Chi trả tiền hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm sau thu hồi đất ở Hoài Đức (Hà Nội): Thiếu công bằng

Xã hội - Ngày đăng : 17:58, 21/03/2018

(TN&MT) - Cùng một thời điểm kê khai, kiểm đếm đất để thu hồi phục vụ Dự án làm đường giao thông, song, tại hai đợt trả tiền hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm...
(TN&MT) - Cùng một thời điểm kê khai, kiểm đếm đất để thu hồi phục vụ Dự án làm đường giao thông, song, tại hai đợt trả tiền hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm trong năm 2017, lại xuất hiện mức chênh lệch gây bức xúc. Đó là câu chuyện diễn ra tại thôn Hậu Ái và Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội).
tnmt Chi trả tiền hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm sau thu hồi đất ở Hoài Đức Hà Nội Thiếu công bằng
Bà Nguyễn Thị Vóc, thôn Kim Hoàng bên phần đất đã bị thu hồi nhưng nhận đền bù chênh lệch
Chênh lệch
 
Thực hiện theo chủ trương của TP. Hà Nội về xây dựng con đường 3.5, rộng 60m, kéo dài từ Yên Nghĩa tới đường 32, cuối năm 2016, huyện Hoài Đức đã tổ chức giải phóng mặt bằng thu hồi đất nhằm thực hiện Dự án. Trong đó, có Vân Canh, thôn Hậu Ái bị thu hồi 700m dài và Kim Hoàng là 300m dài với tổng diện tích gần 7ha.
 
Theo nhiều hộ dân, dự án này đã tiến hành khởi công khi chưa giải quyết các kiến nghị của người dân nhất là trong việc họ chấp hành các chủ trương, quyết định của Nhà nước thì lại bị thiệt thòi. Đầu năm 2017, khi nhận tiền đợt một, nhiều hộ tại 2 thôn nhận tiền hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm theo Khoản 1, Điều 22, Quyết định số 23 ngày 20/6/2014 của UBND TP. Hà Nội với mức giá 3,5 x giá 1m2 đất. Tuy vậy, đến ngày 29/3/2017, UBND thành phố lại ban hành quyết định số 10 với mức hỗ trợ này lại nâng giá là 5 x giá 1m2 đất, đã khiến những hộ nhận tiền đợt hai, ngay sau mấy tháng lại được hưởng 5 lần?
 
Là một trong các hộ dân có đất bị thu hồi, ông Nguyễn Khắc Dậu, người dân thôn Hậu Ái cho biết, gia đình ông có 155m2 đất nông nghiệp, khi chính quyền thu hồi đất để làm dự án, gia đình chúng tôi đã đồng thuận và chấp hành. Song, ở cùng một kê khai, kiểm đếm trong cùng một thời gian, nhưng khi chấp hành chủ trương, số tiền nhận tiền hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm lại thấp hơn những người nhận tiền sau là không hợp lý.
 
Cùng hoàn cảnh với ông Dậu, bà Nguyễn Thị Vóc, thôn Kim Hoàng cho biết, gia đình bà có hơn 400m2 đất nông nghiệp bị thu hồi và được tiền hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm x 3,5 lần, thấp hơn những người nhận tiền đợt sau là không công bằng. “Chúng tôi biết làm đường để phục vụ lợi ích quốc gia nên hoàn toàn đồng thuận, nhưng không thể chấp nhận việc không công bằng khi nhận tiền hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm” - bà Vóc bức xúc nói.
 
Bên cạnh việc, chênh lệch trong việc chi trả tiền hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm, nhiều người dân ở thôn Hậu Ái cũng lo ngại, con đường 3.5 sẽ lấp hết kênh T25 đoạn qua thôn Hậu Ái sẽ làm mất nước sản xuất nông nghiệp và thoát nước mưa, nước thải. Bởi đến nay, họ vẫn chưa thấy phương án nào của chính quyền đảm bảo việc cung cấp nước tưới cho hoa màu cũng nhưng phương án tiêu thoát nước mưa, thải.
 
Điều đáng nói, hiện nay, khi kênh T25 có mưa lớn, 1/2 thôn Hâu Ái bị ngập từ 30 - 80 cm nước. Vậy, khi kênh T25 bị lấp đi để thực hiện dự án, nước phục vụ sản xuất, hệ thống thoát nước khi mưa của các thôn, xã sẽ ra sao? Chính quyền chỉ thu hồi 60m mặt để làm đường, lấy đâu ra đất để làm kênh tạm thời?
 
Bức xúc trước các vấn đề nêu trên, nhiều hộ dân hai thôn đã có đơn kêu cứu tới UBND TP. Hà Nội và huyện Hoài Đức. Đến ngày 23/10/2017, Ban Tiếp công dân huyện Hoài Đức đã có Công văn gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đề nghị kiểm tra, tham mưu UBND huyện giải quyết theo quy định; ngày 14/12/2017, Ban Tiếp công dân thành phố đã có Văn bản gửi Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, đến nay, người dân vẫn chưa được phản hồi bằng văn bản của các cơ quan chức năng.
 
Đợi thành phố trả lời
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Chủ tich UBND xã Vân Canh cho biết, đường 3.5 có chủ trương thực hiện từ thời tỉnh Hà Tây (cũ) là đường Lê Trọng Tấn kéo dài. Dự án qua địa bàn xã có 4 đoạn và đã thực hiện thu hồi 2 đoạn tại thôn Hậu Ái và Kim Hoàng mới thực hiện năm 2017.
 
Phản ánh của người dân về việc chênh lệch khi chi trả tiền hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm của 2 đợt, ông Minh cho hay, đợt 1 đã có 203 hộ ở 2 thôn nhận tiền hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm với mức giá 3,5 lần x 1m2 đất, đợt 2 là 56 hộ nhận với mức giá 5 lần. Sau đó, nhiều người dân đã có nhiều phản ánh và UBND xã đã trả lời: Việc đợt 2 được trả cao hơn đợt một là căn cứ theo quyết định 10 của thành phố Hà Nội, tức là sau ngày 8/4/2017, mức đền bù này là 5 lần, nhưng nhiều hộ dân không đồng tình và tiếp tục có đơn lên cấp huyện và cấp thành phố.
 
“Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị lãnh đạo UBND huyện báo cáo thành phố kiến nghị xin cơ chế đặc thù về vấn đề này. Cụ thể là kiến nghị bổ sung tiền hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm cho các hộ nhận tiền đợt 1 cho bằng đợt 2” - ông Minh nói.
 
Liên quan tới việc thi công con đường lấp kênh T25, ông Minh cho rằng, kênh này đang phục vụ tưới tiêu cho khoảng 28 ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã. Đồng thời là kênh thoát nước không chỉ riêng xã mà còn một số xã lân cận ra kênh T2 để ra sông Nhuệ. Do đó, việc lấp kênh có ảnh hưởng lớn tới nhiều hộ dân chứ không chỉ riêng thôn Hậu Ái, xã đã có cáo về huyện về vấn đề này và đang đợi trả lời.
 
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!