Phú Yên: Đã xác định được nguyên nhân tôm hùm chết tại thị xã Sông Cầu

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 11/07/2017

(TN&MT) - Trong khoảng thời gian từ ngày 24/5 - 26/5/2017 và ngày 01/6 - 06/6/2017, tại các vùng nuôi xã Xuân Phương và phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu diễn ra tình trạng tôm hùm nuôi chết hàng loạt gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Để xác định nguyên nhân, UBND tỉnh  Phú Yên đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, đến nay đã có kết quả.
Tôm hùm chết tại thị xã Sông Cầu
Tôm hùm chết tại thị xã Sông Cầu

Vùng nuôi khu vực phường Xuân Yên và xã Xuân Phương có diện tích khoảng 627ha, là vùng nuôi tôm hùm tập trung lớn nhất của thị xã Sông Cầu. Hoạt động nuôi trồng này đã diễn ra nhiều năm với số lượng lồng bè thả nuôi ngày càng tăng. Ngoài ra, trong khu vực này còn nuôi trồng thêm nhiều loại thủy hải sản khác như cá, vẹm, hàu, tôm, ốc hương.

Thế nhưng, trong khoảng thời gian từ ngày 24/5 - 26/5/2017 và ngày 01/6 - 06/6/2017 tại các vùng nuôi xã Xuân Phương và phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu diễn ra tình trạng tôm hùm nuôi chết hàng loạt gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Theo báo cáo của UBND thị xã Sông Cầu, đến ngày 07/6/2017 đã có 1.636.654 con tôm chết/693 hộ tại các vùng nuôi.

Kết quả quan trắc môi trường vùng nuôi do Sở Tài nguyên và Môi trường và Viện Hải Dương học Nha Trang thực hiện kết luận "Mật độ nuôi cao, lồng đặt sát đáy; kết cấu và kiểu nuôi lồng bè: Lồng đóng kín, kích thước lồng nhỏ; nắng nóng kéo dài (nhiệt độ trong nước cao) dẫn đến quá trình phân rã và khoáng hóa mạnh các chất hữu cơ tích tụ lâu ngày trong nền đáy của vùng nuôi. Ngoài ra, sự tích tụ chất hữu cơ từ thức ăn dư thừa trong quá trình cho tôm ăn trong nền đáy dẫn đến hiện tượng phú dưỡng là những căn nguyên nhân gây nên hiện tượng thiếu oxy tầng đáy, dẫn đến việc tôm hùm chết hàng loạt".

Nguyên nhân được kết luận là do môi trường vùng nuôi đã bị ô nhiễm, tích tụ lượng lớn các chất hữu cơ. Thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6/2017, tại khu vực này thời tiết diễn biến rất bất thường (nắng nóng kéo dài chuyển mưa lớn đột ngột, nhiệt độ nước cao) tạo điều kiện cho sự phân huỷ chất hữu cơ, sự phát triển mạnh của các loài vi tả, các hoạt động này đều cần tiêu thụ một lượng lớn oxy trong nước. Kết hợp với lượng tôm hùm nuôi tại khu vực dày cả về mật độ lồng lẫn mật độ con tôm trong lồng; việc cắm các cọc tre, sử dụng lốp xe dày đặc để nuôi vẹm, hàu đã cản trở quá trình lưu thông nước, dẫn đến hiện tượng oxy trong nước rất thấp. Tổng hợp tất cả các nguyên nhân nói trên đã gây nên hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt.

Đối với nhà máy chế biến thủy sản Nguyên Hưng, vụ việc tôm hùm nuôi lồng bè khu vực xã Xuân Phương và phường Xuân Yên bị chết không tìm thấy có sự liên hệ nào đến việc xả nước thải của công ty. Kết quả này cũng tương tự với kết quả của Đoàn công tác của Cục Môi trường Miền Trung và Tây Nguyên - Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thống kê thiệt hại, tổng hợp báo cáo làm cơ sở cho UBND tỉnh tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam hỗ trợ kinh phí và cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ các hộ nuôi tôm hùm bị thiệt hại, giảm bớt khó khăn, khôi phục sản xuất.

Mỹ Bình