Dấn thân vào “điểm nóng”
Xã hội - Ngày đăng : 10:46, 22/06/2018
Nhà báo Lê Doãn Hưng: Nghề báo cần có một trái tim nóng và cái đầu lạnh
Hơn chục năm gắn bó với nghề báo, những kỷ niệm vui buồn trong tôi với nghề dường như đều đã nếm trải. Là một cây viết thiên về mảng điều tra vì vậy những ký ức trong mỗi lần xâm nhập vào hiện trường, nhiều lúc đối diện với hiểm nguy lại càng in đậm trong tôi.
Nói mảng điều tra có nhiều kỷ niệm không thể nào quên bởi có nhiều thời điểm trong khi đang tác nghiệp tôi phải đối mặt với sự sống và cái chết, hay nhẹ nhất cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.
Những lần xâm nhập vào “hang ổ” của than thổ phỉ, của quặng tặc vẫn hiện ra mỗi khi tôi chia sẻ các kỹ năng và kinh nghiệm với lớp phóng viên đi sau. Nhiều lúc tưởng chừng như bị những thành phần bặm trợn, xăm trổ phát hiện nhưng bằng cách xử lý khéo léo và có phần may mắn tôi đã không bị lộ tẩy, trở về an toàn và hoàn thành loạt phóng sự điều tra.
Gần đây nhất là những ngày cuối tháng 12/2017, tôi và đồng nghiệp nhập vai là người mua cát để làm sáng tỏ đường đi của cát lậu trên địa bàn một số tỉnh phía Bắc. Để có thể “vào vai” một cách tốt nhất, chúng tôi đã phải chuẩn bị rất kỹ những kiến thức về lĩnh vực này, từ chủng loại cho đến giá cả, thậm chí các thuật ngữ riêng của cánh buôn cát.
Sử dụng thiết bị camera chuyên dụng và điện thoại, chúng tôi đã ghi nhận được toàn bộ hình ảnh Cảnh sát giao thông đường thủy nhận mãi lộ và những phần tử bảo kê, đầu gấu ép chủ nhân của các xà lan và tàu chở cát phải đưa cho chúng tiền.
Tuy nhiên, rất bất ngờ khi đối tượng bảo kê quay lại yêu cầu đưa điện thoại cho chúng xem vì nghi ngờ chúng tôi quay lại cảnh chúng ép chủ tàu phải đưa tiền. Với thái độ hung hăng và đầy tính côn đồ, tôi biết chắc nếu chúng thấy trong điện thoại của tôi có cảnh “làm luật”, chắc chắn tôi và đồng nghiệp sẽ bị ném xuống sông ngay lập tức và không biết tính mạng có còn giữ được hay không.
Nhưng bằng kinh nghiệm và sự chuẩn bị sẵn, tôi liền đưa cho chúng chiếc điện thoại khác không có clip vừa quay, xem một hồi không thấy gì, chúng mới chịu đi không quên gửi lại lời đe doạ “đừng làm gì để bọn tao phải ra tay”.
Đó chỉ là một trong hàng trăm tình huống mà trong quãng thời gian “thử lửa” với lĩnh vực điều tra tôi đã gặp phải. Trong giây phút như vậy đòi hỏi người làm báo cần phải có một trái tim nóng, sự nhiệt huyệt yêu nghề cùng với đó là một cái đầu lạnh để giải quyết tình huống thật bình tĩnh. Nếu nóng vội để bị lộ tẩy thân phận thì không những hỏng việc mà còn bị ảnh hướng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Phóng viên Tống Duy Tân: Đến với nghề như một cơ duyên
Tình cờ gặp người anh làm tại cơ quan báo chí ở một trận bóng đá, tôi ngỏ ý muốn cộng tác viết và gửi anh đăng bài.
Sau đó, lúc nào có thời gian tôi thử tập viết những mẩu tin để gửi cho tòa soạn, nhưng do chưa có kinh nghiệm và kiến thức về báo chí, rất nhiều tin bài của tôi không được đăng.
Tưởng chừng tôi sẽ bỏ cuộc và không tiếp tục thử viết báo nữa. Nhưng vào buổi chiều mưa tầm tã, Hà Nội nhiều con phố ngập ngang bánh xe, phương tiện đi lại khó khăn. Lúc này tôi nảy sinh ý tưởng đi viết bài, nghĩ thế nào tôi làm vậy, dù trời ngoài trờ mưa không ngớt nhưng một mình tôi vẫn cưỡi trên chiếc xe máy cùng chiếc điện thoại chụp bức ảnh đường phố ngập chìm trong nước.
Đi một vòng Hà Nội trong mưa, chụp hàng trăm bức ảnh trở về phòng cũng là lúc xóm trọ đã tắt đèn đi ngủ. Mắt tôi lúc đó cũng ríu vào nhau vì buồn ngủ, nhưng ý thức được báo chí cần thông tin nhanh, vì vậy tôi bắt tay ngay vào viết bài. Để tránh bị trả lại như những bài trước, tôi đã tham khảo những bài báo trên mạng về cách đặt vấn đề và trau chuốt câu từ cũng như nội dung kỹ càng hơn. Cặm cụi với con chữ chẳng để ý thời gian, khi bài được viết xong thì cũng là lúc đồng hồ điểm gần 3 giờ sáng. Đọc đi đọc lại nhiều lần mới dám gửi tới tòa soạn, lúc bấm nút gửi mail, cũng đã 3 rưỡi sáng.
Sáng hôm sau thức dậy, vào trang báo thì không thể ngờ bài của mình được đăng không những vậy còn được để ở đầu trang. Một cảm giác vui mừng khôn xiết khi bài của mình được đăng và cảm thấy hãnh diện vô cùng khi ở dưới bài ghi bút danh Tống Tân.
Dần dà, với sự cố gắng và được sự chỉ bảo của các anh chị đi trước số lượng tin bài tôi gửi về tòa soạn được đăng nhiều hơn, và đến giữa năm 2014 tôi chuyển hẳn sang viết báo.
Đến nay, sau hơn 4 năm trong nghề báo, bản thân tôi đúc kết ra rằng, điều quan trọng nhất với người làm báo chính là cái tâm. Tâm không vững thì lòng khó trong. Bên cạnh đó, cũng phải tự trang bị kiến thức, hiểu biết công nghệ và luôn biết mình đang làm gì để không bị sa ngã.
Phóng viên Hà Đức Mậu: Nhiều lần đối diện với hiểm nguy nhưng niềm đam mê không hề mai một
Là một người yêu thích nghề báo từ hồi học ở phổ thông, còn nhớ thời đó tôi thường sưu tầm các phóng sự điều tra của những nhà báo nổi tiếng và mơ ước sau này mình cũng muốn trở thành một nhà báo và có những tuyến bài điều tra như thế. Chính vì niềm đam mê đó mà tôi đã quyết tâm thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Quá trình ôn luyện đã biến ước mơ đỗ vào trường Báo của tôi thành hiện thực. Nhiều người chúc mừng, kèm theo những lời động viên cần cố gắng và can đảm vì theo nghiệp báo là đối diện với nguy hiểm thường trực.
Tốt nghiệp ra trường đi làm tôi mới biết không phải ngẫu nhiên nhiều người nói nghề báo là nghề thường phải đối diện với hiểm nguy. Đặc biệt dấn thân vào mảng điều tra, nỗi gian truân và nhọc nhằn dường như tăng gấp bội.
Sau hơn 3 năm chính thức dấn thân vào nghề báo, dù không phải là dài nhưng viết về mảng điều tra nên tôi đã gặp không ít những lời lẽ đe dọa, thậm chí bị “ăn đòn” của những thành phần đầu gấu, băm trợn.
Có lần trong khi đi thu thập thông tin để viết bài phản ánh liên quan đến vi phạm về môi trường tại một phường ở Hà Nội, bất ngờ bị 2 đối tượng với khuôn mặt băm trợn, xăm trổ đầy mình chặn xe và yêu cầu đưa cho chúng máy ảnh. Trong hoàn cảnh không có bóng người xung quanh, tôi biết rằng, nếu không đưa cho chúng thứ chúng cần thì mình sẽ bị một trận đòn nhừ tử. Nhưng nếu đưa cho chúng thì coi như mình thất bại trong tuyến bài điều tra này. Với quyết tâm không đưa máy ảnh cho chúng vì có rất nhiều hình ảnh “đắt” trong đó, ngay lập tức tôi bị 2 đối tượng giật máy ảnh và đấm đá vào người. Tưởng chừng khó thoát những cơn mưa trận đòn, rất may thời điểm đó có người đi qua khiến 2 đối tượng này không dám ra tay may động. Nhân cơ hội đó tôi đã nhanh chóng chạy thoát. Sau hôm đó là những loạt bài phóng sự điều tra được đồng nghiệp và bạn đọc đánh giá rất cao.
Bị dọa cắt gân khi viết bài bảo vệ người bị chiếm đất tại Phú Thọ cũng là ký ức không thể nào quên trong tôi. Những ngày cuối năm 2017, sau khi được phân công tôi đã viết bài phản ánh về một gia đình bị chiếm dụng đất. Sau khi đăng tải, tôi đã nhận được cuộc điện thoại lạ của một người đàn ông yêu cầu tôi phải xóa bài viết không thì đối tượng này sẽ cắt gân cùng với đó là những lời lẽ xúc phạm và đe dọa giết tôi.
Thoạt đầu cũng thấy lo sợ trước những lời đe dọa đó, nhưng khi báo cáo lại với Ban Biên tập và được ban biên tập bảo vệ bằng việc báo cáo sự việc tới Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ và sau một thời gian cơ quan này đã tìm ra đối tượng đe dọa buộc hắn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều những kỷ niệm mà tôi đã trải qua. Dù mới “chân ướt, chân ráo” bước chân vào nghề báo nhưng tôi cũng nghiệm ra phần nào… Đó là, để trở thành cây viết mảng điều tra được dư luận, độc giả ghi nhận đòi hỏi người cầm bút cần phải cố găng, nỗ lực sáng tạo, và đặc biệt là cần có lòng dũng cảm, không ngần ngại đối đầu với gian truân và thử thách. Độc giả thời đại công nghệ 4.0, càng đòi hỏi nhà báo, phóng viên phải có nhiều phẩm chất nhanh nhẹn hơn mới tạo ra những bài báo chất lượng, đáp ứng nhu cầu càng cao của độc giả.