Đề xuất miễn học phí có làm phụ huynh mừng vui?

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 25/11/2017

(TN&MT) - Ngay sau khi, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục hiện hành trong đó có điều luật miễn học phí tới bậc THCS, có...
(TN&MT) - Ngay sau khi, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục hiện hành trong đó có điều luật miễn học phí tới bậc THCS, có nhiều phụ huynh thay vì ủng hộ lại xin được đóng học phí như hiện tại.
 
Bộ GD-ĐT mới công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục hiện hành, trong đó có việc miễn học phí tới cấp THCS và lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương.
 
Dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập. Tờ trình nêu: Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục; căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng. Vì vậy, phải có cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục. Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến HS cấp THCS trường công lập.
 
Một phụ huynh ở TP.HCM cho biết đã từng gửi đơn Chính phủ đề xuất giải tán Ban đại diện Cha mẹ học sinh, rất quan tâm khi nghe đề xuất miễn học phí ở THCS. Phụ huynh này còn cho biết, miễn học phí liệu có "đẻ" ra một đống phí khác không?.
 
Chị N.T.T có 2 con đang học ở một trường THCS ở Hà Nội chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ việc miễn học phí ở bậc phổ cập (từ tiểu học đến THCS). Tuy nhiên, tôi e rằng, nếu miễn học phí thì phụ huynh sẽ phải đóng thêm các khoản khác để trang bị cơ sở vật chất cho nhà trường. Bởi hiện nay, phụ huynh đang phải đóng rất nhiều khoản tiền dưới hình thức tự nguyện, trường sơn lại lớp học, mái dột, xây cổng trường, lát gạch, tiền nâng cấp nhà vệ sinh cũng gõ đầu phụ huynh. Như vậy, miễn học phí đâu có nghĩa lý gì”.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
 
Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cũng cho biết, rất hoan nghênh đề xuất này của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho hay, Liệu miễn học phí cho học sinh thì ngân sách giáo dục liệu có tăng lên? Tôi lo miễn học phí nhưng ngân sách cho giáo dục lại giảm đi thì khổ giáo viên, học sinh. Giữa miễn giảm học phí và tăng lương cho giáo viên, ngành giáo dục nên đề cao tăng lương để họ có động lực, tập trung tâm huyết dạy dỗ học sinh, còn học phí thì cứ để như cũ.
 
Thầy Tùng Lâm đề xuất, miễn học phí thì các khoản thu khác trong trường học phải được công khai, minh bạch nếu không phụ huynh lại phải gánh thêm các khoản phí mập mờ khác. Các khoản thu sau khi miễn học phí cũng cần được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Các trường làm sai, cố tình thu nhiều sẽ phải xử lý thật nghiêm. 
 
Lãnh đạo trường THPT Anhxtanh cho biết, bản thân ông rất ủng hộ chủ trương này bởi học sinh, phụ huynh sẽ thấy được sự quan tâm của Nhà nước đến các bậc học, nhất là các cấp đang phổ cập giáo dục. Trước ý kiến lo ngại của các bậc phụ huynh về việc sẽ phải cõng thêm các khoản phí khác nếu con họ được miễn học phí, khi đưa ra đề xuất này, chắc chắn Bộ sẽ tính đúng, tính đủ nên khó có thể xảy ra chuyện phụ huynh phải gánh thêm các khoản phí khác. Bởi các khoản phí thu trong nhà trường đều phải công khai, minh mạch, ngay cả các khoản đóng góp tự nguyện vẫn phải công khai. Nếu đã công khai thì mức thu sẽ phải phù hợp. Nếu lạm thu thì hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm.
 
Quốc Hội - Thúy Quỳnh