"Khát" nước sinh hoạt vì hệ thống cung cấp nước nhỏ giọt

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 31/08/2017

(TN&MT) - Dưới cái nắng miền Trung những ngày cuối hạ, chúng tôi về thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, ông Lý Khang - Trưởng thôn Trung Nghĩa kéo vòi nước máy sinh hoạt, vặn vòi chỉ lòe xòe vài bụm nước nhả ra từ đầu ống xả, ông Khang ái ngại: “Đấy các anh xem, mới 8 giờ sáng mà đã cúp nước rồi, thời tiết thế này, sinh hoạt của bà con vất vả lắm, ngày nào cũng thế…”.

Ông Khang cho biết, cả thôn có 172 hộ, 664 nhân khẩu, chỉ có khoảng 2/3 số hộ được dùng nước máy, nhưng tình trạng nước như thế đấy. Đang vào mùa nắng cao điểm, nhưng nước máy chỉ có từ 6 giờ đến 8 giờ sáng, đúng vào giờ bà con ra ruộng, ra rẫy đi làm việc. Hộ nào “nhanh chân” kịp hứng vào lu, bể chứa để dùng cả ngày, còn hộ nào không có người ở nhà đành chịu “khát”. 

Qua tìm hiểu, được biết, hiện trong thôn còn 30 hộ, không có hệ thống nước máy, dùng nước giếng đào, đóng, nhưng cũng đã cạn kiệt, phải đi hàng cây số để chở nước dưới khe, hoặc xin ở nơi khác về dùng. Không chỉ ở Trung Nghĩa, ông Lê Đức Thương - Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết thêm, xã có 8 thôn, thôn nào cũng có hệ thống nước máy sinh hoạt được lắp đặt từ cách đây 4 - 5 năm. Tuy nhiên 4 thôn là Trung Nghĩa, thôn 1, thôn 5, thôn Hòa Trung, hầu hết người dân  sống 2 bên con đường liên thôn, trong xã, nhưng đơn vị thi công đường ống cấp nước chỉ lắp đặt đường ống một bên đường.

Hiện trong thôn còn 30 hộ, không có hệ thống nước máy, dùng nước giếng đào, đóng, nhưng cũng đã cạn kiệt, phải đi hàng cây số để chở nước dưới khe, hoặc xin ở nơi khác về dùng
Hiện trong thôn còn 30 hộ, không có hệ thống nước máy, dùng nước giếng đào, đóng, nhưng cũng đã cạn kiệt, phải đi hàng cây số để chở nước dưới khe, hoặc xin ở nơi khác về dùng

Theo quy định, không cho phép người dân đào đường để lắp đặt đường ống, vậy là chỉ còn cách, hàng ngày người dân chịu khó kéo ống nhựa qua đường để dẫn nước sang nhà mình, rồi lại thu ống về. Mà nước thì lúc có lúc không, có ngày đơn vị cấp nước cắt nước ban ngày, đêm mới bơm, những ngày nắng này lại chỉ bơm vào lúc 6 giờ đến 8 giờ sáng. Toàn giờ cao điểm, người dân đi làm, hoặc nghỉ ngơi, vậy là hơn 600 hộ dân, hơn 2.500 nhân khẩu lúc nào cũng “khát nước”.

“Mấy năm qua, UBND xã Hòa Ninh đã nhiều lần kiến nghị lên thành phố, Sở NN-PTNT, Công ty cấp nước thành phố, nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì việc xử lý, khắc phục. Nghe nói chưa có kinh phí…!?” - ông Lê Đức Thương - Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh nói. 

Trên địa bàn  các thôn Hòa Khê, Phú Thượng, Đại La… thuộc xã Hòa Sơn, người dân cũng than phiền,  mặc dù có đường ống cấp nước máy về tận từng hộ gia đình, nhưng nhiều ngày gần đây, khu vực này không có giọt nước nào. Bà con  phải dùng nước giếng cho việc ăn uống, sinh hoạt, dù biết rằng nguy cơ nguồn nước bị ô nhiễm rất cao do nằm ngay cạnh nghĩa trang Hòa Sơn. 

13 thôn của xã Hòa Liên cũng đều có hệ thống nước máy, nhưng nhiều thôn như Quang Nam 1, Quang Nam 4, Vân Dương 2, Tân Ninh, Vĩnh Phúc, Vân Dương 1… cũng chỉ đến 15 giờ chiều là không có một giọt nước nào chảy ra từ vòi.  Bà con ở đây đều cho biết, toàn bộ khu vực đều là các dự án, nguồn nước tự nhiên đã bị san lấp, ứ đọng, hầu hết các giếng nước đều nhiễm phèn không thể dùng được. Tình trạng nước máy hoạt động cầm chừng, nhỏ giọt thế này thật khó khăn cho đời sống sinh hoạt của người dân.

Trong lần trao đổi mới đây, lãnh đạo Công ty cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết,  hiện nguồn cung cấp nước đang rất thiếu trên hệ thống cấp nước thành phố. Những ngày qua thời tiết nắng nóng kéo dài làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước, lượng du khách đến Đà Nẵng nhiều tập trung ở nhiều khách sạn, nhà hàng lớn khiến áp lực nước càng giảm trầm trọng.  Trong báo cáo ngày 5/6/2017 gửi UBND TP. Đà Nẵng, Dawaco đã đề xuất các phương án nâng công suất cấp nước của hệ thống. Nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ từ 170.000m3/ngày lên 230.000m3/ngày (dự án đã được UBND TP. Đà Nẵng cấp quyết định chủ trương đầu tư số 1046/QĐ-UBND ngày 27/2/2017).

Theo quy định, không cho phép người dân đào đường để lắp đặt đường ống, vậy là chỉ còn cách, hàng ngày người dân chịu khó kéo ống nhựa qua đường để dẫn nước sang nhà mình, rồi lại thu ống về
Theo quy định, không cho phép người dân đào đường để lắp đặt đường ống, vậy là chỉ còn cách, hàng ngày người dân chịu khó kéo ống nhựa qua đường để dẫn nước sang nhà mình, rồi lại thu ống về

Đồng thời, Đà Nẵng cũng sẽ đầu tư xây dựng nhà máy nước Hòa Trung công suất 10.000m3/ngày (dự án đã được BQL Khu công nghệ cao Đà Nẵng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 86/QĐ-BQLKCNC ngày 30/11/2016). Đặc biệt, đối với dự án xây dựng nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000m3/ngày, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản 1305/UBND-KTĐN ngày 27/2/2017 thống nhất phương án đầu tư của Dawaco và đã trình xin ý kiến của Chính phủ.

Cùng với đó là đầu tư xây dựng gần 40km đường ống chuyển dẫn chính D400 – D1200 theo dự án vay vốn ADB để đưa nước sạch từ nhà máy nước Hòa Liên và nhà máy nước Cầu Đỏ về thành phố. Tuy nhiên,  cả 3 dự án  nói trên tuy đã được các cấp thẩm quyền thống nhất chủ trương, dự án đã được phê duyệt từ cuối năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa thấy khởi động?.

Bài & ảnh: Xuân Lam