Xử lý nước thải tại đô thị Đà Nẵng: Cần tầm nhìn dài hạn
Xã hội - Ngày đăng : 11:50, 04/05/2018
(TN&MT) - TP. Đà Nẵng đang phải đối đầu với nhiều thách thức môi trường, trong đó vấn đề nhức nhối nhất là việc xử lí nước thải đô thị. Hệ thống xử lý nước thải...
(TN&MT) - TP. Đà Nẵng đang phải đối đầu với nhiều thách thức môi trường, trong đó vấn đề nhức nhối nhất là việc xử lí nước thải đô thị. Hệ thống xử lý nước thải xuống cấp trong khi tốc độ đô thị hóa quá nhanh dẫn đến tình trạng nước thải bị xả trực tiếp ra hệ thống kênh mương, sông, biển gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, cảnh quan môi trường sống và sự phát triển bền vững của thành phố.
Dai dẳng các “điểm nóng” ô nhiễm
Nhiều năm nay, người dân phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng phải sống chung với tình trạng hôi thối nồng nặc bốc lên từ kênh Phần Lăng. Dưới dòng kênh, nước đen ngòm, nhiều rác và mùi hôi nồng nặc. Đặc biệt, tại hạ nguồn kênh Phần Lăng (đoạn từ đường Hồ Tương đến cầu vượt ngã ba Huế), dòng nước đen như mực. Bà Ngô Thị Tươi, tổ 90, phường An Khê cho biết: Tình trạng này đã kéo dài hơn 11 năm nay. Ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân. “Ngày nào mùi hôi cũng bốc lên nồng nặc không ai chịu được Mới đây cá chết nhiều, kèm với rác tấp thành đống. Đặc biệt, muỗi ruồi lúc nào cũng nhiều nên dân ở đây ai cũng lo sợ bệnh tật, nhất là bệnh sốt xuất huyết”- bà Tươi bức xúc.
Tại nhiều tuyến kênh của thành phố Đà Nẵng như: kênh Yên Thế - Bắc Sơn, Đa Cô, Khe Cạn… cũng đang ô nhiễm nghiêm trọng do chưa có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa theo quy định.
Đáng kể nhất là tuyến kênh Phú Lộc đi qua địa bàn phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê. Đây là một điểm nóng ô nhiễm kéo dài khiến người dân bức xúc, nhất là mỗi khi tình trạng cá chết trắng kênh xảy ra vào mùa hè.
Ông Mai Mã- Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang tiếp nhận và quản lý hơn 19 kênh mương dẫn nước thải trên toàn địa bàn thành phố với tổng chiều dài gần 17 km. Nhưng hiện nay chỉ có 3 tuyến kênh được thành phố đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải; còn lại hầu hết các tuyến kênh còn lại đều đang trong tình trạng ô nhiễm do nước thải không được thu gom và xử lý riêng.
Được đưa vào sử dụng từ năm 2000, đến nay hệ thống xử lý nước thải của thành phố Đà Nẵng đã trên 15 năm hoạt động. Với tốc độ phát triển đô thị rất nhanh, hệ thống xử lý nước thải thành phố lúc này đã trở nên quá tải, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ứ đọng hay nước thải bị xả trực tiếp ra hệ thống kênh mương, sông, biển của thành phố, gây ô nhiễm môi trường. Hiện tượng các bãi biển đen ngòm do hệ thống cống xả quá tải khiến nước thải tuồn ra biển xảy ra liên tục trong thời gian qua đang khiến biển Đà Nẵng đang mất dần thương hiệu là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh.
Cuộc “đuổi bắt” không có hồi kết
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực đô thị trên địa bàn thành phố gần 900.000 m3/ngày đêm. Tổng công suất thiết kế của các trạm xử lý nước thải đô thị đang vận hành mới khoảng 284.300 m3/ngày đêm (tương đương khoảng 31,58% khối lượng nước thải được xử lý), phần còn lại gần như không được xử lý, xả vào hệ thống thoát nước chung, sông, mương thoát nước, các ao hồ của thành phố.
Trước áp lực xả thải, Đà Nẵng đã nhiều lần nâng công suất các trạm xử lý nước thải nhưng vẫn không theo kịp thực tế như cuộc đuổi bắt không có hồi kết. Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng thừa nhận, tốc độ xả thải của Đà Nẵng phát triển cùng tốc độ phát triển đô thị, rất nhanh, nhanh hơn rất nhiều so với các dự báo.
“Đà Nẵng đang gặp rắc rối về môi trường, vấn đề xử lý nước thải. Hiện nay khu vực bãi biển của chúng ta hết sức đau đầu. Khi có những cơn mưa dù nhỏ thì khu vực ven biển rất hôi. Hệ thống thu gom và xử lý đang quá tải. Chúng ta không thể chậm hơn được nên nhà thầu cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành nhà máy xử lý nước thải cũng như hệ thống thu gom”- ông Thơ nói.
Trước nhu cầu bức thiết xử lý nước thải, đầu năm 2018 thành phố tiếp tục triển khai thi công giai đoạn 2 dự án nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Hòa Xuân lên 40.000 m3/ngày đêm giải quyết nhu cầu cho một phần của khu vực Hòa Vang, Trạm Xử lý nước thải Hòa Cường, cũng như một phần của Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2 sẽ nghiên cứu nâng công suất Trạm Hòa Xuân thêm 60.000 m3/ngày đêm, để có tổng công suất Trạm đạt 120.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, thành phố cũng có chủ trương nâng công suất cho Trạm xử lý nước thải Phú Lộc lên 105.000 m3/ngày đêm; xây dựng cống thu gom nước thải trên đường Phạm Văn Xảo cũng được dự kiến sẽ khởi công trong khoảng thời gian tới. Trong quý II/2018, Dự án Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng với hạng mục tách riêng nước mưa, nước thải tại khu vực Mỹ An - Mỹ Khê có kinh phí 35 triệu USD sẽ được khởi công nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm tại các cửa xả ven biển. Ngoài ra, thành phố cũng đầu tư 146 tỷ đồng để xây dựng 4 km cống đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải tại khu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến đường Huyền Trân Công Chúa.
Hàng loạt các dự án nâng cấp trạm xử lý nước thải hiện có cùng với giải pháp thu gom nước thải ven biển được ngân sách thành phố tự bỏ tiền ra đầu tư với kỳ vọng khép lại vấn đề ô nhiễm môi trường sống cũng như môi trường ven biển ở Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, hướng đến hoàn thành mục tiêu “Thành phố Môi trường” vào năm 2020. Thế nhưng, liệu rằng sau khi nâng cấp thì năng lực xử lý nước thải sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tế trong bao lâu, hay chỉ vài tạm ba năm rồi cũng bị quá tải? Để giải bài toán nước thải của Đà Nẵng nói riêng và các đô thị nói chung, nhất thiết cần có sự đánh giá, dự báo chính xác về quy mô phát triển đô thị chứ không chỉ là những nhà máy, hay trạm xử lý.