Đi thực tế - nghĩ chuyện nghề!...

Xã hội - Ngày đăng : 15:48, 21/06/2018

(TN&MT) - “Ngày trước, đá quý ở Lục Yên nhiều lắm, nhưng dân mình không biết rõ giá trị. Bán đá quý như bán rau ngoài chợ. Mình còn nhớ, năm 1992, mình được tham gia Hội chợ đá quý ở hồ Tây, nơi hội tụ rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh đá quý trên cả nước. Hồi ấy, mình nhớ có ông người Nhật Bản, ông đi một vòng rồi dừng lại ở gian hàng đá quý của Lục Yên, trả 4 triệu đô, không mặc cả. Hồi ấy, bán đá theo lô, theo cân, chứ đâu có bán theo viên như bây giờ”…

Ông Hoàng Kim Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên (Yên Bái) say sưa kể với chúng tôi về những ngày xa xưa ấy, như một câu chuyện cổ tích của một thời mảnh đất heo hút vùng Tây Bắc còn được mệnh danh là “thủ thủ đá quý”… Chúng tôi, những phóng viên trẻ cũng bị cuốn theo những chuyện đã vào dĩ vãng, cách đây mấy chục năm…

ND14a
Trưởng Phòng TN&MT huyện Lục Yên - ông Phạm Trung Kiên (thứ ba từ trái sang) trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về tình hình khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn

1. Đây là lần đầu tiên hơn 30 phóng viên của Báo Tài nguyên và Môi trường được Chi hội Nhà báo tổ chức một chuyến đi thực tế tại Lục Yên - 1 trong 2 địa điểm vốn nổi tiếng về đá của cả nước (bên cạnh Quỳ Hợp - Nghệ An). Tạm xa chốn Hà thành phồn hoa, nhộn nhịp, chúng tôi thực hiện cuộc hành trình về với miền sơn cước xa xôi. Đường quanh co, uốn khúc, nhưng dễ đi. Mỗi chặng qua, bên khung cửa kính là những cảnh, những người dân ta vừa lạ, vừa quen lướt trong chớp mắt. Này là hoa xoan ở miền Bắc đã tàn mà vẫn rung rinh trong gió Tây Bắc đầu tháng 6 hanh hao. Này là thoai thoải những thửa ruộng thấp nối nhau, yên bình trong buổi mai với đôi nếp nhà còn lợp mái tranh úp xúp. Và những dòng sông, trong leo lẻo, mềm mại uốn mình như dải lụa của cô gái nào đánh rơi giữa bạt ngàn rừng núi xa xanh…

Mải mê với cảnh, rồi đến với đất Lục Yên lúc nào không hay. Mảnh đất vốn nổi danh với đá quý, cả người và đất, đều không mang dáng vẻ “kiêu kỳ” khi sở hữu nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, hiếm hoi. Giản dị, nồng hậu tiếp chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên chia sẻ: “Các nhà báo cứ dành thời gian để tham quan các gian hàng đá quý của Lục Yên. Nhờ đá mà đời sống của người dân khá lên nhiều, nhưng cũng còn không ít khó khăn”…

Đúng là nhiều người dân vẫn còn gặp khó khăn, bởi nơi đây, trời cho Lục Yên đá, nhưng đất cằn, khó phát triển sản xuất nông nghiệp. Công nghiệp khai thác, chế biến đá hoa trắng ở hơn 20 điểm mỏ cũng tạo việc làm cho người dân, nhưng chưa đủ để họ “làm giàu” bằng đá. Đá quý, có buôn bán, thuộc về số ít thương nhân.

2. Người dân nơi đây vẫn mong những ngày mưa, bởi khi mưa, có khi đá quý trôi xuống, may mắn thì họ nhặt được, có viên giá trị khiến họ được “đổi đời”. Đá được đem ra chợ bán. Chợ đá quý Lục Yên được hình thành từ những thập kỷ 90. Chợ họp cả tuần nhưng chỉ vài ba tiếng vào buổi sáng và đông vui nhất là vào ngày Chủ nhật. Cả chợ có khoảng 30 - 40 sạp hàng, người bán hàng đều là những phụ nữ. Những viên đá quý đủ màu sắc, đủ chủng loại được trưng bày trên những chiếc bàn nhỏ cỡ chừng 50 x 60cm, cao chừng 40cm, thêm một chiếc ghế nhựa vuông thấp cho người bán ngồi nữa là đã thành một sạp bán hàng di động. Có thứ đã qua chế tác, có thứ còn để thô nguyên gốc. Đá quý được thu gom của những người đi núi về, có thời gian, chế tác thành mặt đá cho nhẫn, dây chuyền, hoa tai… Có những thứ để làm nguyên liệu cho làm tranh đá quý. Bền bỉ đã qua mấy chục năm, chợ đá quý Lục Yên đã trở thành “đặc sản” của vùng đất này.

Ngoài đá quý, Lục Yên còn phát triển mạnh về công nghiệp khai thác và chế biến đá hoa trắng. Đoàn chúng tôi được tận mắt chứng kiến những phiến đá trắng phau được cắt vuông vức, gọn gàng, thành những miếng, những lát mịn màng để xuất khẩu ra các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu…Thế mới biết, giá trị lớn của tài nguyên mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho đất núi.

YB 1

3. Chia tay nơi đâu đâu cũng thấy đá lởm chởm dựng lên, chúng tôi đến với cảnh sắc Thác Bà. Với diện tích 240 km2, trải dài 80 km, Thác Bà được công nhận là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam.

Chuyện kể rằng, trước khi đắp đập làm hồ, ở đây từng tồn tại hai thác nước liên hoàn với dòng nước đổ mạnh và chảy xiết, được người dân địa phương gọi là “thác Ông” - “thác Bà”. Sau này khi hoàn thành năm 1971, để lưu danh hai thác đã bị vùi lấp, người ta đặt tên hồ là Thác Bà và Thác Ông được đặt cho tên một cây cầu gần đó.

Hồ có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ. Trên các đảo ấy là bạt ngàn cây phủ bóng. Đi thuyền lướt trên mặt hồ phẳng lặng như gương, chúng tôi mới cảm nhận rõ độ trong, sạch của làn nước được bảo vệ tốt đến mức nào.

Chia sẻ với chúng tôi về công tác quản lý nguồn nước ở hồ Thác Bà, chị Phạm Thu Hằng - Trưởng Phòng Quản lý Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở TN&MT Yên Bái) không giấu nổi niềm tự hào:

“Nguồn nước ở đây được cung cấp tới nhiều địa phương, theo quan trắc thường xuyên, chất lượng nước luôn đảm bảo tiêu chuẩn hạng A của Bộ TN&MT. Hiện nay, hồ Thác Bà đang được khai thác, sử dụng đa mục tiêu. Ngoài Công ty Cổ phần thủy điện Thác Bà đang vận hành Nhà máy thủy điện Thác Bà khai thác, sử dụng nước với mục đích chính là đảm bảo an toàn công trình, đảm bảo an toàn chống lũ cho hạ du trong mùa lũ; đảm bảo an toàn dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du và phát điện còn có nhiều tổ chức, cá nhân khác đang khai thác mặt nước để phục vụ cho các mục đích khác nhau như: Khai thác nước phục vụ sản xuất công nghiệp, cấp nước sinh hoạt; sử dụng mặt nước để nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, giao thông thủy, phát triển du lịch và các hoạt động mưu sinh khác...

Hăng hái dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà, chị Hằng giải thích để chúng tôi bớt đi quan ngại ảnh hưởng tới môi trường: “Khả năng tự làm sạch của hồ rất tốt. Hơn nữa, với số lượng nhỏ lồng bè cá nuôi thí điểm này thì chất lượng nước vẫn rất tốt, an toàn cho đời sống dân sinh”.

Và để minh chứng cho điều này, chị trực tiếp dẫn chúng tôi đi tham quan Trung tâm Nghiên cứu môi trường - Trạm Môi trường hồ chứa Thác Bà, thuộc Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đầu tư xây dựng. Hàng tháng, các quan trắc viên lại lấy mẫu nước ở hồ để xét nghiệm, kiểm tra các thông số cụ thể.

4.  Tạm biệt Yên Bái trong trong chiều dần nhạt nắng, trong sự bịn rịn, thân tình, chuyến công tác thực tế dành cho những phóng viên trẻ đã giúp chúng tôi hiểu hơn về công tác khai thác, bảo vệ tài nguyên ở một địa phương miền núi. Mắt thấy, tai nghe, cảnh thật, người thật, việc thật - sẽ giúp những nhà báo luôn có ý thức tôn trọng sự thật và chân thật với nghề, với người và với đời. Sẽ còn đi nhiều nơi, sẽ còn bao câu chuyện kể, sẽ còn nhiều vấn đề cần tìm tòi, trăn trở, nghĩ suy... chỉ cần giữ được “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, tôi tin: Nhà báo ắt sẽ thành công khi được nhìn nhận đúng như vai trò mà xã hội luôn chờ đợi ở mình: Luôn hành xử có trách nhiệm với nhân dân, đất nước.