Thông tin sản phẩm sai lệch, công ty dược phẩm Ích Nhân có đang lừa dối người tiêu dùng?

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 08/11/2017

(TN&MT) – Trong tờ thông tin gửi kèm sản phẩm, Khang Dược Sâm được quảng cáo như một “thần dược” phòng the với những thành phần quý hiếm và những công dụng tuyệt vời. Thế nhưng sự thực đằng sau những lời quảng cáo đó là gì?

Được làm từ đông trùng hạ thảo

Thời gian vừa qua, trên một số diễn đàn mạng, cánh mày râu truyền tai nhau một loại “thần dược” phòng the có tên Khang Dược Sâm với những thành phần quý hiếm, có khả năng cải thiện “bản lĩnh” đàn ông. Tò mò vì những lời đồn thổi, phóng viên báo TN&MT đã đi tìm hiểu và phát hiện nhiều thông tin bất ngờ đến ... ngã ngửa.

Theo tìm hiểu của PV, Khang Dược Sâm là một sản phẩm dành riêng cho phái mạnh, do Công ty TNHH Nam Dược (địa chỉ tại Lô M13 (C4-9) KCN Hòa Xá, xã Mỹ Xá, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) sản xuất. Đơn vị tiếp thị và phân phối là Công ty TNHH Dược phẩm Ích Nhân (gọi tắt là Công ty Ích Nhân) có địa chỉ tại: Lô A18/D7 KĐT Cầu Giấy, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.

Thành phần của Khang Dược Sâm là đông trùng hạ thảo?
Thành phần của Khang Dược Sâm là đông trùng hạ thảo?

Đây là một loại thực phẩm chức năng dùng để hỗ trợ, làm tăng “bản lĩnh” đàn ông. Hiện sản phẩm được bày bán rộng rãi trên thị trường với giá 220.000 đồng/hộp (gồm 2 vỉ x 10 viên nang). Thông tin in trên bao bì sản phẩm cho biết, sản phẩm Khang Dược Sâm được tạo nên từ 3 thành phần chính gồm: Sâm ngọc linh, cao khô bá bệnh và đông trùng hạ thảo (cordyceps militaris).

Quả thực, phóng viên hết sức ấn tượng bởi thành phần làm nên sản phẩm này toàn là dược liệu quý hiếm, đặc biệt là đông trùng hạ thảo. Bởi lẽ trong Đông y, đông trùng hạ thảo được coi là một trong những vị thuốc có khả năng cải thiện đời sống tình dục. Theo các sách thuốc cổ, đông trùng hạ thảo có vị ngọt, tính ấm, vào 2 kinh thận và phế, có công năng dưỡng phế bổ thận ích tinh được dùng để trị phế hư khái suyễn, thận suy dương nuy (liệt dương), di tinh, lưng gối đau mỏi.

Thế nhưng sản phẩm Khang Dược Sâm có thực sự được làm từ đông trùng hạ thảo hay không? Trên bao bì sản phẩm, đơn vị tiếp thị và phân phối là công ty dược phẩm Ích Nhân ghi thành phần chính tạo nên sản phẩm này là đông trùng hạ thảo (cordyceps militaris).

Tuy nhiên, vào cuối năm 2014, GS. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch hội Các ngành sinh học Việt Nam đã có bài viết chi tiết trên báo Nông nghiệp điện tử cảnh báo về sự nhập nhèm trong cách sử dụng cụm từ đông trùng hạ thảo (cordyceps militaris) để đánh lừa người tiêu dùng.

Nhập nhèm để lừa dối khách hàng?

Cụ thể, GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết, đông trùng hạ thảo là một dạng cộng sinh giữa loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Hepialus. Thường gặp nhất là sâu non của loài Hepialus armoricanus. Vào mùa đông, nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non (nên gọi là đông trùng). Mùa hè ấm áp nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất (nên gọi là hạ thảo).

Người ta chỉ phát hiện được đông trùng hạ thảo vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3.500-5.000m như: Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam ... (đều thuộc Trung Quốc).

Loài thứ hai là nhộng trùng thảo (vì phát triển trên nhộng tằm) có tên khoa học là cordyceps militaris. GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nhộng trùng thảo cùng chi với đông trùng hạ thảo, nhưng khác loài và giá trị dược liệu thì hoàn toàn không thể so sánh được với đông trùng hạ thảo. Môi trường nuôi cấy rất rẻ tiền, chỉ cần trộn gạo với nước theo tỷ lệ 1:1, phân vào các bình tam giác rồi khử trùng, cấy giống, nuôi cấy trong phòng có nhiệt độ 20 - 25 độ C với độ ẩm không khí khoảng 75 - 80%. Sau khoảng 20 ngày thấy bào tử chuyển màu vàng da cam là có thể thu hoạch (không cần đến hơn 3 tháng).

Có sự nhập nhèm thông tin và hình ảnh của đông trùng hạ thảo với nhộng trùng thảo?
Có sự nhập nhèm thông tin và hình ảnh giữa đông trùng hạ thảo với nhộng trùng thảo?

Vẫn theo GS. Nguyễn Lân Dũng, vì giá rất rẻ nên ở Trung Quốc người ta không chế biến nhộng trùng thảo thành các viên thuốc mà chỉ mua cân về nấu ăn như ... nấu canh. Còn đông trùng hạ thảo với các tác dụng tuyệt vời thì rất đắt, mỗi 100 gr khoảng 200 - 250 con (sâu + nấm) giá khoảng 100 triệu đồng.

Với những phân tích của GS. Nguyễn Lân Dũng ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, công ty dược phẩm Ích Nhân định danh loại cordyceps militaris là đông trùng hạ thảo là chưa chính xác. Nó chỉ là nhộng trùng thảo mà thôi. Đó là chưa kể tới việc, công ty dược phẩm Ích Nhân còn sử dụng hình ảnh của đông trùng hạ thảo để minh họa cho nhộng trùng thảo trên tờ giấy quảng cáo sản phẩm của mình.

Vậy là, việc công ty dược phẩm Ích Nhân sử dụng hình ảnh không chính xác, nhập nhèm thông tin giữa đông trùng hạ thảo và nhộng trùng thảo có phải là một hành vi lừa dối khách hàng của mình? Và cơ quan nào đã cấp phép cho công ty dược phẩm Ích Nhân định danh nhộng trùng thảo là đông trùng hạ thảo?

Đáng nói hơn nữa, công ty dược phẩm Ích Nhân còn thông tin sản phẩm thực phẩm chức năng Khang Dược Sâm có tác dụng như thuốc chữa bệnh với khả năng điều trị bệnh yếu sinh lý ở nam giới. Cụ thể sự việc này như thế nào, PV báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

“Tôi rất ngạc nhiên khi cơ quan quản lý nào đã cho phép gọi nhộng trùng thảo là đông trùng hạ thảo? Tôi nghĩ chúng ta có đầy đủ các cơ quan nghiên cứu vi sinh vật học, có đầy đủ trang thiết bị để giải trình tự ADN giúp định tên chính xác các loài vi sinh vật. Vì sao các cơ quan quản lý không yêu cầu xác minh tên loài trước khi cho phép sản xuất, lưu hành và tuyên truyền rộng rãi với tên thương phẩm là đông trùng hạ thảo? Sản phẩm nuôi cấy ở Trung Quốc là các sản phẩm lên men với các nồi lên men lớn từ chủng Cordyceps sinensis (Berk.)Sacc chứ hoàn toàn không phải là chủng Cordyceps militaris (L. ex Fr.) Link. Đây là chuyện quan trọng liên quan đến đông đảo người tiêu dùng. Tôi trân trọng đề nghị Bộ Khoa học-Công nghệ cùng Bộ Y tế cần lập nhóm thẩm định với sự tham gia của hội Các ngành Sinh học Việt Nam để tránh sự ngộ nhận của đông đảo người tiêu dùng” – Giáo sư Nguyễn Lân Dũng viết.

 

Phạm Văn