Ninh Bình: Cần 610 tỷ đồng để xử lý cấp bách các tuyến đê điều xung yếu

Xã hội - Ngày đăng : 09:09, 26/06/2018

(TN&MT) – Theo thông tin từ UBND tỉnh Ninh Bình thì hiện nay đã bắt đầu bước vào mùa mưa bão năm 2018, tuy nhiên nhiều tuyến đê điều trọng điểm xung yếu do bị ảnh hưởng của bão lũ năm 2017 vẫn chưa thể xử lý xong. Vì vậy, để xử lý cấp bách các công trình trên thì Ninh Bình cần tới 610 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương.
Anh 1
Trận lũ lịch sử năm 2017 đã để lại những hậu quả nặng nề cho Ninh Bình.

Ninh Bình có tổng chiều dài các tuyến đê là 424,509 km, trong đó: đê biển 48,05 km, đê sông đê cửa sông là 376,459 km. Năm 2017 Ninh Bình chịu ảnh hưởng của cơn bão số 10 và lũ trên sông Hoàng Long đạt đỉnh lũ lịch sử 5,53 m tại Bến Đế vượt báo động III là 1,53 m và vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1985 trên 0,2 m; lũ trên sông Đáy tại Ninh Bình đạt đỉnh 3,94 m và vượt báo động III là 0,44 m đã làm cho một số công trình trên các tuyến đê hữu sông Đáy, đê tả, hữu sông Hoàng Long, đê Đầm Cút, đê biển Bình Minh II, Bình Minh III… bị ảnh hưởng và hư hỏng nghiêm trọng.

Chính vì vậy UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện một số dự án xử lý cấp bách các công trình bị ảnh hưởng do thiên tai trên địa bàn từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương với 4 dự án, tổng kinh phí là 610 tỷ đồng.

Cụ thể: Dự án xử lý cấp bách tuyến đê hữu sông Đáy đoạn từ Km38 đến Km43+950, huyện Yên Khánh chiều dài 5,95 km, có hiện trạng mặt đê nhỏ 3,5 – 4m, cao độ hiện trạng thấp hơn độ cao thiết kế khoảng 0,5 – 0,7m. Trận lũ năm 2017, mực nước sấp xỉ mặt đê, mặt cắt đê không đảm bảo an toàn, có nguy cơ tràn và xảy ra vỡ đê. Dự kiến kinh phí để xử lý là 155 tỷ đồng;

Dự án xử lý cấp bách mở rộng hành lang thoát lũ các đoạn tuyến hạ lưu sông Hoàng Long với quay mô theo quy hoạch bề rộng đáy 154m, cao trình đáy sông -4,5m, gồm các tuyến: Đoạn từ Km29 đến Km30+400 chiều dài 420m; Đoạn từ Km25+142 (cống Trường Yên) đến Km27+857 chiều dài 2,715km. Kinh phí dự kiến 135 tỷ đồng;

Dự án xử lý cấp bách tuyến đê Đầm Cút, huyện Gia Viễn có chiều dài 10km do bị sạt trượt nhiều, vị trí phía Đầm Cút có nguy cơ vỡ đê, nhất là các đoạn thuộc khu vực các xã Gia Hòa, Gia Vân trong trận lũ lịch sử năm 2017. Kinh phí cần 250 tỷ đồng;

Xử lý cấp bách 3 tuyến kè: Tuyến kè Chính Tâm đoạn từ K61+500 – K62+500 thuộc địa phận xã Xuân Thiện và Chính Tâm; Kè Kim Đài đoạn từ K70+300 – K 70+975 thuộc địa phận xã Đồng Hướng; Kè Xuân Đài đoạn từ K72+200 – K72+700 thuộc địa phận xã Thượng Kiệm; Sửa chữa nâng cấp: Điếm canh đê Xuân Đài tại vị trí K71+596 đê hữu Đáy và Cống Điện Biên tại vị trí K4+565 đê biển Bình Minh II. Các công trình trên bị hư hỏng nghiêm trọng trong trận bão và lũ năm 2017, cần thiết phải xử lý ngay để phục vụ công tác phòng chống lụt bão. Kinh phí dự kiến là 70 tỷ đồng.