Thừa Thiên Huế: Hơn 17.000 ngôi nhà chìm trong lũ, 8 người chết và mất tích
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 06/11/2017
8 người thương vong do mưa lũ
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến sáng 6/11, mực nước trên các triền sông vẫn đang rất cao, trên sông Hương tại Kim Long là +3,29 m, dưới báo động III là 0,21m. Trên sông Bồ tại Phú Ốc là +4,13 m, dưới báo động III là 0,37m.
Tỉnh Thừa Thiên Huế ngập trên diện rộng, đã có 8 người chết và mất tích |
Theo PV, được biết đến trưa 6/11 đã có 4 người chết. Trong đó, cháu Hồ Phi Ấn (4 tuổi, trú tại thôn Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền) bị nước cuốn, khi gia đình đang dọn nhà không chú ý để cháu chạy ra sân ngập nước. Thi thể cháu Ấn đươc tìm thấy tại một bụi tre cách nhà 50m; ông Nguyễn Văn Kim (trú tại 62 Trần Nhật Duật, phường Thuận Lộc, TP. Huế, SN 1963) chết do lật thuyền.
Ông Trần Hữu Dũng (SN 1979, làm việc tại thủy điện A Lin B2 (đang thi công) ở trong lán bị đất đá vùi lấp do sạt lở. Ông Nguyễn Yên (thôn Lương Điền Đông, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, 67 tuổi) đi chăn trâu bị mất tích ngày 5/11, đến 7h ngày 6/11 người dân địa phương phát hiện ông Yên đã chết. Nguyên nhân xác định ban đầu do ông Yên bị đuối nước.
TP. Huế chìm trong biển nước |
Mưa lũ cũng làm 4 người mất tích. Đó là cháu Hồ Lê Mạnh Tường (94/47 Dương Vân An, phường Xuân Phú, TP. Huế, 14 tuổi) bị nước cuốn trôi; bà Đoàn Thị Phương (48 tuổi, trú tại tổ dân phố Vân Căn, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) chèo thuyền đi đón con ở An Lỗ, trên đường về bị lật thuyền nên bị nước cuốn trôi; ông Phan Văn Quốc và con gái Phan Thị Thúy (SN 1993) chở nhau đi làm ở nhà máy sợi Phú Gia từ 9h00 sáng ngày 5/11 nhưng đến nay chưa về nhà, không liên lạc được.
Ngoài ra, còn có một người bị thương do sạt lở đá và đang cấp cứu tại bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành sơ tán, di dời 1971 hộ, 7479 khẩu; riêng ở TP. Huế là 668 hộ, 2202 khẩu...
Hơn 17.00 ngôi nhà ngập nước
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 17.588 hộ bị ngập lụt từ 0,2- 0,8m; trong đó, tại huyện Phú Lộc có 6.747 nhà bị ngập nước sâu từ 60cm đến 80cm. Tại thị xã Hương Trà, có khoảng 2900 nhà bị ngập nước, độ sâu ngập từ 0,2- 0,8m. Tại huyện Quảng Điền, có khoảng 2.320 nhà bị ngập sâu từ 0,3- 0,8m.
Số ngôi nhà ngập nước lên tới hơn 17.000 nhà |
Tại thị xã Hương Thủy có 343 nhà bị ngập sâu từ 0,3-0,8m; huyện Phú Vang có 3.124 nhà bị ngập sâu từ 0,1-0,4 mét. Tại huyện A Lưới: 218 hộ có nhà bị ngập từ 0,2-0,5 m; huyện Phong Điền có khoảng 1936 nhà bị ngập sâu từ 0,3-0,8m, nhà ngập sâu nhất là 2,5m.
Còn tại TP. Huế, đã có hơn 80% tuyến đường đã bị ngập. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương như Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan... ngập bình quân 0,5- 1,3m. Các tuyến đường nam sông Hương như Hùng Vương, Trường Chinh, Bến Nghé, Đống Đa... ngập từ 0,6- 1,2m.
Nhiều tuyến đường tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn ngập trên diện rộng. Toàn tỉnh có hàng chục hecta rừng bị ngã đổ, hàng trăm hecta hoa màu bị ngập úng; hàng trăm lồng cá và hồ cá bị ngập, nước cuốn trôi và hư hỏng nặng...
Tại huyện Nam Đông, mưa lớn đã làm cho đèo La Hy thuộc xã Hương Phú bị sạt lở nhiều đoạn. Tại huyện A lưới 6 điểm sạt lở trên tuyến QL 49 và các tuyến đường liên thôn, cầu Chai 1, 2 thuộc xã Đông Sơn tiếp tục bị sạt mái taluy và sạt mố cầu. Sạt lở đất đã cô lập 20 người trên đèo Tà Lương từ 15h30 ngày 5/11, UBND huyện đã huy động các lực lượng địa phương ứng cứu, đến 22h00 cùng ngày, số người gặp nạn đã được giải cứu.
Lực lượng chức năng điều tiết các phương tiên giao thông tại QL1A |
Hôm nay, 100% học sinh các trường học tại Thừa Thiên Huế đều nghỉ học vì phần lớn trường lớp vẫn ngập sâu.
Mực nước trên các sông Hương, sông Bồ hiện đều ở mức xấp xỉ báo động 3 và đang xuống chậm. 100% công trình hồ chứa nước thủy lợi đều đảm bảo an toàn. Các hồ chứa nước đã được lệnh mở toàn bộ cửa van, nếu mưa đến sẽ qua tràn tự do.
Hiện tại Thừa Thiên Huế vẫn đang mưa rất to. UBND các huyện, thị xã và TP.Huế chỉ đạo triển khai phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, vùng thấp trũng đến nơi an toàn. Triển khai kiểm tra, rà soát, cảnh báo các lều trại, khu vực nuôi trồng thủy sản trên đầm phá; đảm bảo an toàn giao thông, bảo đảm an toàn lưới điện, thông tin liên lạc; dự trữ lương thực, thực phẩm, mì ăn liền và các nhu yếu phẩm khác để ứng phó với lũ lớn. Công tác cứu hộ các nạn nhân gặp nạn vẫn đang được lực lượng chức năng của các địa phương tích cực triển khai...
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Bài & ảnh: Văn Dinh