Rác thải và sự "hy sinh"
Xã hội - Ngày đăng : 18:34, 21/06/2018
Một đất nước thật đẹp, sạch vô cùng và Hàn Quốc đang cho khách đến thăm quốc gia của họ chứng kiến việc quản lý, xử lý rác thải như một phần văn hóa trong thời đại công nghiệp này. Tôi để ý đến một khẩu hiệu tuyên truyền mà người thầy Hàn Quốc, Giáo sư Oh Gil Jong - Viện Môi trường quốc gia Hàn Quốc nói rằng, trong chiến dịch truyền thông tới người dân về công tác xử lý rác thải, người Hàn Quốc có câu: Thức ăn thừa trong khay tỷ lệ với nhân cách của bạn. Điều này đánh vào lòng tự trọng của mỗi con người khi bạn bỏ quá thừa quá nhiều thức ăn bao nhiêu, ý thức của bạn tồi bấy nhiêu.
Người Hàn Quốc có nhiều món ăn và trong bữa ăn, đồ ăn được gọi ra nhiều, nhưng thức ăn trong khay được mang ra rất ít, chỉ để ăn vừa đủ. Không bao giờ thừa. Và họ coi đây như một văn hóa của mình.
Câu chuyện đó để thấy rằng, ý thức trong vấn đề để lại thức ăn thừa sẽ tạo ra một nguồn rác khổng lồ và sẽ phải kéo theo rất nhiều công đoạn xử lý số rác đang tồn đọng kia. Người Hàn Quốc đã thành công trong công tác tuyên truyền của mình và hình thành được ý thức của người dân. Giống như Việt Nam, sau những công tác tuyên truyền và các chính sách, giờ đi ra đường không có mũ bảo hiểm đó như là một người lạc lõng với xã hội văn minh.
Ai sẽ là người dọn rác?
Câu trả lời mang tính hành chính đơn giản là lực lượng vệ sinh môi trường nhưng không thể có lực lượng vệ sinh môi trường nào có thể bao phủ hết mọi ngả đường, con phố trên khắp đất nước Việt Nam. Sẽ luôn cần có những người dân tố giác những cơ sở, cá nhân đổ, xả rác trộm; sẽ luôn cần có những tập thể cùng nhau xây dựng môi trường cộng đồng xung quanh luôn xanh, sạch, đẹp và làm gương cho mỗi cá nhân ý thức được việc bảo vệ môi trường sống. Chỉ có chính cư dân mới là những người bảo vệ môi trường và ngăn chặn xả rác.
Hạn chế xả rác, phải biết "hy sinh"?
"Anh là nhà báo, anh tham gia công tác bảo vệ môi trường thế nào, như trong buổi hôm nay"? Chàng trai tên Sơn bất ngờ hỏi tôi khi mấy anh em đi thăm quan tháp Bánh Ít - một cụm các tháp cổ Chăm Pa, hiện nay, nằm trên một ngọn đồi tại thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Tôi hiểu từ "trong buổi hôm nay" mà Sơn đang hỏi, đó không phải nhằm vào vấn đề một phóng viên, viết bài tuyên truyền trong các công tác truyền thông, mà là từ hành động thực tiễn. Sơn cười lắc đầu khi thấy tôi đưa cho xem túi nilon dùng để đựng những vỏ chai nước, vỏ bánh kẹo trong chuyến thăm quan khu di tích nổi tiếng.
"Anh đúng nhưng chưa đủ. Anh đựng rác và bỏ vào đúng nơi nhưng anh vẫn sử dụng túi nilon, anh vẫn chưa biết "hy sinh" những thói quen hàng ngày", Sơn hài hước nói với tôi, rồi cậu khoe tôi chiếc túi cói rất đẹp và nói rằng đó là "chiếc túi thần kỳ của Doremon", trong đó, Sơn chứa những thứ cần thiết trong một chuyến đi picnic và cả rác thải nhựa. Tôi chợt nhận ra rằng từ "hy sinh" mà Sơn dùng thật đắt và ngẫm lại rằng điều đó hoàn toàn hợp lý.
Chúng ta kêu gọi hạn chế sử dụng túi nilon, hạn chế xả rác thải nhựa, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn sử dụng và điều này có thể thay đổi được nhưng lại chưa biết "hy sinh" hoặc thay đổi thói quen. Và một phượt thủ, một sinh viên mới ra trường như Sơn lại ý thức được. "Nhóm chúng em đang bảo nhau thay đổi dần" thói quen, đó là câu nói mà đáng để nhiều người phải học theo.
Ý thức được tạo dựng từ những hành vi nhỏ. Và hành xử của cả một xã hội cũng có thể thay đổi từ thói quen của mỗi người.
Gắn vài tấm biển cảnh báo "Vứt rác bừa bãi - Ô nhiễm môi trường - Hủy diệt cuộc sống con người", chắc chắn không bảo vệ được môi trường, khi chúng ta chưa biết “hy sinh” những thói quen.