Người “dệt” ước mơ bằng những mắt lưới
Xã hội - Ngày đăng : 13:36, 22/01/2018
(TN&MT) - “Đời mình đã đói khổ rồi thì không thể để cho các con phải khổ như mình nên cố gắng cho các con đi học bằng được thôi!” - Đó là lời tâm sự của người...
(TN&MT) - “Đời mình đã đói khổ rồi thì không thể để cho các con phải khổ như mình nên cố gắng cho các con đi học bằng được thôi!” - Đó là lời tâm sự của người phụ nữ dân tộc Thái, chị Lương Thị Thanh ở bản Tóong 1, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
Khốn khó đè nặng đôi vai
Ngôi nhà tranh nhỏ nhắn nằm dưới chân núi Pu Căng - ngọn núi quanh năm che chắn cho những người con dân bản Tóong 1. Tiếp phóng viên trong ngôi nhà nhỏ ấy là người phụ nữ người dân tộc Thái độ gần 50 tuổi. Nghỉ tay làm mâm cơm đón Tết độc dương lịch, chị Thanh cởi mở, đón khách bằng những nụ cười đôn hậu, vui vẻ, cạnh chị là người chồng mới ngoài 50 nhưng lưng anh đã còng xuống, đi lại rất khó khăn.
Trong hương vị thoang thoảng của chè xanh mới om sáng sớm, ánh mắt xa xăm nhìn về đỉnh Pu Căng, chị Thanh hồi tưởng về những ngày tháng vất vả đã qua. Sinh ra ở xã vùng cao Diên Lãm, huyện Quỳ Châu, 19 tuổi, chị lập gia đình cùng với anh Lương Văn Chanh ở bản Tóong 1, xã Châu Phong. Anh Chanh là người thông minh nhưng sức khỏe kém do thời học phổ thông anh bị tai nạn xe đạp khi xuống dốc sau kỳ thi học sinh giỏi huyện. Sau vụ tai nạn đó, anh Chanh buộc phải nghỉ học bỏ lại sau lưng hoài bão dang dở học cao hơn để về góp sức xây dựng quê hương, bản làng. Nhà nghèo nên hai người con bản làng ở hai xã sát nhau đã tạo lập cuộc sống gia đình chỉ bằng tình yêu thương. “Biết anh Chanh sức khỏe kém, nhưng vì yêu mến anh, thấy anh là người thông minh, học giỏi, rồi tin chắc con mình sau nó cũng học theo gen của bố nên lấy làm chồng” - chị Thanh vui vẻ tâm sự.
Gia cảnh thanh bần càng ấm áp hơn khi đứa con gái đầu lòng Lương Thị Hậu chào đời. Rồi những năm sau, lần lượt đứa con thứ hai và thứ ba được sinh ra. Những niềm vui cứ thế được nhân lên nhưng đổi lại áp lực kinh tế, nuôi các con khôn lớn, ăn học đè lên đôi vai của vợ chồng chị Thanh. Sức khỏe yếu, không có nghề phụ trong tay, anh Lương Văn Chanh cảm thấy mình có lỗi với vợ con. Năm 1992, anh trốn vợ con đi theo một số người cùng bản xuống xã Châu Bình đào tìm đá đỏ. Không tiền, sức khỏe kém so với những người cùng thôn, hành trang anh mang theo là ý chí đổi thay cuộc sống của gia đình yêu dấu nếu trời rủ lòng thương. Họa vộ đơn chí, trong một lần say sưa đào đất tìm hồng ngọc, anh bị một chiếc xà beng rơi đúng xương sống. Cú rơi không làm gãy lưng nhưng đánh sập hẳn chút sức khỏe còn lại trong anh, “gãy” luôn giấc mơ đổi đời cho những người trong gia đình. Sau tai nạn này, sức khỏe của chồng chị Thanh suy yếu dần, cái lưng của anh gù hẳn, người anh còng xuống, mắt cũng dần mờ đi, mọi công việc nặng nhọc gia đình chất dần lên đôi vai người phụ nữ khốn khổ này.
Dường như bất hạnh chưa buông tha gia đình nhỏ dưới đỉnh Pu Căng. Năm 2009, trận lũ quét lịch sử đã gây nhiều thiệt hai cho một số xã ở huyện Quỳ Châu. 3 sào ruộng ở gần suối, nguồn cung cấp lương thực duy nhất của gia đình bị đá, cát bồi lấp dày cả mét không thể canh tác được. Cả cánh đồng xen kẽ rộng nhiều ha của xã Châu Phong bỗng chốc biến thành… sa mạc. “Ruộng không còn, không thể chặt phá rừng làm rẫy như trước, chồng đau yếu, các con đã tuổi ăn tuổi học lấy gì nuôi nhau đây?”- chị Thanh tự hỏi. Trong cơn bĩ cực, chị Lương Thị Thanh chợt nghĩ hồi còn nhỏ, chị vẫn thường hay phụ giúp bố mẹ đan lưới bắt cá. Ý tưởng mới hình thành, đan lưới đánh cá để bán lấy tiền mua gạo. Từ đó, những tấm lưới đầu tiên hoàn thành đã được người trong bản mua, góp phần giải quyết một phần khó khăn về cái ăn cho gia đình. Vừa đan lưới, vừa bày nghề cho chồng và các con, dần dần gia đình chị trở thành “tổ hợp” thủ công chuyên đan lưới.
Khó khăn nối tiếp khó khăn, các con gái của chị được đi học ở trường huyện, “tổ hợp” đan lưới của gia đình chị chỉ còn hai vợ chồng là những tay đan chủ lực. Vừa nuôi sống gia đình, vừa nuôi các con học ở trường huyện. Năm 2008, con gái đầu của anh chị vào học Đại học Y khoa Huế, 4 năm sau, con gái thứ 2 đậu vào trường Đại học Sư phạm Huế. Niềm vui khôn tả cho gia đình nhưng cũng trở thành nỗi lo dai dẳng. Hai con học đại học, đứa con trai út cũng vào học ở trường xã, chồng đau yếu thường xuyên đi viện, lại phải chi phí thuốc thang. Gánh nặng gia đình càng chất đầy lên đôi vai gầy của chị Lương Thị Thanh. Những đường chỉ, mũi kim ngày càng thoăn thoắt, ánh sáng đèn dầu trong ngôi nhà nhỏ dưới núi Pu Căng càng thức thâu đêm nhiều hơn, những tay lưới đánh cá liên tiếp được hoàn thành để bán cho khách hàng trong và ngoài xã. Anh Chanh tranh thủ những lúc không bị trái gió trở trời cũng hăng hái phụ giúp vợ, cậu còn trai út ngoài giờ đi học cũng tranh thủ đưa lưới đi đến nhà giao cho khách. Cuộc sống của anh chị là chuỗi ngày ngoài vật lộn với cái ăn, cái mặc còn phải dành những đồng tiền mồ hôi, nước mắt gửi cho hai con học đại học.
Trầm ngâm một lát, khóe mắt ứa nước, chị Thanh cho chia sẻ: “Có thời điểm, anh Chanh đi viện, nhà không chỉ còn mỗi đứa út, túng thiếu đủ bề phải bán cả trâu để trang trải cuộc sống và để các con ăn học”.
Qua cơn bĩ cực rồi đến hồi thái lai
Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai, các con gái của anh chị đã tốt nghiệp ra trường, xa bản làng con gái đầu hiện là bác sỹ răng - hàm - mặt công tác tại ngành y tế tỉnh Quảng Nam. Con gái thứ hai tốt nghiệp Đại học sư phạm Huế hiện đang là giáo viên ở thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu. Cậu con trai út hiện đang học ở trường làng nhưng theo chân các chị luôn là học sinh giỏi nhiều năm liền.
Chỉ vào những tấm ảnh và bảng thành tích học tập của các con, ánh mắt của người phụ nữ đan lưới ánh lên niềm tự hào. Chị chia sẻ, giờ các con gái đã học hành có việc làm ổn định, chỉ còn đứa út cũng phải cho ăn học để thoát nghèo. Anh Chanh sức khỏe đã dần suy giảm nhưng đổi lại là niềm vui được nhân lên bởi các con và người vợ tảo tần.
Rời ngôi nhà tranh nhỏ dưới đỉnh Pu Căng, ấn tượng để lại nhiều nhất cho phóng viên là hình ảnh người phụ nữ dân tộc Thái đầy tình yêu thương và nghị lực sống. Chị Lương Thị Thanh không chỉ là người xây tổ ấm mà còn là người vợ, người mẹ chắp cánh cho các thành viên trong gia đình động lực để vươn lên.
“Tôi gặp hết vận đen này đến vận xui khác, sức khỏe ngày một suy kiệt. Thế nhưng, đổi lại tôi may mắn có được người vợ tảo tần, đảm đang; có được 3 đứa con thông minh, học giỏi và có nghị lực. Nay, hai con gái lớn đã có việc làm ổn định, yên bề gia thất nên tinh thần của tôi cũng phấn chấn, vui vẻ hơn hẳn. Giờ chỉ mong sao “chân cứng đá mềm” giữ được chút sức lực còn lại để cùng vợ nuôi thằng út ăn học đến nơi đến chốn là coi như hoàn thành tâm nguyện bấy lâu nay…” - Anh Chanh tâm sự.
Ở xã nghèo Châu Phong không ai nghĩ vợ chồng anh Chanh, chị Thanh lại có thể vượt qua những tai ương, bất hạnh của số phận, vượt lên khốn khó để có được ngày hôm nay. Ý chí và nghị lực vượt lên số phận của đôi vợ chồng nghèo khó dưới chân đỉnh Pu Căng giờ đây là tấm gương sáng, là động lực để nhiều số phận cùng cảnh ngộ noi theo với ước mơ “vượt lên chính mình”, có cuộc sống và tương lai tươi sáng hơn!