Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng mùa nắng nóng

Xã hội - Ngày đăng : 10:33, 07/06/2018

Để ứng phó với nguy cơ xảy ra cháy rừng do thời tiết nắng nóng gia tăng, nhiều địa phương có rừng trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Huyện Ba Vì là địa phương có diện tích rừng, đất lâm nghiệp nhiều nhất TP với 9.867 ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, ngay từ đầu năm 2018, huyện yêu cầu 13 xã có rừng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật bảo vệ rừng, PCCCR cho người dân. Đồng thời, thường xuyên thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng đến từng thôn, cụm dân cư và đơn vị bảo vệ rừng. Kiểm tra toàn bộ máy móc, trang thiết bị PCCCR để có kế hoạch duy tu bảo dưỡng.

Tương tự, huyện Sóc Sơn đã xây dựng phương án, tổ chức lực lượng, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác PCCCR với phương châm “phòng cháy rừng là chính và chữa cháy rừng phải khẩn trương, kịp thời, triệt để, an toàn”. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh, hiện hầu hết các vụ cháy rừng chưa được điều tra kỹ, chưa thể hiện được tính nghiêm minh và răn đe của pháp luật. Do đó, các cơ quan chức năng cần tích cực phối hợp, điều tra nguyên nhân gây cháy rừng, làm rõ đối tượng liên quan và gắn trách nhiệm cụ thể cho chủ rừng để áp dụng chế tài phù hợp, đủ sức răn đe với đối tượng vi phạm.     

PCCC
 Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại thị xã Sơn Tây.

Hiện nay, toàn TP có hơn 27.726 ha rừng và đất lâm nghiệp. Rừng gắn liền với các công trình văn hóa lịch sử có lễ hội và tâm linh. Nhiều khu rừng xen kẽ dân cư cũng là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây cháy. Do vậy, lực lượng kiểm lâm luôn chủ động phối hợp tích cực với chính quyền địa phương, công an, quân đội tổ chức kiểm tra, đánh giá vật tư, trang thiết bị, con người nhằm sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp.         

Để phòng cháy rừng hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho rằng, ngoài việc phát hiện sớm lửa rừng và xử lý kịp thời, tại chỗ thì việc tăng cường trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật phục vụ PCCCR cần được chuyên nghiệp hóa. Hà Nội nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong chữa cháy rừng như ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ lâm sinh. Mặt khác, cùng với tạo sinh kế, phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp giúp người dân tăng thu nhập, vấn đề nâng cao nhận thức trong cộng đồng cũng cần được quan tâm. Bên cạnh đó, TP cần đẩy mạnh việc giao rừng gắn với quyền sở hữu để người dân tăng cường trách nhiệm trong bảo vệ rừng.