Nhà máy xi măng Sông Lam (Nghệ An): Đổ thải trực tiếp ra môi trường

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 21/11/2017

Kể từ ngày Nhà máy xi măng Sông Lam (NMXM Sông Lam) đi vào hoạt động (tháng 12/2016), cuộc sống của người dân xã Bài Sơn và các vùng phụ cận thuộc huyện Đô Lương (Nghệ An) bị đảo lộn, riêng xóm Đô Sơn bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Chất thải của Nhà máy xi măng Sông Lam
Chất thải của Nhà máy xi măng Sông Lam

Hiện nhà máy này vẫn đổ chất thải trực tiếp ra môi trường. Người dân đã liên tục kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng, nhưng sự việc không biến chuyển. 

Dân kêu mãi không thấu

Dự án đầu tư xây dựng NMXM Sông Lam do Cty cổ phần xi măng Sông Lam (Cty Sông Lam) làm chủ đầu tư được Bộ TNMT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 297/QĐ-BTNMT, ngày 4/2/2016.

Cty này bắt đầu vận hành thử nghiệm NMXM Sông Lam từ tháng 10/2016, vận hành có tải dây chuyền B từ tháng 12/2016, vận hành có tải dây chuyền A từ tháng 2/2017 với công suất 6.000 tấn clinker/dây chuyền/ngày.

Trong quá trình hoạt động từ đó đến nay đã vấp phải sự phản ứng của người dân do tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong vùng như khói bụi, tiếng ồn, nước thải.

Tại xóm Đô Sơn hiện có 8 hộ gia đình sống gần nhà máy, với khoảng cách chỉ khoảng 100-150 m.

“Từ khi nhà máy đi vào sản xuất, không đêm nào tôi ngủ ngon, máy xay đá hoạt động suốt ngày đêm, gây tiếng ồn, vang khắp cả vùng rộng lớn, rất khó ngủ.

Người già như chúng tôi rất đau đầu”- ông Trần Văn Ân (71 tuổi) cho biết. Không tránh được sự bức xúc, bà Lê Thị Nguyệt (63 tuổi) nói: “Suốt ngày bị hành bởi tiếng ồn, bụi bặm… chúng tôi muốn di dời nhưng vẫn chưa được đáp ứng nguyện vọng. Đáng ra, 8 hộ dân chúng tôi ở sát nhà máy nhất phải được di dời trước nhưng kêu mãi mà không thấu”. 

Không những thế, trong các đợt mưa vừa qua, huyện Đô Lương cũng như xã Bài Sơn gặp mưa rất to; nhiều lượng bùn màu đen tấn công nhà cửa, vườn tược.

“Sống ở đây thêm ngày nào sợ ngày đó, mưa thì bùn tràn vào vườn, nắng thì bụi bặm, ngủ chung với tiếng ồn khủng khiếp. Muốn di dời lắm nhưng họ chưa giải quyết cho dân chúng tôi đi”- bà Lê Thị Duyên than thở. Được biết, các hộ dân nơi đây nằm trong diện bị ảnh hưởng, nhưng lại không thuộc đối tượng để di dời.

“Hơn hai năm qua, nhà nứt hư hỏng, muốn sửa chữa nhưng chính quyền họ không cho, họ nói để nguyên hiện trạng cho Cty còn trình phương án đền bù, thế là giờ nhà hư cũng phải chấp nhận”- ông Ân nói.

Việc làm không thể chấp nhận

Trong quá trình tìm hiểu những bức xúc của người dân về ô nhiễm môi trường quanh NMXM Sông Lam, chúng tôi được bà con cung cấp nhiều nội dung về việc nhà máy này đổ một loại chất thải màu đen ra môi trường.

Tại thực địa, đúng như người dân phản ánh, sát gần nhà máy có nhiều vệt nước chảy lênh láng; phía chân tường nhà máy có lớp chất thải màu đen, đặc quánh kéo dài từ đỉnh đường chảy xuống dọc ta-luy xuống nền đất sát nhà dân.

Không những vậy, mặc dù biết có người ghi hình, chụp ảnh nhưng một xe tải vẫn ngang nhiên đổ bùn thải chở từ NMXM Sông Lam xuống vị trí nói trên.

Theo người dân, đây là việc sai trái do NMXM Sông Lam thường xuyên thực hiện.

“Hôm nay, các nhà báo về tìm hiểu thực tế, song họ vẫn ngang nhiên đổ bùn thải màu đen kịt. NMXM Sông Lam đang vi phạm pháp luật, coi thường mạng sống của con người”- ông Ân cho biết.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Hữu Quang- chủ tịch UBND xã Bài Sơn cho biết: Từ những phản ánh của người dân, UBND xã đã báo lên cấp trên, hiện tại tỉnh đang xem xét. Về việc tái định cư, vì do trước kia các hộ dân này không thuộc diện phải di dời nên chưa có phương án.

Tuy nhiên, hiện chính quyền đang đề xuất đưa các hộ dân này vào diện tái định cư trong thời gian sắp tới. Riêng việc phóng viên phản ánh xe tải của nhà máy vẫn ngang nhiên đổ bùn thải màu đen ra môi trường, ông Quảng cho biết sẽ kiểm tra và thông báo lại.

Ông Đậu Văn Chinh- phó phòng TNMT huyện Đô Lương cho biết: Vấn đề ô nhiễm môi trường do NMXM Sông Lam gây ra, Phòng đã nhận được phản ánh từ lâu và có cơ sở.

Phòng đã cùng với chính quyền địa phương lập biên bản sự việc, đồng thời đề nghị Cty Sông Lam khắc phục những hạn chế trên.

Đồng thời, huyện đã báo cáo lên cấp trên để có phương án xử lý. Khi được hỏi, việc xe tải của nhà máy đổ thẳng chất thải màu đen, đặc ra môi trường, ông Chinh nói: “Không thể có chuyện đó được, không thể được, để chúng tôi cho kiểm tra và xử lý ngay”.

Theo daidoanket