Nâng cao nhận thức đồng bào các dân tộc Tây Bắc tham gia BHXH tự nguyện

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 21/10/2017

(TN&MT) - Sáng 21/10, tại tỉnh Điện Biên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc Quốc hội tổ chức Hội thảo về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức vận động đồng bào các dân tộc Tây Bắc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với 6 tỉnh Tây Bắc, giải quyết hầu hết các vấn đề an sinh xã hội, các vấn đề liên quan đến quyền lợi sức khỏe, đảm bảo an toàn chất lượng cuộc sống trọn đời và là điểm tựa cần thiết giúp Tây Bắc phát triển theo hướng bền vững, nhất là trong giai đoạn đổi mới hội nhập hiện nay. Tính đến 30/9/2017 tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế tại Tây Bắc là trên 4.400.000 người, chiếm tỷ trọng khoảng 5,6% so với cả nước. Đây được xem là một trong những giải pháp cơ bản nhất đảm bảo an sinh xã hội tốt cho đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần ổn định chính trị xã hội. Nhờ đó đến cuối năm 2017 toàn vùng còn 26,5% hộ nghèo, giảm 3,4% so với năm 2015.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế nổi lên như người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hiểu đầy đủ về chính sách, thiếu thông tin về chính sách pháp luật, tập trung ở các đối tượng người lao động tự do ở khu vực phi chính thức, có thu nhập thấp, việc làm không ổn định; người lao động chưa có thói quen tham gia bảo hiểm xã hội khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già, hạn chế trong một số chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; mạng lưới đại lý còn ít, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã tham gia đóng góp vào việc khắc phục các hạn chế khó khăn trong việc tham gia bảo hiểm tại Tây Bắc. Giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc Tây Bắc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình đồng thời nâng mức hỗ trợ mức đóng cho người tham gia tự nguyện, mở rộng đối tượng thuộc hộ nghèo, linh hoạt hơn về mức hỗ trợ và mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện, kinh tế phát triển thì có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bên cạnh đó, ngoài việc tập trung phát triển hệ thống mạng lưới đại lý đến từng thôn, bản, tổ dân phố thì chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cần phải đôn đốc hướng dẫn người lao động, đặc biệt là đối với các lao động hợp đồng dưới 3 tháng, người làm việc theo hợp đồng khoán việc, thuê việc… Chi khi đó các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mới phát huy hết tối đa hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng cao, đảm bảo cuộc sống, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Nhân dịp này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng trao tặng tỉnh Điện Biên số tiền 100 triệu đồng hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để mua bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Hoàng Châu - Nam Hương