Gia Lai Đấu thầu thuốc tập trung liệu có loại bỏ được tiêu cực

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 20/09/2017

(TN&MT) – Sau những "lùng nhùng" với số tiền sai phạm lên đến hàng chục tỷ đồng/năm trong quá trình tổ chức đấu thầu thuốc mà báo giới đã phản ánh, bước...

 

(TN&MT) – Sau những “lùng nhùng” với số tiền sai phạm lên đến hàng chục tỷ đồng/năm trong quá trình tổ chức đấu thầu thuốc mà báo giới đã phản ánh, bước sang năm 2017, Sở Y tế Gia Lai tiến hành đấu thầu thuốc theo phương thức mới dựa trên Thông tư 11/2016/TT-BYT với kỳ vọng có được mặt hàng thuốc với chất lượng tốt nhất, giá thành mềm nhất để cung ứng cho các cơ sở điều trị bệnh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc đấu thầu thuốc vẫn còn nhiều vướng mắc, tình trạng thiếu thuốc vào mùa “giáp hạt” vẫn đang là nỗi lo ở các bệnh viện.

Theo ông Trần Duy Linh – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, từ năm 2012, các đơn vị y tế tiến hành đấu thầu thuốc dựa trên Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT – BYT – BTC. Tuy nhiên, sau một vài năm thực hiện thì lộ ra một vài nhược điểm với những tiến trình phức tạp trong đấu thầu thuốc. Cụ thể, tính từ năm 2013, Sở Y tế Gia Lai đã tổ chức các kỳ đấu thầu dựa trên việc lựa chọn danh mục thuốc cần cho các cơ sở y tế tuyến huyện. Sau đó giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, đơn vị sử dụng thuốc nhiều nhất trong toàn tỉnh (khoảng 50% lượng thuốc) để tổ chức đấu thầu. Sau khi đấu thầu thành công, đơn vị này lại tổ chức đấu thầu lại một lần nữa, để tiến hành ký hợp đồng cung ứng thuốc cho các đơn vị tuyến huyện.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm 2017, Sở Y tế Gia Lai cũng như các địa phương trong cả nước tiến hành đấu thầu thuốc dựa trên thông tư mới của Bộ Y tế, các địa phương cùng tiến hành phương thức đấu thầu tập trung.

Đây là hình thức đấu thầu dựa trên việc các hãng dược sẽ cùng đấu thầu một loại thuốc với mức giá khác nhau. Các cơ sở điều trị bệnh sẽ lựa chọn mặt hàng đơn vị mình có nhu cầu với chất lượng tốt nhất, giá thành mềm nhất. Điều này đòi hỏi các nhà thầu bên cạnh việc cạnh tranh về giá cả thì còn phải cạnh tranh về chất lượng thuốc cung ứng. Như vậy, theo phương pháp đấu thầu này, với một loại thuốc cùng nhà sản xuất, cùng hoạt chất có mặt trên thị trường cả nước sẽ có chung một mức giá, và sẽ không còn tình trạng chênh lệch giá thuốc khi đến tay người bệnh. Bên cạnh đó, đấu thầu thuốc tập trung cũng sẽ hạn chế tối đa những tiêu cực có liên quan như tình trạng đẩy giá thuốc lên cao do đi qua nhiều khâu trung gian.

 “Trong năm 2017, Sở Y tế Gia Lai vẫn tiếp tục giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức đấu thầu dựa trên phương thức mới. Các đơn vị tuyến huyện sẽ tiến hành báo cáo, tập trung các danh mục thuốc đơn vị có nhu cầu trong những năm qua để tiến hành xây dựng, thống nhất danh mục, chuẩn bị cho công tác đấu thầu tập trung. Sau khi thống nhất được danh mục thuốc, Bệnh viện Đa Khoa sẽ trình lên Sở Y tế và UBND tỉnh để phê duyệt danh mục. Sau đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh đại diện cho 36 đơn vị y tế trong toàn tỉnh, tiến hành tổ chức đấu thầu.” – ông Trần Duy Linh cho biết.

Được biết, năm nay, Hội đồng đấu thầu thuốc tập trung sẽ có hơn 50 thành viên được phân công nhiệm vụ, đồng thời có quyền tham gia vào mọi nhiệm vụ trong công tác đấu thầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Bên cạnh Sở Y tế Gia Lai, đơn vị Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai cũng tham gia vào quá trình làm việc, kiểm tra, giám sát, thẩm định nhằm đảm bảo tính chặt chẽ về quy trình cũng như phương cách làm việc công khai, minh bạch của tổ đấu thầu.

Tính từ năm 2013 đến nay, nhu cầu sử dụng thuốc của bệnh nhân tăng cao, đòi hỏi việc xây dựng danh mục cũng phải đa dạng, ổn định để đáp ứng đủ mặt hàng thuốc. Mỗi một chu kỳ đấu thầu kéo dài từ 6 đến 8 tháng. Nhưng vậy cũng xảy ra tình trạng “đói thuốc” đến thời kỳ “giáp hạt” nhiều trung tâm y tế, bệnh viện sẽ gặp một tình trạng chung là thiếu thuốc. Như vậy, giữ các đơn vị sử dụng thuốc cần cùng nhau giúp đỡ khi cần thiết để chờ đợt đấu thầu tiếp theo.

Theo quy định của Thông tư 11/2016/TT-BYT, sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, đơn vị mua sắm tập trung sẽ ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận khung với các nhà thầu trúng thầu. Trên cơ sở đó, các cơ sở y tế có nhu cầu mua thuốc sẽ ký kết hợp đồng trực tiếp với nhà thầu đã được lựa chọn. Trung tâm mua sắm tập trung sẽ giám sát việc nhà thầu cung cấp thuốc theo số lượng và tiến độ ghi trong hợp đồng đã ký với từng cơ sở y tế để bảo đảm cung ứng đủ thuốc. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, cơ sở y tế và nhà thầu có thể thương thảo, điều chỉnh số lượng tăng hoặc giảm so với số lượng đã ký trong hợp đồng.

Sở Y tế Gia Lai sẽ vừa là cơ quan quản lý, vừa là cơ quan thẩm định kết quả đấu thầu….Cung ứng thuốc cho bệnh viện thông qua những hình thức đấu thầu mới, với kỳ vọng kiểm soát được giá thuốc, chất lượng thuốc…

Theo ông Trần Duy Linh cho biết, khó khăn hiện nay là Sở Y tế Gia Lai vẫn tiếp tục giao cho Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai tổ chức đấu thầu. Đơn vị này thành lập tổ chuyên gia tiến hành các bước từ xét duyệt hồ sơ đến tổ chức đấu thầu. Các bước đều đòi hỏi lưc lượng cán bộ chuyên môn, chuyên trách. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nhân lực phục vụ công tác tại bệnh viện.  Nguyên nhân là vì Sở Y tế Gia Lai không có nhân lực chuyên trách cho đấu thầu, trong khi quy định mới không cho phép có thêm biên chế, dẫn đến chưa thành lập được đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương. Hiện tại, đây đang là khó khăn mà lãnh đạo đang tháo gỡ để thống nhất hình thức đấu thầu tập trung thuốc ở cấp địa phương”.

Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Linh cho biết thêm: “Đây là năm đầu tiên thực hiện đấu thầu thuốc tập trung tại các tỉnh. Nên việc nhân lực tỉnh cũng sẽ điều phối để đảm bảo đầy đủ, công khai, minh bạch trong việc đấu thầu thuốc. Trong những năm tới sẽ triển khai đấu thầu trên cả nước. Tuy có nhiều khó khăn vì đây là năm đầu tiên thực hiện, nhưng bước đầu cũng đã có những thành công nhất định so với các năm trước…”.

Vũ Đình Năm