gian sử dụng sản phẩm.
viên sủi Scurma Fizzy 1
Mập mờ thông tin giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh
Một số nhà thuốc hiện cũng đang bán sản phẩm này. Theo tìm hiểu của PV, một hộp (gồm 2 vỉ, mỗi vỉ 10 viên) hiện đang được một số nhà thuốc bán với giá 270.000 đồng/hộp.
 
Mặc dù vậy, theo quy định của luật pháp, thực phẩm chức năng (TPCN) không được phép quảng cáo là thuốc, có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh hoặc quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc. Cụ thể luật Quảng cáo 2012 của Quốc hội, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo 2012, thông tư số 09/2015/TT-BYT Quy định xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc quản lý của Bộ y tế … việc quảng cáo TPCN phải tuân thủ theo kịch bản quảng cáo mà cơ quan chức năng đã phê duyệt.
 
Luật sư Nguyễn Văn Nghi (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Trong các quy định này nêu rõ, những hành vi bị nghiêm cấm khi quảng cáo thực phẩm chức năng là không được phép dùng từ “chữa bệnh”, “điều trị” hoặc các từ có ý nghĩa tương đương hoặc miêu tả sản phẩm đó có thể gây hiểu nhầm là thuốc. Ngoài ra, đơn vị tiếp thị, phân phối phải nêu rõ “sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
 
Trả lời báo chí trước đó, ông Nguyễn Thành Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế từng cho biết: Mọi hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng điều trị bệnh đều bị cấm. Cục An toàn thực phẩm cũng đã xử lý vi phạm nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật, không đúng quy định và bản chất của thực phẩm.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin./.