Về Phú Cường vui Tết Độc lập
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 02/09/2017
Cứ đến ngày Quốc khánh 2/9 hàng năm, Phú Cường (gồm 2 thôn Phú Thịnh và Thanh Chiểu), là quê hương duy nhất của huyện Ba Vì, thậm chí, của cả TP. Hà Nội tổ chức ăn Tết Độc lập. Tết Độc lập là Tết chính thức thứ 2, sau Tết Nguyên đán được tổ chức trọng thể và thiêng liêng ở làng quê anh hùng bên cạnh dòng sông Hồng này.
Tết Độc lập ở xã Phú Cường. Người dân xã Phú Cường có truyền thống gói bánh chưng ăn Tết Độc lập |
Trước Tết Độc lập chừng mươi ngày, tôi có dịp đến xóm 1, trò chuyện với cụ Trần Thị Điền 85 tuổi, gương mặt đôn hậu, giọng nói còn sang sảng, cụ kể cho tôi nghe đã hơn 60 năm nay vùng quê này lấy Ngày Độc lập của đất nước để ăn Tết: Vui lắm chú ạ, người già mong chờ con cháu ngày ấy về quê đón Tết, gặp gỡ, mua quà… chúc tụng ông bà, bố mẹ, người thân, con trẻ được diện quần áo mới, ra nhà văn hóa, ra đình làng… xem văn nghệ, xem đội chiếu bóng, hay văn công về biểu diễn (những năm bao cấp ấy). Cánh phụ nữ lo dành những hạt gạo trắng thơm ngon nhất gói bánh chưng xanh, thứ bánh chưng dài tròn, còn cánh đàn ông ghép lợn ăn đụng mổ chia nhau, bốn năm giờ sáng đã có tiếng lợn kêu rồi…
Vòng ra xóm chợ, tạt vào nhà cô giáo Nguyễn Thị Khuyên, người dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, tôi càng hiểu hơn truyền thống ăn Tết Độc lập ở đây thật độc đáo và có thể coi là niềm tự hào không đâu có của người dân Phú Cường. Chúng tôi chỉ biết sau Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9/1945, người dân đã tổ chức ăn Tết Độc lập và coi đây là ngày biết ơn đến Đảng Nhà nước, đặc biệt là công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, 2/9 hàng năm chưa bao giờ Phú Cường không ăn Tết Độc lập. Những năm còn bao cấp, đời sống kinh tế khó khăn, chính quyền xã, hợp tác xã đứng ra tổ chức, lợn được bắt từ trại chăn nuôi, cá tát dưới các ao làng, căn cứ vào số lượng nhân khầu từng gia đình mà đội này được 3, 4 con, đội kia được dăm sáu con hay được mấy chục cân cá… Cá được chia trước, còn lợn đúng sáng sớm 2/9, mới được mổ, thành ra cả làng, cả xã 4 - 5 giờ sáng nhộn nhịp, tưng bừng, trẻ con dậy sớm tranh nhau xin bong bóng thổi lên làm bóng bay hay bơm vào làm bóng đá, thanh niên thôn nữ như chúng tôi mang rổ ra đựng thịt vừa được chia, mang âu, xong ra lấy nước dấm (nước luộc lòng) về làm cỗ… vui lắm anh ạ!
Xuống thôn dưới Thanh Chiểu hay đi khắp ngõ xóm nào ở Phú Cường những ngày này, có lẽ chuyện nhiều nhất là nhà ta ăn đụng lợn ở đâu, nhà bà, nhà cô… gói mấy cân bánh chưng, làm bao nhiêu bánh rợm, xã, thôn có tổ chức văn nghệ không, nhà ta các cháu có về ăn Tết đủ không…
Loanh quanh buổi sáng ở Phú Cường, tôi gặp ông bạn hàn vi thuở còn học Trường cấp 3 Quảng Oai với nhau những năm 70, Hồng nói với tôi mấy năm nay đời sống nhân dân khá giả, ngày Tết Độc lập thường rơi vào mùa nông nhàn, con cháu tụ tập về quê đông như hội. Mời ông xuống tôi sáng 2/9 ăn Tết nhé, sẽ thấy ngõ, xóm nào cũng rợp bóng Cờ Tổ quốc, ô tô, xe máy đỗ khắp đường làng. Cả làng tỏa mùi hương trầm linh thiêng, mùi thơm của bánh trưng vừa được vớt ra, mùi thịt nướng, thịt quay, mùi cỗ mời gọi… thơm lừng các ngõ… đoàn kết mà ấm cúng. Nhà nào đông con cháu mấy năm nay thường thịt cả con lợn ấy chứ, xả ra con cháu, làm cỗ cúng gia tiên, mừng Tết Độc lập còn bao nhiêu chia nhau mang đi…
Một trong những nghi lễ suốt 62 năm qua vẫn được gìn giữ ấy là Tết Độc lập bao giờ thôn, làng cũng làm lễ thắp hương tại đình làng trước khi từng gia đình bái yết tổ tiên cầu cho con cháu thịnh vượng, làm ăn phát đạt, khỏe mạnh muôn nhà, quê hương không ngừng phát triển… Lại dịp Tết Độc lập đa số các dòng họ tổ chức phát thưởng cho con em học giỏi, cho các cháu đỗ vào đại học, cao đẳng… để chuẩn bị bước vào năm học mới. Nghi lễ tốt đẹp ấy luôn được nhân dân đồng thuận và hưởng ứng, đây cũng chính là nét đẹp riêng chỉ có ở Phú Cường.
Lân la mấy quán nước nơi cây cầu lớn bắc qua sông Hồng đang được thi công, tôi biết thêm một điều độc đáo nữa, mặc dù, thường Tết Độc lập rất gần với tiết mùa Vu lan báo hiếu Rằm tháng 7 hàng năm, (Tết Độc lập năm nay chỉ cách Rằm tháng bảy 3 ngày), mặc nhiên không bao giờ 2 ngày lễ được dân làng cúng làm một. Mỗi ngày lễ trọng dù cách nhau 1 ngày vẫn Tết nào cỗ ấy, mâm cơm thờ cúng tổ tiên được làm trân trọng, khấn vái thánh thần tử tế như truyền thống bao đời nay là vậy.
Đến Phú Cường những ngày này, khách thập phương được ngắm cây cầu lớn đang được thi công khẩn trương nối nhịp hai bờ Ba Vì (TP. Hà Nội) và TP. Việt Trì (Phú Thọ). Những cánh đồng lúa nếp thơm đặc quánh mùi phù sa Sông Hồng bốn mùa cuộn sóng, thăm nhà Văn hóa thôn Phú Thịnh (công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm) vừa mới hoàn thành để đón Tết Độc lập… Vào ngày Tết, bất kể quen hay lạ bạn sẽ được người dân mời vào nhà, gia chủ coi đó là điềm may mắn mời thưởng thức, ăn tết bởi đây chính là Tết Độc lập, Tết đoàn kết toàn dân như lời Bác Hồ kính yêu căn dặn…
Phú Cường, ngày Thu
Minh Ngọc