Lão nông 50 tuổi sáng tạo ra máy móc phục vụ bà con nông dân

Xã hội - Ngày đăng : 15:39, 26/12/2017

(TN&MT) - Ông Dương Tư (50 tuổi, thôn 4, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) dù tuổi đã cao nhưng cần mẫn sáng tạo ra những máy móc giúp bà con nông dân đỡ vất vả hơn...
Ông Dương Tư có niềm đam mê chế tạo máy móc cực lớn
Ông Dương Tư có niềm đam mê chế tạo máy móc cực lớn

Xuất phát từ thực tiễn

Nhâm nhi tách trà nóng, ông Tư cho biết, học hết lớp 7 thì ông đã đi khắp nơi. Đầu tiên, ông học nghề thợ may, sau đó sang Nhật 3 năm để làm việc, rồi trở về nước để đi học nghề điện tử ở TP. Huế. Sau khi học xong, ông về quê hành nghề, nhận sửa chữa những máy móc, thiết bị, đồ dùng điện trong thôn.

Cách đây khoảng 5 năm, ông mở quán Internet. Trong quá trình trông quán, ông thường lên mạng học hỏi thêm các kiến thức về máy móc, kỹ thuật...

“Nói thật là tôi có rất nhiều ý tưởng hay về các loại máy móc để phục vụ cuộc sống, làm cho cuộc sống đơn giản và thú vị hơn”- ông Tư vui vẻ nói.

Theo ông Tư, việc sáng tạo ra máy móc không nên giấu giếm một mình mà phải chia sẻ cho nhiều người cùng biết. Qua đó, người dân biết đến sản phẩm để áp dụng vào sản xuất, làm cho xã hội phát triển hơn.

Để thiết kế các bản vẽ, lão nông đã sử dụng rất thành thạo máy tính
Để thiết kế các bản vẽ, lão nông đã sử dụng rất thành thạo máy tính

Vài năm trở lại đây, nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng trước khả năng sáng tạo của lão nông chất phác. Những sản phẩm ông làm ra đều xuất phát từ cuộc sống. Nhìn thấy cây dừa cao mà nhiều người trèo rất khó khăn nên ông làm ra máy để trèo, hái dừa, nhìn thấy việc nông dân cấy tay vất vả, ông chế ra máy cấy lúa quay tay không động cơ…

“Tôi nhận thấy trong cuộc sống, nhiều người dân nước mình làm việc gì cũng sử dụng nhiều sức lao động nhưng hiệu qủa chưa cao. Do đó, tôi muốn sáng tạo ra những loại máy móc áp dụng vào sản xuất để tăng năng suất, giảm sức lao động và góp phần ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp...”- ông Tư chia sẻ.

Lúc đầu, ông chỉ biết thiết kế máy móc, còn lại nhờ thợ thi công. Sau vài lần, ông thấy thợ thi công không như ý mình nên ông tự tay mua đồ nghề về làm. Từ đó đến nay, ông chế tạo ra nhiều máy móc hữu ích.

Thừa đam mê, sự nhiệt huyết và cần cù, thế nhưng lão nông 50 tuổi cũng gặp không ít khó khăn về kinh tế, thiết bị khi sáng chế ra các sản phẩm. “Thiếu cơ sở hạ tầng, máy móc, thứ hai là nguồn kinh tế hạn hẹp... đã làm gián đoạn, cản trở niềm đam mê của tôi. Vì thế có những dự án có kinh phí cao nên tôi không thực hiện được...”- ông Tư chia sẻ.

Máy cấy lúa quay tay không động cơ
Máy cấy lúa quay tay không động cơ

Nhiều sản phẩm thiết thực

Sản phẩm đầu tiên của ông Tư là máy cấy lúa quay tay. Ông Tư cho biết, từ năm 23 tuổi, ông đã có ý tưởng làm ra máy cấy lúa quay taynhưng nhiều sự cố khiến ông không thể theo đuổi nó. Đến năm 2014, ông mới có cơ hội biến ý tưởng thành hiện thực.

Máy cấy lúa được làm bằng sắt, gỗ…, nặng khoảng 18kg. Trên máy cấy có hai khay đựng mạ nhổ (mạ được nhổ để mang đi cấy). Người dùng chỉ việc kéo máy đi trên thửa ruộng, máy có máng trượt giữa nền ruộng. Sau đó, dùng tay quay làm chuyển động tay kẹp mạ, rồi nó tự cắm xuống ruộng một lần hai hàng.

Tuy nhiên, máy hoạt động tốt trong điều kiện nước trong ruộng khoảng 10cm trở xuống (thực tế khi gieo mạ mực nước thường dưới 10cm), vì khi ngập sâu sẽ không thấy rõ đường để gieo.

Chiếc ghế trèo dừa do ông Tư tạo nên
Chiếc ghế trèo dừa do ông Tư tạo nên

Máy có ưu điểm là cho năng suất cao hơn người cấy, qua tính toán, ông Tư cho biết một máy cấy bằng 6 người cấy. Ngoài ra, máy dễ sử dụng, giá cả phù hợp, máy nhẹ nhàng, dễ mang vác... Hiện tại, ông đã bán ra các tỉnh phía Bắc được 4-5 máy.

Ấn tượng không kém là chiếc ghế trèo dừa, trông đơn giản mà hiệu quả cao. Theo đó, ông dùng các thanh sắt, dây cáp để làm ra hai cái ghế có dây móc vào thân dừa. Ông áp dụng nguyên lý vật càng nặng càng bám chắc vào cây. Ghế có độ an toàn rất cao, do khó đứt dây. Phần trên đẩy lên, còn phần dưới làm bàn đạp. Hiện tại ông cũng bán được 4 cái với giá 1,2 triệu đồng.

Còn máy cắt rau má cũng rất hữu ích, nhất là trong huyện có xã Quảng Thọ chuyên trồng rau má. Máy có lưỡi sắt cắt rau má rồi chuyển lên băng chuyền (làm bằng da) sau đó cho vào sọt đựng. Máy cho năng suất cao gấp rất nhiều lần so với cắt tay. Theo tính toán, máy cắt được 1.200 m2/h...

Ông Tư không mất nhiều sức để có thể trèo lên cây dừa cao...
Ông Tư không mất nhiều sức để có thể trèo lên cây dừa cao...

Ngoài ra còn rất nhiều sản phẩm, máy móc hữu ích khác mà ông mày mò sáng tạo nên. Đặc biệt, hễ ai có nhu cầu làm gì ông cũng tự làm được, từ giá phơi áo quần cho tới rạp che năng mưa...

Với ông, ông không đặt nặng vấn đề bản quyền bởi ông luôn mong muốn ai cũng có thể sản xuất được máy, qua đó làm giá thành giảm xuống để nông dân được nhờ, thúc đẩy sản xuất và làm xã hội phát triển hơn. Quan trọng là người nào có kỹ thuật tốt hơn để làm ra sản phẩm có chất lượng cao.

“Thật ra những sản phẩm do tôi làm ra cũng không cao siêu gì cả, thậm chí tôi bày cho mọi người thì ai cũng làm được. Bởi họ không có ý tưởng nên không biết làm thôi”- ông Tư trình bày.

Dự định của lão nông là cứ theo đuổi với nghề, đồng thời chọn ra một sản phẩm ưng ý nhất để chuyên sản xuất. Ngoài ra, ông còn định phát triển các loại máy móc trong lĩnh vực xây dựng bởi nó làm cho năng suất lao động tăng lên rõ rệt và mang lại lợi nhuận cao...