Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhận Huân chương độc lập hạng Ba

Xã hội - Ngày đăng : 15:03, 18/01/2018

(TN&MT )- Với nhiều kết quả tích cực trong năm 2017 vừa qua như vượt ngân sách, thực hiện nhiều dự án bảo tồn tu bổ di tích quan trọng, hoạt động dịch vụ du...
(TN&MT) - Với nhiều kết quả tích cực trong năm 2017 vừa qua như vượt ngân sách, thực hiện nhiều dự án bảo tồn tu bổ di tích quan trọng, hoạt động dịch vụ du lịch có những đột phá mới... Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương độc lập hạng Ba...

Ngày 18/11, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đơn vị vừa vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương độc lập hạng Ba nhân Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018.

Trong năm 2017, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đón hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan khu Di sản Huế. Doanh thu từ vé tham quan đạt 317.331.841.000 đồng, vượt 22% kế hoạch được giao.
1-Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhận Huân chương độc lập hạng Ba
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đón nhận Huân chương độc lập hạng Ba
Nếu kể cả doanh thu từ vé của chương trình Đại Nội Về Đêm (đã tạm dừng do thời tiết) là 3.113.433.000 đồng, tổng doanh thu năm 2017 đạt hơn 320 tỷ đồng. Với con số trên, doanh thu từ vé tham quan khu Di sản Huế đã tăng gấp 4 lần so với năm 2011 (80 tỷ đồng).

Đặc biệt trong năm vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chào đón Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko thăm Hoàng Cung Huế và xem biểu diễn Nhã nhạc cung đình.

Ngoài ra, hoạt động bảo tồn, trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích là một trong những nhiệm vụ trọng điểm được ưu tiên quan tâm. Thừa Thiên Huế đang là địa phương dẫn đầu trong cả nước được UNESCO, Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch và các tổ chức quốc tế đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, bài bản và tôn trọng các công ước quốc tế về bảo tồn di sản.
2-Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhận Huân chương độc lập hạng Ba
Đông đảo du khách tham quan Hoàng Cung Huế
Ông Phan Thanh Hải cho biết trong năm 2018, nhiều dự án bảo tồn, tu bổ di tích quan trọng sẽ được triển khai như: dự án bảo tồn, phục hồi điện Kiến Trung; dự án bảo tồn hệ thống tường và cổng Tử Cấm thành (giai đoạn 1); bảo tồn, tu bổ và phục hồi lăng Dục Đức (hạng mục Tẩm điện và lăng mộ); bảo tồn, trùng tu di tích Bi đình lăng Tự Đức; tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực Hoàng thành; bảo quản, tu bổ tổng thể Triệu Miếu (giai đoạn 2)...

Về công tác bảo tồn, giữ gìn giá trị cảnh quan, môi trường di tích, Trung tâm đã triển khai nhiều công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao như: Vườn sưu tập, nhân giống và bảo tồn các giống cây di tích; bảo tồn lưu giữ giống sen trắng tôn tạo cảnh quan các hồ di tích khu vực Đại nội, Hộ Thành Hào, Ngoại kim thủy; đề tài Quy hoạch lại hệ thống cây xanh di tích Đại nội; đề tài bảo tồn hệ thống cây xanh cổ thụ tại các điểm di tích...

Tiếp tục ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động chuyên môn: Xử lý ô nhiễm môi trường nước, xử lý rêu bám trên gạch Bát Tràng, ứng dụng kỹ thuật chăm sóc sân vườn, cây xanh, bảo quản giống cây trồng, nhân giống và thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đảm bảo không ô nhiễm môi trường di tích và nâng cao chất lượng hoa và cây cảnh.

“Với nguồn động viên, ghi nhận từ các cấp các ngành; tập thể cán bộ và người lao động của Trung tâm sẽ tiếp tục phấn đấu, tập trung nguồn lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ trong thời gian tới..”, ông Hải nhấn mạnh.