Dự án tỷ đô, giờ chỉ thấy gió và cỏ

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 18/10/2017

Cách đây 10 năm, người dân xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM khấp khởi mừng thầm khi nghe tin sắp có một Khu đô thị - Đại học Quốc tế hiện đại nhất nhì Việt Nam ở đây.

Thế rồi, niềm hy vọng ấy cứ phai dần theo năm tháng và đến giờ chỉ còn lại sự mệt mỏi.  

Lụi tàn một giấc mơ

Vất vả lắm chúng tôi mới “lèo lái” được chiếc xe máy trên con đường đất chạy dọc kênh An Hạ lồi lõm, lầy lội sau những cơn mưa để vào khu đất dự án. Toàn bộ khu đất dự 925ha vẫn hoang hoá, không có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy đây là một siêu dự án.

Ông Nguyễn Văn Đông, 60 tuổi, có 3 công đất (3.000m2) ở đây nhưng đã về Củ Chi ở nhiều năm nay, tâm sự: “Hồi mới thông báo dự án, chúng tôi mừng lắm, vì thấy giới thiệu đây là một Trung tâm đô thị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á chứ không chỉ Việt Nam. Trong đó, ngoài các trường đại học, khu đô thị, còn có 20 trường phổ thông từ mẫu giáo đến trung học. Rồi có trung tâm hành chính văn hóa, y tế hiện đại, phục vụ chữa bệnh và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học, câu lạc bộ thể dục thể thao và giải trí, khu công viên cây xanh… đủ mọi thứ. Khi đó chúng tôi nghĩ, mai mốt ở sát nhà có đủ mọi thứ rồi, con cháu mình chẳng cần phải xuống thành phố, cách 2 - 3 chục cây số để học hành, làm việc nữa. Vậy mà...”.

Nét mặt trầm ngâm, ông Đông ngừng lời giây lát rồi nói tiếp: “Anh nhìn xem, có gì gọi là dự án đâu? Càng ngày chúng tôi càng thất vọng. Tôi là một trong số những người phải bỏ đi vì sống trong căn nhà tạm, mái tôn, mưa tạt, gió lùa, sình lầy quanh năm, cực chịu không thấu. May là tôi còn có nhà vợ ở Củ Chi để về”.

Đường vào dự án “Khu đô thị - Đại học Quốc tế

Bà Nguyễn Thị Lệ Hoa, đã sống ở đây đã mấy chục năm, kể: “Tôi chỉ có mỗi nhà ở đây, nên chẳng biết đi đâu. Cách đây mấy năm, tôi lên UBND xã xin phép làm lại cái nhà vì nó xuống cấp quá, không ở được nhưng xã không cho, họ bảo đất nhà tui nằm trong khu quy hoạch của dự án, không được xây dựng. Sau một thời gian lên xuống, trình bày đủ kiểu, cuối cùng xã cũng cho xây, nhưng chỉ được xây cao lên 1m. Nhà cho người ở chứ có phải cho heo đâu mà cao 1m?”.

Từ lâu, người dân sống trong khu dự án vẫn gọi vui nơi này là “ốc đảo”, vì mặc dù nằm cách Quốc lộ 22 không xa nhưng muốn ra quốc lộ phải qua chiếc cầu tạm bắc qua kênh An Hạ, chiếc cầu đã hư hỏng từ lâu, nên mỗi khi muốn ra quốc lộ, người dân phải đi vòng vào xã Xuân Thới Sơn khá xa. Để tiết kiệm thời gian, người dân ở đây đã sắm ghe để băng qua kênh An Hạ.

Những ngôi nhà “hiện đại” trong dự án
Những ngôi nhà “hiện đại” trong dự án

“Khổ nhất là tụi nhỏ đi học hàng ngày. Nếu để tự đi thì phải đạp xe rất xa, vào trong xã, vòng vèo một hồi mới đến. Trong khi chỉ cần qua kênh thì đoạn đường đi có chút xíu. Vì thế, tụi tôi sắm ghe, mỗi ngày 2 lần chở tụi nhỏ với xe đạp kềnh càng qua kênh bằng ghe, sang đường Đặng Công Bỉnh rồi tụi nó mới đạp xe đến trường. Nếu học thêm thì phải chở các cháu 4 lần”, ông Nguyễn Văn Huệ, 58 tuổi, có căn chòi trống trước hở sau ở khu dự án, than.  

Chiếc bánh vẽ của nhà đầu tư?

Cách đây 10 năm, Cty Berjaya Land Berhad, thuộc Tập đoàn Berjaya Berhad (Malaysia) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT) với tổng vốn đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD. Và năm 2008, Tập đoàn này chính thức được trao giấy chứng nhận đầu tư.

Theo thuyết minh của nhà đầu tư, VIUT sẽ là một trung tâm đô thị hiện đại cho 75.000 người sống, học tập và làm việc với 7 phân khu chức năng. Trong đó, ba khu chính là làng đại học quốc tế, khu trung tâm tài chính, hành chính và khu nhà ở.

Cỏ mọc lút đầu
Cỏ mọc lút đầu

Ông Đặng Duy Hưng, 54 tuổi, có gần 5.000m2 đất trong dự án VIUT cho biết, cuối năm 2008 những hộ dân dân canh tác, sinh sống tại khu đất này nhận được thông báo phải giữ nguyên hiện trạng đang sử dụng, không được xây dựng và đầu tư mở rộng, không được trồng mới các loại cây ngắn ngày vì trong năm 2009 sẽ tiến hành đền bù, thu hồi đất.

“Chủ đầu tư với chính quyền địa phương đo đạc, kiểm kê đất từ năm 2010, mãi đến gần cuối năm 2013 mới xong, gửi thông báo mời chúng tôi lên nhận tiền đền bù. Nhưng ngay sau đó, họ lại làm chúng tôi chưng hửng khi gửi thông báo hủy bỏ việc đền bù này để tính toán lại. Rồi từ đó đến nay, chủ đầu tư bặt vô âm tín. Đất của tôi mênh mông vậy mà không dám đầu tư sản xuất, muốn bán cũng không được. Nếu không làm được thì làm phải trả đất lại cho chúng tôi làm ăn chứ để chúng tôi ngồi nhìn đất hoang, cỏ mọc um tùm thế này, xót lắm", ông Hưng bức xúc.

Phân tích về dự án “bất động” của VIUT, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc một công ty bất động sản lâu đời ở TP.HCM cho rằng, một trong số những nguyên nhân cơ bản khiến dự án này “bất động” là chủ đầu tư đã không đánh giá đúng tình hình thị trường bất động sản của Việt Nam. Do có thời điểm bong bóng bất động sản Việt Nam “phình” to, nhiều đầu tư ồ ạt ‘xí” những dự án lớn. Đến khi thị trường đóng băng, những dự án lớn nếu làm sẽ lỗ nặng. Vì thế, họ nằm im chờ thời”.

Và, đúng như dự đoán của ông Dũng, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Giám đốc Cty Berjaya Việt Nam (đơn vị được Tập đoàn Berjaya giao quản lý các dự án tại Việt Nam), nói rằng, nguyên nhân khiến dự án VIUT chậm triển khai là do thị trường bất động sản đóng băng.

Không ai biết nơi đây có một dự án tỷ USD nếu không có người chỉ (Trong ảnh là ông Nguyễn Văn Đông, người đã bỏ đất dự án về quê vợ sống từ nhiều năm nay)
Không ai biết nơi đây có một dự án tỷ USD nếu không có người chỉ (Trong ảnh là ông Nguyễn Văn Đông, người đã bỏ đất dự án về quê vợ sống từ nhiều năm nay)

“Không riêng Berjaya, khủng hoảng kéo dài của thị trường bất động sản đã vượt ngoài dự liệu của nhiều doanh nghiệp. Trong tình hình đó, Berjaya không thể làm cùng lúc toàn bộ 925ha. Hiện nay, Berjaya đã có hồ sơ xin triển khai trước 200ha, trong đó, Ban quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị Tây Bắc đã phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu dân cư giai đoạn 1 với quy mô 51,9ha (16,34ha đất ở thấp tầng và 6,09ha đất ở cao tầng)”, ông Nam nói.

Theo một lãnh đạo Sở KH - ĐT thành phố Hồ Chí Minh, so với một số dự án khác trên địa bàn thành phố thì công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án VIUT tương đối phức tạp. Gần đây, nhà đầu tư có nhiều động thái tích cực triển khai dự án như chuyển thêm 2,5 triệu USD cho đền bù giải tỏa, cam kết tiến độ góp vốn... Hiện nay, dựa vào tình hình thực tế, các sở ngành thành phố cũng đang nghiên cứu đề xuất một số phương án xử lý liên quan đến dự án này.

Hiện nay, Tập đoàn Berjaya được coi là một "ông lớn” trong thị trường bất động sản Việt Nam với số vốn đăng ký gần 10 tỷ USD. Ngoài VIUT, Berjaya còn sở hữu một loạt dự án “khủng” khác như: Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) tại TP.HCM; Nhon Trach New City Center và Biên Hòa City Square tại Đồng Nai; dự án khu đô thị mới Thạch Bàn tại Hà Nội… Mặc dù tham vọng rất lớn nhưng phần lớn các dự án của Berjaya đều trong tình trạng “treo” nhiều năm, không triển khai và đứng trước nguy cơ bị thu hồi.

Theo nongnghiep