Vĩnh Phúc: Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tề Lỗ bị "tố" ăn bớt khẩu phần ăn của học sinh

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 13/12/2017

(TN&MT)- Là phụ huynh, ai cũng mong muốn các con được học trong môi trường giáo dục lành mạnh, các cháu được nuôi dưỡng chu đáo để trưởng thành, phụ huynh không nề hà chuyện đóng góp theo sự kêu gọi của nhà trường, nhưng việc bớt xén khẩu phần ăn của các con, chế biến thức ăn mất vệ sinh an toàn thực phẩm là điều không thể chấp nhận được. Đó là ý kiến bức xúc của hàng chục phụ huynh, nhiều người mạnh dạn đứng lên gửi đơn đến cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc và cơ quan báo chí tố cáo những sai phạm của bà Bùi Thị Sâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Tề Lỗ (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc).
Trường Tiểu học xã Tề Lỗ
Trường Tiểu học xã Tề Lỗ

Trường Tiểu học xã Tề Lỗ hiện có 927 học sinh, trong đó thường xuyên có trên 560 học sinh bán trú. Mỗi bữa ăn trưa, phụ huynh đóng góp 12 nghìn đồng/xuất ăn/1 học sinh, trong đó tiền công phục vụ 2 nghìn đồng; tiền gas và nước rửa bát 1 nghìn đồng; tiền lương thực, thực phẩm 9 nghìn đồng.

Phụ huynh gửi đơn phản ánh đến báo TN&MT.
Phụ huynh gửi đơn phản ánh đến báo TN&MT.

Bà Nguyễn Thị Hà, phụ huynh của 3 học sinh bức xúc: Nhà trường khai man, tăng giá thịt để ăn chặn khẩu phần ăn của học sinh. Giá thịt lợn 45 nghìn đồng/kg, nhưng nhà trường tính giá 65 nghìn đồng/kg. Mỗi bữa ăn 560 học sinh mà tiền gas nấu ăn chi phí tương đương hơn 2 bình ga thì thật là vô lý (các phụ huynh tính toán mỗi bữa chỉ hết 1 bình gas). Tiền điện ngủ trưa của các con nhà trường tính 2.500 đồng/1học sinh (lớp học chỉ có điện sáng và quạt trần).

Phòng GD&ĐT yêu cầu Trường Tiểu học Tề Lỗ báo cáo các nội dung liên quan đến công tác quản lý tài chính.
Công văn của Phòng GD&ĐT yêu cầu Trường Tiểu học Tề Lỗ báo cáo các nội dung liên quan đến công tác quản lý tài chính.

Đã nhiều lần phụ huynh phát hiện Nhà trường đưa thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào nấu ăn: Dầu ăn đóng túi ni lông, không có xuất xứ nguồn gốc; thị lợn nái nhiều cục tật, không đảm bảo chất lượng, ban đại diện cha mẹ học sinh yêu cầu nhà trường thay thực phẩm khác, nhưng nhà trường vẫn sử dụng.

Chị Hà cho biết thêm: Mới đây, ngày 8/12 nhiều phụ huynh đã đề nghị và yêu cầu được vào giám sát việc chế biến thức ăn tại bếp ăn cho các con, nhưng nhà trường bất hợp tác, đùn đẩy trách nhiệm, bà Hiệu trưởng Bùi Thị Sâm bỏ đi ra ngoài nên phụ huynh bức xúc. Nhận thông tin phụ huynh vào bếp kiểm tra xem giá cả, thực đơn, vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Sâm hiệu trưởng trở về và lớn tiếng yêu cầu phụ huynh ra khỏi trường dẫn đến hai bên to tiếng, có lời lẽ khiếm nhã, phi văn hóa.

Bà Sâm giải trình ý kiến phản ánh của phụ huynh
Phóng viên Báo TN&MT làm việc với nhà Trường. Bà Bùi Thị Sâm giải trình với phụ huynh học sinh xã Tề Lỗ trước sự chứng kiến của lãnh đạo phòng GD&ĐT.

Qua xác minh sự việc, phóng viên ghi nhận từ người dân và được biết: Từ lâu, các bậc phụ huynh hưởng ứng đóng góp nhiều khoản tiền để nhà trường đầu tư sửa chữa trang thiết bị phục vụ dạy và học, ủng hộ các chương trình tham quan học tập ngoại khóa, không tính toán, không ý kiến gì. Nhưng từ năm 2011 đến nay, bà Sâm làm hiệu trưởng và ngày càng có nhiều biểu hiện khuất tất nên phụ huynh bức xúc. Việc bớt xén thực phẩm của học sinh là “gọt nước tràn ly”, phụ huynh nghi ngờ việc quản lý, sử dụng kinh phí đóng góp thiếu công khai, minh bạch và có nhiều biểu hiện tiêu cực.

Phụ huynh phản ánh, học tiếng Anh ở trường là 12 nghìn đồng/buổi, nhưng học qua Trung tâm Tiếng anh Ekis học sinh phải nộp 25 nghìn đồng/tháng, vẫn các cô giáo tiếng Anh cũ của trường dạy.

Chị Tạ Thu Phương Thảo, Quách Thị Thơm, chị Vân, chị Lệ, chị Hoan… có các con học tại trường đã đồng loạt phản ánh nhiều khoản thu có biểu hiện tiêu cực: Học sinh đi học, ăn cơm trưa sao phải đóng thuế dẫn đến giá thịt 45 nghìn tăng lên 65 nghìn đồng? Nhiều phụ huynh bức xúc về các khoản thu bất hợp lý: “Đầu vào bán trú”; “đầu vào lớp 1”; “tiền xã hội hóa đóng góp”; “tiền đóng góp cho các bài kiểm tra”. Các phụ huynh khẳng định: Tát cả các khoản thu của nhà trường không hề có hóa đơn, chứng từ. Rõ ràng là có nhiều khuất tất trong quản lý thu chi tài chính.

Sổ theo dõi thực phẩm bán trú, từ đầu năm đến nay nhiều tuần không được đại diện phụ huynh ký xác nhận.
Sổ theo dõi thực phẩm bán trú của Trường Tiểu học xã Tề Lỗ số liệu bị tẩy xóa, sửa chữa, từ đầu năm đến nay nhiều tuần không được đại diện phụ huynh ký xác nhận.

Đông đảo phụ huynh trường Tiểu học xã Tề Lỗ phản ánh việc bầu, thành lập Ban Đại diện hội phụ huynh nhà trường có nhiều khuất tất, có giáo viên chủ nhiệm đã gợi ý, thập chí là “ép” phụ huynh bầu người mà họ không muốn bầu. Các hoạt động của Ban đại diện hội phụ huynh biểu hiện là “sân sau” của Ban giám hiệu nhà trường, không đề đạt ý kiến kiến nghị, nguyện vọng của phụ huynh, không nói lên tiếng nói của phụ huynh khi cần bảo vệ, chăm sóc các con em.

Trước thực trạng đông đảo phụ huynh bức xúc, phản ánh những việc làm thiếu minh bạch của bà Bùi Thị Sâm, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Tề Lỗ, ngày 8/12/2017, Phòng Giáo Dục và Đào tạo huyện Yên Lạc đã có công văn 757/CV-GD&ĐT yêu cầu Hiệu trưởng Trường Trường Tiểu học xã Tề Lỗ báo cáo 9 nội dung liên quan đến công tác quản lý tài chính 3 năm qua: Quy trình thực hiện thu - chi tiền xã hội hóa làm sân trường; thu, chi tiền giấy kiểm tra của học sinh; quy trình thu, chi tiền vệ sinh chăm sóc khuôn viên nhà trường của học sinh; thu, chi và quản lý sử dụng tiền ăn bán trú của học sinh; việc tổ chức dạy tăng giờ; tiền đầu vào lớp 1; thu - chi quỹ khuyến học. Công văn nêu rõ, thời gian nộp báo cáo chậm nhất 9 giờ sáng thứ Hai, ngày 11/12. Tuy nhiên hơn 10 giờ, phóng viên làm việc với Trưởng phòng GD-ĐT huyện nhưng được biết Trường vẫn chưa nộp báo cáo (?!).

Ông Phạm Thế Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Lạc cho biết: Đã giao cho bộ phận thanh tra tham mưu xử lý nội dung liên quan đến đơn tố cáo của phụ huynh đối với Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Tề Lỗ. Sau khi nhận báo cáo của nhà trường, thanh tra sẽ thẩm tra báo cáo, tham mưu lập đoàn thanh tra các nội dung. Nếu đơn thư tố cáo đúng Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện xử lý.

Nhiều phụ huynh phản ánh, kiến nghị những khuất tất cần được nhà trường minh bạch thu - chi.
Nhiều phụ huynh phản ánh, kiến nghị những khuất tất cần được nhà trường minh bạch thu - chi.

Ngày 11/12, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện đã xuống làm việc với Lãnh đạo Trường tiểu học xã Tề Lỗ và nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng của các phụ huynh. Ông Trần Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện đã chia sẻ với những tâm tư, động viên các phụ huynh yên tâm và hứa phòng GD&ĐT sẽ có giải pháp để đảm bảo cho con em được học hành trong môi trường lành mạnh, các cháu được chăm sóc tốt nhất.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT hoan nghênh ý kiến phản ánh của các bậc phụ huynh. Đồng thời khẳng định: Bà con không lo bị nhà trường “trả thù” vì ý kiến kiến nghị; nếu có điều gì “bất thường” đối  với các cháu thì phụ huynh điện thoại trực tiếp phán ánh với lãnh đạo phòng GD&ĐT.  

Ông Tuấn cũng yêu cầu bà Sâm hiệu trưởng nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của phụ huynh, tạo sự gần gũi, cởi mở, minh bạch để nhà trường và gia đình gắn bó, thân thiện. Trước mắt, nhà trường cần kiểm tra đường nước nấu ăn; làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; làm ngày niêm yết công khai, minh bạch thực đơn, đơn giá xuất ăn.

Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Lạc cũng khẳng định, khi có kết luận thanh tra sẽ mời những phụ huynh có mặt tại buổi làm việc đến chứng kiến công bố kết luận thanh tra Trường Tiểu học xã Tề Lỗ.

Một cuộc trao đổi, đối thoại giữa phụ huynh và Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Tề Lỗ có sự chứng kiến của lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyên Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã cho bà hiệu trưởng Bùi Thị Sâm một bài học “trọng Dân”. Những người nông dân, tiểu thương đã rất mềm mỏng, phân tích có lý có tình, họ nói rất tôn trọng các thầy cô giáo. Nhưng ngược lại, việc ăn chặn, bớt xén khẩu phần ăn của các con, cho các cháu ăn đồ không đảm bảo chất lượng, chế biến không đảm bảo vệ sinh đã là “giọt nước tràn ly” khiến người dân hành động tố cáo là để bảo vệ sức khỏe con em họ. Người nông dân không mốn kiện tụng, tố cáo ai, nhưng bà hiệu trưởng có thái độ hách dịch, coi thường dân nên họ đồng loạt ký đơn tố cáo những sai phạm.

Nhiều phụ huynh xã Tề Lỗ bày tỏ sự hoang mang lo lắng về sự an toàn và chất lượng học tập của các con. Các phụ huynh đã đề nghị chính quyền và cơ quan chức năng huyện Yên Lạc luân chuyển bà Bùi Thị Sâm, thay hiệu trưởng khác về Trường để con em được học tập trong môi trường lành mạnh, an toàn.

Sự việc được xử lý như thế nào, báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Xuân Vũ – Trọng Tài