Chơi vơi Bạch Mã

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 10/10/2017

Kỳ I: Tiềm năng chưa “thức tỉnh”

(TN&MT) - Cách thành phố Đà Nẵng chưa đầy 70 km, cách thành phố Huế khoảng 40 km, Vườn Quốc gia Bạch Mã là một điểm đến vô cùng hấp dẫn với nhiều du khách. Song nhiều năm nay, do giao thông khó khăn, tốn kém, dịch vụ chưa tốt, kiến điểm đến này chưa thực sự thu hút đúng với tiềm năng.

Tài nguyên du lịch phong phú

Có nhiều giai thoại về tên gọi dải rừng nguyên sinh duy nhất của Việt Nam nối từ biển đến biên giới Việt – Lào là Vườn Quốc gia Bạch Mã này. Có chuyện kể rằng, cái tên Bạch Mã bắt nguồn từ câu chuyện người dân sống ở chân núi nhìn lên đỉnh thấy hơi bốc lên trắng xóa, tạo hình con ngựa nên gọi Bạch Mã. Lại có truyền thuyết một vị tướng quân cưỡi ngựa trắng lên núi và mất tích bí ẩn… Những truyền thuyết ấy đã giúp cho đỉnh Bạch Mã luôn kỳ bí với mọi du khách ghé thăm.

Là một Vườn Quốc gia có diện lớn nhất cả nước với trên 37.487 ha, Bạch Mã là một phần của dãy Trường Sơn Bắc, có nhiều dãy núi với các đỉnh cao trên 1.000m chạy ngang theo hướng từ Tây sang Đông và thấp dần ra biển. Dưới chân của các dải núi là những thung lũng hẹp, dài với những dòng suối trong xan, góp phần cải tạo khí hậu vùng.ĐỉnhBạch Mãvới độ cao 1.450 m so với mực nước biển là đỉnh núi cao nhất của vườn.

Vườn có hệ thực vật đã ghi nhận 2.373 loài, gồm 332 loài nấm, 87 loài rêu, 183 loài dương xỉ, ngành hạt trần có 22 loài, ngành hạt kín có 1.749 loài. Trong đó, có nhiều loài thực vật đặc hữu, quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam như: lá nón Bạch Mã, mây Bạch Mã, pơ mu, trầm hương, gụ mật, kiền kiền, bảy lá một hoa... Vườn có có 1.715 loài động vật, gồm: 1.029 loài côn trùng, 57 loài cá, 134 loài ếch nhái và bò sát, 363 loài chim, 132 loài thú. Trong đó, có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam như: mang Trường Sơn, voọc, sói lửa, báo hoa mai, sao la, trăn mốc, rắn lục sừng, rùa hộp trán vàng, gà lôi lam mào trắng, cá chình hoa...

Vùng đệm Vườn có diện tích 58.676ha, trải rộng trên 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam, gồm 3 huyện Phú Lộc, Nam Đông và Đông Giang, 15 xã, thị trấn gồm có 109 thôn. Ở vùng đệm có 4 dân tộc anh em sinh sống là: Kinh, Ka tu, Vân Kiều và Mường. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm đại đa số. Các dân tộc khác sống tập trung thành từng bản làng xen kẽ với người Kinh, có sự lai hóa và hòa nhập giữa các dân tộc với nhau.

Thực tế, Vườn được phát hiện dưới thời Pháp thuộc, người Pháp mong muốn xây dựng khu nghỉ dưỡng cho sĩ quan và giới thượng lưu ở Huế. Lúc này, tại Đà Nẵng đã có khu làng Pháp ở Bà Nà, nhưng phương tiện giao thông khó khăn, phải vượt qua đèo Phước Tượng, Phú Gia và Hải Vân, khiến những chuyến nghỉ dưỡng trở nên xa xỉ.

Tuy vậy, đến tháng 2/1936,người Pháp đã quy hoạch khoảng 300 ha rừng để xây khu nghỉ dưỡng. Hơn 500 công nhân được huy động làm con đường dẫn từ quốc lộ lên đỉnh Bạch Mã, khởi đầu cho việc xây dựng những khu biệt thự mang kiến trúc Pháp. Tuyến đường này cùng lúc được sử dụng cho khách bộ hành, phu kiệu đưa giới thượng lưu lên núi. 139 căn biệt thự ở lưng chừng núi được hoàn thành năm 1942. Điểm cao nhất đỉnh núi, người Pháp xây dựng Vọng Hải Đài để ngắm cảnh về cả phía Huế và Đà Nẵng. Chủ nhân những căn biệt thự khi đó là người Pháp, người Việt giàu có, quan lại hoặc gia đình hoàng tộc triều Nguyễn.Bạch Mã khi ấy trở thành 1 trong 7 khu nghỉ dưỡng trên cao tại Đông Dương, cạnh tranh với Bà Nà.

So với nhiều địa danh du lịch khắp dải miền Trung, Vườn Quốc gia Bạch Mã vẫn là một ẩn số. Gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế của vùng đất này thế nào trong cơn lốc dựng xây và cả những ý định nhăm nhe khai thác bằng dịch vụ công nghiệp đang là câu hỏi đặt ra với các nhà quản lý?!

Trải qua nhiều trận chiến cho tới mãi sau này, Vườn Quốc gia Bạch Mã chính thức mới thành lập theo Quyết định số 214-CT năm 1991của Chủ tịchHội đồng Bộ trưởng Việt Nam. Vườn khi đó có diện tích 22.030ha, chủ yếu nằm trên 2 huyệnPhú LộcvàNam Đôngthuộc tỉnhThừa Thiên-Huế. Đến năm 2008, Vườn quốc gia Bạch Mã được Thủ tướng điều chỉnh mở rộng với tổng diện tích từ hơn 22.000 ha lên gần 37.500 ha. Sau khi mở rộng nằm trên 3 huyện: huyện Phú Lộc và huyên Nam Đông thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Đông Giang thuộc tỉnh Quảng Nam.

Bạch Mã chưa “thức tỉnh”

Theo TS. Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã, hiện nay, lượng khách TB của Bạch Mã còn rất thấp, chỉ khoảng 15.000 – 16.000 khách/năm, doanh thu du lịch khoảng 600 – 700 triệu đồng. Nguyên nhân của việc này chủ yếu là khí hậu khắc nghiệt: mưa nhiều, ẩm ướt; số ngày kinh doanh dưới 100 ngày/năm...  nên nhà đầu tư phẩn cân nhắc nhiều cho việc bảo dưỡng, thuê người và rủi ro trong kinh doanh du lịch.

Nguyên nhân thứ hai, do giao thông đi lại khó khăn. Đường lên đỉnh Bạch Mã là đường độc đạo, dài 16 km nhưng độ dốc cao, trung bình khoảng 12%,… dẫn đến giá thành vận chuyển từ chân núi lên đỉnh rất cao, khoảng  900.000 đồng trong ngày lên về/xe 15 chỗ (chở dưới 12 người); qua đêm 1.200.000 đồng). Điều này làm giá thành Tour Bạch mã cao, ít hút khách.

Thứ ba, là cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Đặc biệt là nguồn điện hay bị sự cố. Hiện ngành điện chưa dám đầu tư, sửa chữa để kinh doanh do khả năng sinh lợi kém. Các cơ sở nghỉ dưỡng còn kém chất lượng, ẩm mốc; dịch vụ ăn uống khó tổ chức do khách ko thường xuyên, vận chuyển, dự trữ, bảo quản thức ăn rất khó khăn…

Ông Nguyễn Vũ Linh, Phó Giám đốc Vườn cho rằng, quan điểm khách ít, giá cao là định hướng chiến lược, có thể phù hợp với Bạch Mã. Tuy nhiên, các điều kiện về hạ tầng và dịch vụ cần phải tương xứng với giá cả cao mà khách hàng chi trả. Nếu thái quá với quan điểm này, đôi khi lại làm mất công bằng với du khách đại chúng (thu nhập trung bình và thấp) khi họ không tiếp cận được Bạch Mã.

Tuy nhiên, phát triển du lịch sinh thái trong khu bảo tồn còn nhiều hạn chế. Một số nơi chưa tuân thủ các nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, chưa thu hút được sự tham gia của cộng đồng; nguồn thu từ phát triển du lịch sinh thái còn hạn chế, chưa đủ bù đắp chi phí và đầu tư trở lại; một số nơi du lịch sinh thái phát triển nóng gây ra những tác động tiêu cực... Ví dụ điển hình, doanh thu của Vườn quốc gia Ba Vì năm 2016 đạt 8 tỷ đồng và dự kiến năm 2017 cũng chỉ đạt khoảng 9 tỷ; còn Vườn quốc gia Tam Đảo năm 2016 đạt 200 triệu đồng, dự kiến trong năm 2017 cũng đạt ở mức đó; cá biệt Yok Đôn chỉ đạt 10 triệu đồng.

Nguyên nhân của những tồn tại đó là các khu bảo tồn chưa có chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch sinh thái; thiếu đội ngũ điều hành, quản lý, nghiệp vụ, kỹ thuật được đào tạo chính quy về du lịch và du lịch sinh thái; cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa đồng bộ; nhận thức về giá trị sinh thái môi trường còn chưa cao…

TS. Phạm Hồng Long - Chuyên gia du lịch, không chỉ riêng Bạch Mã, hiện nay, nước ta có 31 Vườn quốc gia, 68 Khu bảo tồn thiên nhiên, 45 Khu bảo vệ cảnh quan, 20 khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; cùng nhiều tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa... là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam.

Để đánh thức tài nguyên du lịch này, từ năm 2014, với việcUBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý chủ trương xây dựng Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng rộng 300 ha tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng của nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Du lịch Bạch Mã.

Đến năm 2016, nhà đầu tưtrình bày với tỉnh Thừa Thiên - Huế là Khu du lịch sẽ được chia làm 5 phân khu chính, gồm làng tâm linh, làng đỉnh núi, làng di sản, làng trung tâm (phục vụ mua sắm, ăn uống) và làng dịch vụ. Để kết nối các phân khu, dự án sẽ xây dựng hệ thống cáp treo tại vườn quốc gia Bạch Mã.

Bài & ảnh: Trường Giang

Kỳ II: Gian nan công tác bảo tồn