Bắc Kạn: Tiếp tục phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản

Xã hội - Ngày đăng : 18:06, 26/12/2017

(TN&MT) – Đó là một trong những nội dung của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bắc Kạn đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 6,5 -6,8%/năm, trong đó: Nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 5 - 5,2%/năm; Công nghiệp - xây dựng tăng 6 - 7%/năm; Dịch vụ tăng 7,2 - 8,0%/năm; thuế sản phẩm tăng 9 - 10%/năm.
 

bac can
Một góc tỉnh Bắc Kạn. Ảnh minh họa

Cơ cấu kinh tế đến năm 2020: Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản 34 - 35%; Công nghiệp - xây dựng 16,4%; Dịch vụ 46,8%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp 2%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 46 - 48 triệu đồng, tương đương khoảng 1.800 USD (theo giá hiện hành) bằng 83% so mức GRDP bình quân đầu người của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và bằng 55% so GRDP bình quân đầu người của cả nước.

Đến năm 2020 có 23,6% số xã (26 xã) đạt chuẩn nông thôn mới và bình quân mỗi xã đạt trên 10 tiêu chí; đến năm 2030 có trên 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2016-2020 bình quân giảm 2-2,5%/năm.

Quyết định nêu rõ định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh Bắc Kạn. Cụ thể, về nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và xây dựng nông thôn mới, Bắc Kạn sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, phải gắn với thị trường theo chuỗi giá trị sản phẩm trong điều kiện hội nhập và biến đổi khí hậu. Tăng giá trị trên một đơn vị canh tác; xây dựng các vùng chuyên canh lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, dược liệu, cây ăn quả, khu vực chăn nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập. Tăng cường hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho đồng bào vùng cao nhằm khai thác tiềm năng đất đai, phát triển trồng trọt, chăn nuôi và phát triển lâm nghiệp. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất khu vực nông lâm, thủy sản bình quân tăng khoảng 6,2%/năm giai đoạn 2016 - 2020 và 5,2%/năm giai đoạn 2021- 2030.

Ổn định diện tích cây lương thực; tăng cường thâm canh nhằm nâng cao năng suất, sản lượng đảm bảo an ninh lương thực. Tập trung phát triển cây trồng đặc sản, có giá trị kinh tế cao (quýt, hồng, dong riềng...) để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng mở rộng diện tích; đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo thay thế dần những vườn cây ăn quả đã già cỗi, năng suất thấp, nhiễm sâu bệnh bằng các giống tốt, sạch sâu bệnh.

Đẩy mạnh chế biến, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch bằng các hoạt động hỗ trợ công nghệ và thiết bị chế biến bảo quản cho nông dân đối với các sản phẩm như: Ngô, rau, quả tươi... Hỗ trợ thông tin, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển chăn nuôi đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm của tỉnh và cung cấp ra ngoài tỉnh. Phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng trên địa bàn. Tiếp tục tăng về số lượng tổng đàn, chất lượng thịt khi xuất bán; phát triển trồng cỏ đảm bảo thức ăn cho trâu, bò. Khuyến khích chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán chăn thả để tăng quy mô đàn trâu, bò thịt, dê, lợn nạc, gia cầm. Tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, là cơ sở để thúc đẩy phát triển nhanh chăn nuôi.

Chú trọng phát triển vật nuôi có giá trị kinh tế cao như lợn rừng, nhím... Nuôi trồng thuỷ sản cần chú trọng các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng.

Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Bắc Kạn đẩy mạnh phát triển công nghiệp để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh, tăng khả năng đóng góp cho nền kinh tế, tạo nền tảng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Cụ thể, tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế và chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng tiếp tục phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, điện tử, lắp ráp... Công nghiệp phụ trợ và sản xuất cơ khí hướng vào sản xuất hàng tiêu dùng có chất lượng cao. Ngành công nghiệp công nghệ cao phát triển phù hợp với điều kiện của tỉnh và nhu cầu thị trường.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phải gắn với phát triển ngành nghề nông thôn và các vùng tập trung đông dân cư như thị trấn, trung tâm cụm xã, vùng có nguồn nguyên liệu tại chỗ. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với nguồn nguyên liệu của tỉnh; phát triển các làng nghề tạo thương hiệu cho các sản phẩm hàng hoá, tận dụng nguồn nguyên liệu và nguồn nhân công tại chỗ góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho dân cư; tìm kiếm, du nhập các nghề mới, đa dạng hóa các ngành nghề, tạo thêm việc làm cho lao động khu vực nông thôn.

Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Thanh Bình II, các cụm, điểm công nghiệp ở các địa phương có điều kiện thuận lợi. Tất cả các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo công suất xử lý toàn cụm.

Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt khoảng 11 - 12%/năm; giai đoạn 2021 - 2030 bình quân đạt khoảng 9 - 10%/năm.