Cảnh báo nguy cơ nhiễm độc khi bơi ở bể bơi, ao, hồ
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 12/07/2017
Đó là cảnh báo của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai trong buổi tư vấn phòng, chống đuối nước vào ngày 11-7.
Chia sẻ về tình trạng đuối nước thương tâm tại huyện Thường Tín khiến 5 người thiệt mạng vừa qua, bác sĩ Lương Quốc Chính - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những vụ đuối nước đều có những nguyên nhân khác nhau. Ở khu vực ao nuôi, hồ nước, giếng nước thường tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khí độc, có thể là một trong những lý do dẫn đến việc ngạt khí, đuối nước. Những chất khí độc này bao gồm: amoniac (ammonia) do cá bài tiết ở trong nước và một phần do thực vật và thực phẩm dư thừa sản sinh ra. Một phần amoniac này kết hợp với vi khuẩn để tạo thành nitrit (nitrite) và sau đó là nitrat (nitrate) mà chúng có vai trò như phân bón cho thực vật. Các vi khuẩn kỵ khí cũng sản xuất ra các chất khí độc. Loại vi khuẩn này xuất hiện từ sự tích tụ hữu cơ ở đáy ao. Ngoài ra, các loại hóa chất, phân bón hoặc chất diệt cỏ du nhập vào ao cũng có thể gây nguy hại tới môi trường trong ao.
Để phát hiện những khu vực ao, hồ có khả năng có khí độc, bác sĩ Lương Quốc Chính cho biết, người dân cần chú ý một số biểu hiện dễ nhìn thấy như: Ao bẩn, có mùi hôi, nhiều tảo, hoặc có vùng nước nhìn bề ngoài có vẻ sạch nhưng nếu thấy cá hay ngoi lên mặt nước để đớp cũng là một biểu hiện nước thiếu oxy.
Khi bơi ở bể bơi, người dân cũng không nên chủ quan, không nên bơi vào lúc sáng sớm mà đợi khi chất Clo trong nước bay hơi rồi xuống bể. |
Thực tế, ở khu vực nông thôn, việc người dân bơi lội ở những khu vực như ao, hồ, đầm vẫn thường xuyên diễn ra, nhất là vào mùa hè. Vì thế, theo bác sĩ Lương Quốc Chính, người dân cần phải thận trọng khi tổ chức bơi lội ở những khu vực này. Đối với khu vực có biểu hiện không an toàn, địa phương nên có biển cảnh báo cho người dân.
Nói về nguy cơ nhiễm độc ở bể bơi, bác sĩ Lương Quốc Chính cũng cảnh báo, khu vực bể bơi cũng có thể xảy ra tình trạng nhiễm độc nếu người bơi không để ý. Thường các bể bơi hay được tẩy khuẩn bằng dung dịch Clo, chất này sử dụng ở nồng độ vừa phải không gây nguy hại, nhưng nếu nồng độ nhiều có thể khiến người bơi bị phản ứng phụ như chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi. Thường các bể bơi hay tiến hành tẩy khuẩn vào buổi tối, vì thế để tránh bị nhiễm độc, không nên bơi vào lúc sáng sớm mà chờ đến giữa buổi sáng, khi chất Clo trong nước bay hơi hết mới xuống bể.
Cảnh báo về những khu vực bị nhiễm khí độc và cách phòng tránh, cứu hộ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Khoa Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thực tế ở những khu vực như hang, hầm chứa, giếng sâu, những nơi bỏ hoang… hay có tồn dư khí độc. Khí độc này xuất phát từ tự nhiên, có thể do chất thải, rác, không khí không lưu thông… gây nên. Khí độc lưu cữu thời gian dài có thể gây tê liệt thần kinh khứu giác, tắc đường thở và gây tử vong ngay lập tức cho nạn nhân. Đây là lý do mà trên thế giới và cả ở Việt Nam có rất nhiều trường hợp một người bị nhiễm độc, những người khác vào cứu cũng bị nhiễm và chết theo. Người dân nên hết sức thận trọng khi đi vào những khu vực bỏ hoang, hầm chứa, nơi thiếu khí... Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, khi cứu hộ những nạn nhân ở khu vực có nghi là nhiễm khí độc cần lưu ý: Nếu không có đồ bảo hộ thì không nên trực tiếp nhảy vào cứu; tìm cách đưa không khí từ bên ngoài vào; khi cứu hộ tập thể, cần có người quan sát, theo dõi để xem phản ứng. |
Theo HNM