Cái Mơn vào mùa hoa kiểng…

Xã hội - Ngày đăng : 22:02, 21/12/2017

(TN&MT) - Những ngày này về Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) - một địa danh nổi tiếng với nghề sản xuất hoa kiểng, không khí lao động ở các làng nghề thật nhộn nhịp…

TẤT BẬT NGHỀ QUAY CHẬU…

Suốt cả tháng nay, không khí làm việc tại nhà ông Phạm Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác quay chậu kiểng ấp Vĩnh Hưng 1, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, ngày nào cũng nhộn nhịp. Mảnh sân vườn rộng hơn 500 m2 của gia đình ngoài trồng những gốc mai đón tết, ông Hoàng dành 1/3 diện tích làm xưởng quay chậu.

Ông Hoàng, cho biết với 17 thành viên, Tổ hợp tác này đã làm ra khoảng 300cái chậu cung ứng cho mối hồi nào giờ là ở thành phố HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bạc liêu, Sóc Trăng...

1 Cái Mơn

Chăm sóc cây kiểng

Chậu kiểng được tiêu thụ suốt năm, nhưng tập trung nhất là từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch. Bởi đây là thời điểm bà con trồng kiểng cho cây vào chậu, chăm sóc, tạo dáng để tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán. Để đảm bảo nguồn hàng không khan hiếm, nhiều tổ hợp tác phải sản xuất dự trữ, công nhân làm việc xuyên suốt từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Bên cạnh đó, tổ hợp tác còn tổ chức thu mua thêm bên ngoài để đủ cung ứng cho khách hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Sung, thành viên của tổ hợp tác, thường thì dịp Tết (khoảng từ tháng 8 năm trước đến tháng 4 năm sau) là thời điểm chậu hút hàng. Tuy nhiên, nhờ có tổ hợp tác người ta nhận vô quanh năm nên bà các hộ thành viên làm chậu có việc làm quanh năm tương đối ổn định.

Chỉ riêng xã Vĩnh Thành, hiện có gần 300 cơ sở sản xuất chậu kiểng. Hàng năm cung ứng gần 4.000 sản phẩm cho thị trường. Năm 2016, xã Vĩnh Thành đã thành lập 3 tổ liên kết quay chậu, với 50 thành viên, đa phần là các hộ nghèo, ít đất sản xuất.

2 Cái MơnCác loại cây kiểng được đưa vô chậu dưỡng chuẩn bị vận chuyển đưa ra thị trường tết sớm

Chị Nguyễn Thị Phúc ở ấp Vĩnh Hưng 1 là một trong 15 hộ có hoàn cảnh khó khăn của xã vừa đăng ký thoát nghèo. Mỗi năm vào dịp tết, gia đình chị cũng kiếm thêm nguồn thu nhập khá hơn nhờ tham gia làm nghề quay chậu kiểng. “Hồi trước tôi có đi làm cỏ rồi đi bán vé số này kia rồi tui nghỉ tôi học nghề quay chậu cuộc sống thấy đỡ hơn lúc trước. Cái lớn thì được 10 ngàn, cái nhỏ 7.000 đồng. Mỗi ngày tôi làm cũng được 30 cái” - Chị Phúc, nói.

Hiệngiá các loại chậu xi măng dao động từ 30.000 đồng đến 300.000 đồng/chậu, tùy theo kích cỡ, cao hơn bình thường, do nhu cầu sử dụng chậu vô cây kiểng dưỡng chuẩn bị cung ra thị trường tết đang gia tăng mạnh…

HỐI HẢ VIỆC TRỒNG HOA KIỂNG…

Cả huyện Chợ Lách hiện có hơn 13.000 hộ trồng hoa kiểng, tập trung ở các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Hưng Khánh Trung B, với khoảng 5,5 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại. Trong đó nhiều nhất là mai, tắc bụi, bông giấy và hoa treo. So với năm trước thì năm nay sản phẩm kiểng tắc bụi, kiểng bông giấy, hoa treo vẫn tiếp tục tăng số lượng do chi phí đầu tư thấp, dễ chăm sóc và được thị trường ưa chuộng.

3 Cái MơnSản phẩm bông hoa được bà con chuẩn bị cho thị trường tết nhiều hơn

Hiện tại hầu hết các giống hoa như cúc tiger, cúc mâm xôi, vạn thọ đều đã được người dân đồng loạt xuống giống; loại tắc (miền Bắc gọi là quất) thì đã được xử lý cho ra trái gần 2 tháng nay. Theo các nhà vườn thời tiết năm nay tuy có mưa thất thường nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng và phát triển của hoa. Mới đầu xuống giống thì thấy thời tiết cũng mưa nhiều nhưng giờ thì thấy thời tiết cũng thuận lợi cho cây phát triển tốt” – Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, nói.

Năm nay gia đình bà Nguyễn Thị Phượng ở xã Vĩnh Thành xuống giống gần 4000 giỏ hoa các loại phục cho Tết Mậu Tuất 2018. Trong đó, các loại hoa như vạn thọ, cúc, sản lượng được tăng gấp đôi so với năm trước. Bà Phượng, cho biết: “Năm nay tôi chuẩn bị bông rau dừa, vạn thọ. Làm khoảng 3.000 giỏ, nhiều gấp đôi năm trước. Trước đây hàng năm một dịp tết mình thu nhập từ 5-70 triệu đồng, năm nay chắc có thể hơn, tại mình làm số lượng nhiều hơn”.

4 Cái MơnƯơm các loại bông nở

Không chỉ tăng về số lượng hoa kiểng, theo ông Trần Văn Đủ, Chủ tịch Hội nông dân xã Vĩnh Thành, bà con còn có nhiều sáng kiến để nâng cao chất lượng sản phẩm như uốn sửa tạo hình đẹp hơn, áp dụng kỹ thuật chăm sóc tốt hơn, đưa ra thị trường rộng hơn, sớm hơn những năm trước. Do vậy, dự tính hiệu quả vụ hoa kiểng năm nay ở vùng Cái Mơn có nhiều khả năng sẽ cao hơn nhiều năm trước.

Cũng theo ông Đủ, chuyển biến khả quan của nghề trồng hoa kiểng ở Cái Mơn có sự chủ động trợ giúp, tạo điều kiện thuận lợi từ phía chính quyền. Đáng kể là việc nối với nhiều địa phương, bố trí chợ đầu mối và các chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật…Nhờ đó, bà con có điều kiện thuận lợi để gắn bó, phát triển nghề truyền thống của mình.

H.Long – D.Sự