Krông Bông, Đắk Lắk nguy cơ bị cô lập

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 23/09/2017

(TN&MT) – Huyện Krông Bông là vùng căn cứ cách mạng H9, nơi tỉnh ủy Đắk Lắk hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước,. Hòa bình lập lại,...

 

(TN&MT) – Huyện Krông Bông là vùng căn cứ cách mạng H9, nơi tỉnh ủy Đắk Lắk hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước,. Hòa bình lập lại, Krông Bông là huyện vùng sâu của tỉnh, đất đai kém mầu mỡ nên đã hơn 40 năm nhưng người dân nơi đây cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, nay người dân nơi đây còn khó khăn hơn, và đứng trước nguy cơ bị cô lập nếu hai tuyến đường huyết mạch là tỉnh lộ 9 và tỉnh lộ 12 đi vào huyện không được nâng cấp mở rộng.

Cầu Cư Păm bị sập hình chữ V do hút cát tràn làn trên sông Krông Bông.
Cầu Cư Păm bị sập hình chữ V do hút cát tràn làn trên sông Krông Bông.

Cầu sập vì khai thác cát tràn lan

Mùa mưa lũ năm 2016, cầu Cư Păm trên tỉnh lộ 9 tuyến huyết mạch nối giữa trung tâm huyện Krông Bông đến 4 xã gồm Yang Kang, Cư Kty, Hòa Thành, Hòa Tân và 2/3 xã Khuê Ngọc Điền đi quốc lộ 26 huyện Krông Pắc đã bị sập. Nguyên nhân được xác định là do khai thác cát tràn lan, khai thác cát lậu gây thụt lún chân cầu. Khi gặp mưa lũ về đã làm cho trụ cầu giữa sông thụt lún làm cho mặt cầu gập khúc hình chữ V. Cầu sập, mọi lưu thông đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết tình thế, Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk đã bắc cầu tạm vượt điểm gãy gập có tải trọng dưới 3 tấn và chiều cao giới hạn 2m chỉ dành cho xe con, tải nhỏ, xe máy và người đi bộ, việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Chính quyền các xã và người dân nơi đây cho biết: Tại xã Hòa Thành có nhà máy chế biến tinh bột sắn, thu mua nguyên liệu trên địa bàn huyện. Nay cầu sập xe tải lớn không thể đi qua cầu, phải vận chuyển bằng xe nhỏ hoặc đi đường vòng khiến cho giá cước vận chuyển tăng cao, tỉ lệ nghịch là giá mua sắc nguyên liệu cho người dân giảm. Do đó, trong hơn một năm qua người trồng sắn nguyên liệu trên địa bàn huyện Krông Bông gặp nhiều khó khăn không chỉ do giá thị trường chung xuống thấp mà còn do khâu vận chuyển gặp khó khăn nên giá càng thấp hơn.

Cầu sập, còn ảnh hưởng lớn đến việc thu gom, vận chuyển xử lý rác thải khu vực thị trấn Krông Kmar và các xã lân cận ra bãi rác. Trước đây, rác thải được thu gom tuần 2 lần thì nay chỉ thực hiện được 1 lần nhưng chi phí lại phát sinh cao hơn nhiều vì xe ép chở rác phải đi đường vòng sang huyện Cư Kuin mới đến bãi rác xa hơn 30km.

Bà Đinh Trần Thị Bích Nga – Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND huyện Krông Bông cho biết: “Để vận chuyển rác theo đường vòng, UBND huyện Krông Bông đã trích kinh phí bù lỗ cho đơn vị thu gom, xử lý rác thải nhưng việc thu gom chỉ thực hiện được 1 ngày trong tuần. Do đó, lượng rác tồn đọng trong dân còn khá lớn. Nếu không có biện pháp khắc phục tốt hơn thì nguy cơ thị trấn Krông Kmar và các vùng lân cận sẽ bị ô nhiễm vì rác thải không được thu gom xử lý kịp thời”.

Tỉnh lộ 9 xuống cấp khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Tỉnh lộ 9 xuống cấp khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Hai tuyến đường huyết mạch nát bét

Không chỉ cầu bị sập mà tỉnh lộ 9 có chiều dài 30 km từ trung tâm huyện Krông Bông đi QL26 huyện Krông Pắc đã xuống cấp nghiêm trọng, ổ trâu, ổ voi xuất hiện dày đặc trên mặt đường. 30 km đường nhưng phải mất 2h di chuyển bằng xe máy, đi ô tô thì còn lâu hơn. Tỉnh lộ 9 xuống cấp mọi giao thương, đi lại giữa huyện Krông Bông với huyện Krông Pắc ra quốc lộ 26 đi tỉnh bạn gặp rất nhiều khó khăn.

Không chỉ tỉnh lộ 9 mà tỉnh lộ 12 nối trung tâm huyện Krông Bông đi tỉnh lộ 27 tuyến đường giao thương chính của người dân với tỉnh Đắk Lắk cũng xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường nát bét, ổ trâu, ổ voi giày đặc, chỉ dài 15km nhưng cũng phải mất gần 1h để vượt qua. Khó khăn chồng chất khó khăn, người dân Krông Bông chỉ biết kêu trời.

Tỉnh lộ 12 xuất hiện ổ trâu, ổ voi dọc tuyến từ quốc lộ 27 đến trung tâm.
Tỉnh lộ 12 xuất hiện ổ trâu, ổ voi dọc tuyến từ quốc lộ 27 đến trung tâm.

Chính quyền nói gì?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường, Bà Đinh Trần Thị Bích Nga – Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND huyện Krông Bông cho hay: Theo phân cấp hai tuyến tỉnh lộ 9 và 12 đi vào huyện do tỉnh Đắk Lắk quản lý. Do đó, mọi kế hoạch nâng cấp, sửa chữa do tỉnh quyết định. UBND huyện Krông Bông cũng đã kiến nghị đến UBND tỉnh Đắk Lắk nhiều năm nay đề nghị nâng cấp để người dân đi lại được dễ dàng hơn. Tại các buổi tiếp xúc cử tri từ Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, HĐND huyện ở đâu người dân cũng kêu ca, kiến nghị nâng cấp sửa chữa hai tuyến đường huyết mạch này để giúp cho việc đi lại, vận chuyển giao thương hàng hoá được thuận lợi. Thế nhưng, nhiều năm nay vẫn chưa được thực hiện. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, 2 tuyến đường này xuống cấp càng nhanh vì xe vận chuyển vật liệu xây dựng nhất là xe chở cát khai thác trên sông Krông Bông, sông Krông Ana đi tiêu thụ.

Làm việc với Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk, ông Võ Kế Thắng – Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính cho biết: Việc sửa chữa hai tỉnh lộ 9 và tỉnh 12 trên địa bàn huyện Krông Bông được thực hiện hàng năm. Năm 2017, vốn sửa chữa cho 2 tỉnh lộ đã được đưa vào dự toán phê duyệt và sẽ thực hiện vào khoảng đầu mùa khô tháng 10/2017. Trong đó, tỉnh lộ 9 được bố trí 2,6 tỷ đồng sửa chữa chủ yếu vá chỗ xuống cấp bằng đất cấp phối, tỉnh lộ 12 được bố trí 2,4 tỷ đồng vá chỗ xuống cấp bằng nhựa bán thâm nhập.

Ông Thắng chia sẻ: “Hai tuyến đường này xây dựng đã trên 10 năm, mặt nhựa đã bong tróc xuống cấp nhiều, mặt đường như áo rách, và chỗ này lại phát sinh chỗ khác. Sau mỗi mùa mưa thì đường lại xuống cấp như cũ”.

Ông Thắng cho biết thêm: Riêng cầu Cư Păm bị sập đã được Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thị sát tận nơi. Thủ tướng chỉ đạo xem xét lại việc khai thác cát tràn làn trên sông Krông Bông ảnh hưởng làm cầu sập. Đơn vị được cấp phép đã bị thu hồi giấy phép khai thác. Về kinh phí xây cầu, trung ương sẽ cấp 80 tỷ để thực hiện, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn tất thủ tục trình Chính phủ phê duyệt, khi có vốn sẽ khởi công xây dựng cầu mới.

Tỉnh lộ 12 xuất hiện ổ trâu, ổ voi dọc tuyến từ quốc lộ 27 đến trung tâm.
Tỉnh lộ 12 xuất hiện ổ trâu, ổ voi dọc tuyến từ quốc lộ 27 đến trung tâm.

Riêng tỉnh lộ 12, đoạn nối thị trấn Krông Kmar đến quốc lộ 27 dài 15 km được Sở xác định là công trình trọng điểm cần được nâng cấp, mở rộng trong giai đoạn 2016 – 2020. Dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 40 tỉ đồng. Cùng với kiến nghị của UBND huyện Krông Bông, Sở đã lập danh sách trình UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt công trình đầu tư năm 2018. Song quyết định cuối cùng vẫn là UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở chỉ là cơ quan tham mưu, ông Võ Kế Thắng nói.

Thiết nghĩ, nhiều địa phương trên cả nước phấn đấu đường nhựa đến trung tâm xã, cứng hoá mặt đường bằng bê tông đến tận thôn, buôn. Thế nhưng tại Đắk Lắk vẫn còn tình trạng đường ổ trâu, ổ voi đi vào trung tâm huyện là điều đáng lo ngại. Vậy phải làm gì để giải quyết vấn đề này, câu trả lời thuộc về UBND tỉnh Đắk Lắk./.

Đình Thắng