Hà Nội: Khẩn trương lo phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 24/07/2017

(TN&MT) - Tính đến nay, Hà Nội đã có 3 người chết vì sốt xuất huyết. Số ca mắc bệnh ngày càng tăng, dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo ghi nhận, mỗi tuần Hà Nội  ghi nhận khoảng 1.200 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Số người mắc sốt xuất huyết tăng từ 6 đến 10 lần so với năm 2016. Trong đó, rất nhiều trường hợp người mắc bệnh khi đến bệnh viện đã có những biến chứng nặng, nguy cấp. Điển hình như 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đều bị biến chứng sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thông thường, đỉnh dịch sốt xuất huyết rơi vào tháng 9 và tháng 10. Tuy nhiên, mới tháng 7 Hà Nội đã rơi vào đỉnh dịch đầu tiên trong năm. Dịch sốt xuất huyết trên địa bàn có thể kéo dài đến cuối năm 2017 và dự báo, vào tháng 9 và 11 tiếp tục có những đỉnh dịch mới. Nguyên nhân của những bất thường này  là do mùa mưa năm nay đến sớm, đồng thời, sự gia tăng các công trình xây dựng với nhiều khu nhà trọ mọc lên khiến công tác chống dịch sốt xuất huyết không đơn giản… Môi trường sống ô nhiễm, xuất hiện nhiều ổ bọ gậy chính là nguyên nhân khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Trong khi đó, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, dịch sốt xuất huyết gia tăng là do công tác dập dịch chưa triệt để. Việc phun hóa chất rất hiệu quả với đàn muỗi chứa mầm bệnh. Thế nhưng, có nơi chỉ sau 2-3 ngày phun thuốc lại xuất hiện muỗi mới mang mầm bệnh. Điều này chứng tỏ việc diệt bọ gậy chưa tốt. Hiện có nhiều biện pháp phun thuốc diệt muỗi. Với máy phun cỡ lớn trên xe ô tô áp dụng cho những công trường xây dựng, còn máy phun đeo vai sẽ áp dụng cho từng ngõ xóm, từng hộ gia đình và phun mù nhiệt có hiệu quả ở các bãi đất trống, nhà trọ… Hóa chất diệt muỗi được phun là loại tốt, máy phun chuyên dụng nhập từ Đức.

Cũng theo ông Cảm, muốn tăng hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, lực lượng trực tiếp đi phun phải được đào tạo, tập huấn và phải trả công đúng, đủ. Đối với lực lượng cộng tác viên đến từng nhà truy tìm và diệt bọ gậy cũng cần được chi trả thù lao xứng đáng.

Bên cạnh đó, ông Cảm đề xuất: Để giám sát tốt các ổ bọ gậy - nơi sản sinh muỗi sốt xuất huyết, tại các xã, phường cần phải lập bản đồ dịch tễ, lập danh sách tất cả các hộ gia đình, các hộ có cho thuê trọ, gồm: Tổng số phòng thuê, số người thường xuyên ở trọ. Ngoài ra, cần lập danh sách các công trường xây dựng, các bãi đất trống, các nghĩa trang, cơ quan, xí nghiệp, trường học, đình, chùa, miếu, chợ, khu dịch vụ, khu vui chơi, ăn uống... Sau đó, hằng tuần tổ chức diệt bọ gậy triệt để ở tất cả các khu vực trên.

Đứng trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, để bảo vệ mình và những người xung quanh, người dân không nên chỉ trông chờ vào các cơ quan chức năng mà phải chủ động phòng, chống bệnh. Người dân, cộng đồng nên chủ động diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Cụ thể:

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy;  Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần; Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

- Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay; Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

P. Oanh