Cựu binh hơn 35 năm miệt mài đi tìm hài cốt đồng đội

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 26/07/2017

(TN&MT) - Từ khi chiến tranh kết thúc, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình (64 tuổi, trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) đã không ngừng đi tìm hài cốt đồng đội mình suốt 35 năm qua. Việc làm không những giúp cho nhiều gia đình liệt sỹ vơi đi mất mát khi tìm được người thân, mà còn giúp người cựu binh già giữ trọn lời hứa với những người đồng đội đã khuất xa.
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình- người đã không mệt mỏi hơn 35 năm nay để đi tìm hài cốt đồng đội
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình- người đã không mệt mỏi hơn 35 năm nay để đi tìm hài cốt đồng đội

Những ngày này, căn nhà nhỏ sát bên thành cổ Quảng Trị của người cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình có rất nhiều người lui tới. Đó là những người thân, đồng đội cũ ghé thăm dịp lễ 27/7, hay thân nhân của một liệt sỹ nào đó đến tìm ông để nhờ giúp đỡ.

Từng tham gia chiến đấu trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị (1972), cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình là một trong những nhân chứng lịch sử của một mùa hè đỏ lửa.

Năm 1972, cũng như bao thanh niên khác, ông Bình háo hức lên đường nhập ngũ và được biên chế vào tiểu đoàn 8, Tỉnh đội Quảng Trị (K8) tham gia trận chiến khốc liệt bảo vệ thành cổ.

Ông Bình kể, trong 81 ngày đêm giao tranh ác liệt, có thời điểm mưa lụt, các cán bộ chiến sĩ phải ăn lương khô, uống nước lã, ngâm mình trong nước... nhưng vẫn kiên cường chiến đấu. Nhiều chiến sĩ bị thương đến 2, 3 lần vẫn giữ vững quyết tâm.

Người cựu chiến binh cho hay mình vẫn còn sống sót và lành lặn trở về như hôm nay quả là một điều may mắn. “Ở trận chiến đó, tôi làm nhiệm vụ của người lính trinh sát phải nắm rõ tình hình của địch trước trận đánh và kiểm tra trận địa khi trận đánh kết thúc. Cũng vì vậy mà tôi là người từng làm công việc đau đớn nhất là vuốt mắt và chôn cất cho biết bao nhiêu đồng đội. Tại thành cổ tôi nhớ rõ từng hầm ngầm công sự, chiến hào, trận địa pháo. Nơi đó đã có rất nhiều đồng đội mãi nằm lại bởi bom đạn của quân thù”- ông Bình nhớ lại.

Sau chiến tranh, ông về quê hương Quảng Trị dựng căn nhà sát cổng tây thành cổ với mục tiêu tìm lại đồng đội hy sinh. Ngày mới trở về, thành cổ hoang tàn khiến việc xác định vị trí chôn cất của các đồng đội hết sức khó khăn. Dù vậy ông vẫn không ngại khó, nhất quyết đi tìm...

Suốt 35 năm qua, hình ảnh người cựu binh già cầm bản đồ đi quanh thị xã Quảng Trị để đánh dấu thực địa đã quá quen thuộc với nhiều người dân thành cổ. Ông làm một cách tự nguyện, không một đồng lương hay trợ cấp. Nơi nào người dân báo có dấu tích nghi là mộ liệt sỹ là ông nhanh có mặt để tìm hiểu. Chỉ cần thân nhân cung cấp thông tin về liệt sỹ là ông Bình biết chính xác đơn vị chiến đấu ở vùng nào, địa điểm có thể hy sinh, được cất bốc hay chưa.

Thành cổ Quảng Trị ngày nay trở thành di tích, điểm tham quan lịch sử hào hùng của dân tộc
Thành cổ Quảng Trị ngày nay trở thành di tích, điểm tham quan lịch sử hào hùng của dân tộc

Đến nay, ông Bình đã giúp quy tập hơn 100 hài cốt liệt sỹ thành cổ và hỗ trợ tìm kiếm hàng trăm hài cốt khác. Trong số này có 30 hài cốt đã xác định được thông tin rõ ràng. Tất cả thông tin của những hài cốt được tìm thấy đều được người cựu binh ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ riêng để sau này thân nhân các liệt sỹ có đến nhờ sẽ giúp tìm kiếm dễ hơn. Ông cũng kết nối 15 cựu chiến binh cùng chiến đấu trên chiến trường thành cổ ở các tỉnh miền Bắc, nhờ liên hệ về địa phương nắm thông tin số liệt sỹ hi sinh chưa tìm thấy hài cốt rồi báo về để ông trực tiếp đi tìm.

Kỷ niệm đi tìm hài cốt đồng đội mà ông Bình ghi nhớ nhất là của trường hợp liệt sỹ Lê Thanh Viễn (quê Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Biết vợ của Lê Thanh Viễn là bà Nguyễn Thị Huệ đang ngày đêm mong ngóng tìm hài cốt chồng, không chút do dự, ông Bình khăn gói lên tàu ra Bắc tìm lại những đồng đội chung đơn vị liệt sỹ Viễn để thu thập thông tin.

Sau khoảng 1 tháng ngược xuôi, ông cũng tìm được hài cốt liệt sỹ Lê Thanh Viễn đưa về Quảng Ngãi trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình. Chứng kiến hoàn cảnh gia đình liệt sỹ Viễn hết sức khó khăn, ông Bình đã liên hệ với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi và kêu gọi đồng đội tìm cách giúp đỡ. Nhờ đó mà hai mẹ con bà Huệ có được căn nhà tình nghĩa để sống và có nơi để thờ chồng.

Dù bây giờ tuổi đã cao, di chứng từ chiến tranh khiến sức khỏe của ông Bình giảm đi nhiều, nhưng người lính thành cổ ngày nào vẫn tràn đầy tâm huyết với công việc đi tìm hài cốt đồng đội.

“Thân nhân liệt sỹ vất vả đường xa đến tìm mình để nhờ giúp đỡ, để họ phải đợi lâu ở nhà tôi cũng sốt ruột. Chi bằng mình gắng giúp được chừng nào thì hay chừng đó. Ngày nào tôi còn sức thì tôi vẫn còn đi tìm hài cốt đồng đội của mình...”- ông Bình chia sẻ.

Bài, ảnh:Thế Anh